ThienNhien.Net – TP Đà Nẵng có 27 bệnh viện, với gần 4.000 giường và khoảng 800 phòng khám bệnh tư nhân đang hoạt động, mỗi ngày thải ra hơn 2 tấn chất thải rắn y tế. Thế nhưng, hiện nay, Đà Nẵng vẫn chưa có lò đốt chất thải rắn y tế qui mô lớn, trong khi một vài lò đốt công suất nhỏ thì gây ô nhiễm môi trường…
Người dân sống ở khu vực trung tâm TP Đà Nẵng đã nhiều lần khiếu nại đến các cơ quan chức năng về lò đốt chất thải rắn y tế của Bệnh viện C Đà Nẵng (gọi tắt là Bệnh viện C) gây ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Hữu Quốc Nguyên, Giám đốc Bệnh viện C, cũng thừa nhận điều đó…
Năm 1998, để xử lý chất thải rắn y tế, lãnh đạo Bệnh viện C mua một lò đốt của Hãng Macro Tech (Nam Phi) trị giá khoảng 800 triệu đồng, công suất đốt 150kg/ngày. Tuy nhiên, lò đốt này không chỉ phục vụ cho riêng Bệnh viện C. Trong 5 năm trở lại đây, vì chưa xây dựng lò đốt nên mỗi ngày Bệnh viên Đa khoa Đà Nẵng (cạnh Bệnh viện C), đưa chừng 120kg chất thải rắn y tế sang đốt tại lò của Bệnh viện C. Hợp đồng hằng tháng chi trả 6 triệu đồng tiền dầu đốt lò, dẫn đến lò đốt của Bệnh viện C phải hoạt động liên tục 2 suất trong ngày. Việc vận hành lò đốt chất thải rắn tất phải hao mòn về thiết bị . Chính bởi vậy, lãnh đạo Bệnh viện C đang nâng giá hợp đồng đốt chất thải rắn y tế đối với Bệnh viện Đa khoa lên mức 30 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Nguyên khẳng định: Có một thời gian, lò đốt chất thải rắn y tế của Bệnh viện C tỏa khói và mùi hôi làm cho các hộ dân sống xung quanh khu vực bệnh viện khiếu nại. Song, nguyên nhân của việc ô nhiễm môi trường đó là do chất thải rắn của Bệnh viện Đa khoa chuyển sang không được phân loại đúng(!?).
Các cán bộ có trách nhiệm của Sở Y tế TP Đà Nẵng khẳng định: Đến thời điểm này, chỉ có khoảng 3 bệnh viện trên địa bàn có lò đốt chất thải rắn y tế, trong đó lò đốt của Bệnh viện 199, Bộ Công an, là đáp ứng nhu cầu, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đa số bệnh viện, trung tâm y tế còn lại xử lý chất thải rắn y tế bằng cách cho lên xe rác về đổ ở bãi rác Khánh Sơn, nguy hại vô cùng…
Dự án xử lý chất thải rắn y tế qui mô lớn, ách tắc do đâu?
Hơn ba năm trước, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo cho Sở Y tế phối hợp với các cơ quan liên quan xúc tiến kêu gọi đầu tư dự án xử lý chất thải y tế; sau đó đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) cho dự án này sử dụng vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư 3.364.628 euro, tương đương 69,546 tỷ đồng, trong đó vốn ODA Tây Ban Nha trên 63 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng trong nước. Dự án này bao gồm, hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện và lò đốt chất thải rắn y tế tập trung tại phường Hoà Khánh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị việc đề xuất với phía Tây Ban Nha tài trợ cho dự án. Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH&ĐT trao đổi với UBND TP Đà Nẵng bổ sung khái toán cụ thể theo các hạng mục đầu tư và đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án trước khi trình Chính phủ phê duyệt. Nhưng, việc lộ trình dự án không suôn sẻ… Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng từ chối việc trình báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xử lý chất thải y tế cho UBND TP Đà Nẵng phê duyệt, vì cho rằng, chưa có ý kiến chính thức của Chính phủ.
Đến bao giờ, dự án xử lý chất thải y tế tại TP Đà Nẵng được triển khai để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường?