Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, có 3 nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm lây lan rộng: Thứ nhất, tiêm phòng chưa tốt; Thứ hai, chưa quản lý được nguồn con giống; Thứ ba, chưa kiểm soát được vận chuyển.
Ông Trần Văn Viết, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư tính toán bỏ ra 18 triệu đồng để mua thêm 550 con vịt đẻ (chưa được tiêm phòng) từ một chủ hộ ở Nam Định về nuôi, tận dụng vụ lúa mùa sắp thu hoạch. Thế nhưng, vừa mua về được mấy hôm thì 258 con vịt đã bị chết, nhiều con khác ngắc ngoải. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đàn vịt 550 con do ông mới mua về dương tính với virus cúm H5N1, đưa Ninh Bình vào danh sách “dương tính”.
Tương tự, tại Bắc Giang, từ ngày 21 – 23/5/2007, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 12 hộ chăn nuôi tại thôn Lực, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng với 778 con ngan, vịt; 246 con gà chết và mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1. Theo ông Hoàng Đăng Huyến, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm tái phát ở Bắc Giang là do chưa tiêm phòng đầy đủ. Được biết, dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang xuất phát từ đàn ngan, sau đó lây lan ra đàn vịt và đàn gà. Ngoài ra, theo ông Huyến, một trong những yếu kém trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang, đó là dụng cụ xét nghiệm vừa thiếu và vừa quá lạc hậu, chỉ bằng những năm 1960.
Trong khi đó, theo Cục Thú ý (Bộ NN&PTNT), ngay từ khi có quyết định 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/2/2007 về quy định điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm, nhiều nơi đã ồ ạt ấp mới vịt và vận chuyển không tuân thủ theo các quy định. Thí dụ, tại Phú Xuyên (Hà Tây) đã có vịt con bán từ ngày 1/3/2007 (tức là 3 ngày sau khi quyết định cho phép ấp nở thuỷ cầm có hiệu lực) và hàng ngày xuất ra khỏi huyện từ 50.000-70.000 con, không qua kiểm dịch động vật, chuyển đến 7 tỉnh đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Các cơ sở ấp trứng phần lớn là nhỏ lẻ, chưa đăng ký hoạt động và chưa thực hiện việc kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y, nên họ không kiểm soát được nguồn trứng giống nhập vào lò ấp. Bên cạnh đó các địa phương không thực hiện tốt công tác kiểm soát vận chuyển, mua bán giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm, các trạm, chốt kiểm dịch động vật hoạt động chưa hiệu quả. Hiện nay, nhiều người dân nuôi vịt thả đồng sau khi thu hoạch lúa làm cho mật độ thuỷ cầm rất cao, hầu hết số thuỷ cầm không được quản lý, tiêm phòng”.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đưa ra phác đồ dịch cúm: “Năm 2004, dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh phía Nam, sau đó lan ra các tỉnh miền Bắc. Cả nước đã tập trung vào phòng dịch, tiêu huỷ đến 43 triệu con gia cầm. Năm 2005, tái phát mạnh ở các tỉnh miền Bắc, còn miền Nam thì lẻ tẻ. Miền Bắc tập trung dập dịch khá mạnh. Năm 2006, dịch lại bùng phát mạnh ở miền Nam. Cục Thú y gần như “đóng cửa” để đi vào miền Nam dập dịch. Năm 2007, lại bùng phát mạnh ở miền Bắc. Miền Bắc hiện có 8 tỉnh, trong khi miền Nam chỉ có 2 tỉnh tái phát dịch cúm gia cầm… Phác đồ này thể hiện điều gì? Phải chăng dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, khi cả hệ thống phòng chống dịch chùng xuống?” |
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, có 3 nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm lây lan rộng: Thứ nhất, tiêm phòng chưa tốt; Thứ hai, chưa quản lý được nguồn con giống; Thứ ba, chưa kiểm soát được vận chuyển. Ông Bổng nói: “Đối với tiêm phòng, chúng ta phải thực hiện tiêm tốt và trung thực. Tiêm tốt là tiêm đủ liều, đúng kỹ thuật; còn tiêm trung thực là tiêm được bao nhiêu thì nói bấy nhiêu và không để sót gia cầm chưa được tiêm dịch. Đối với vấn đề quản lý nguồn con giống, có hai cấp độ cần quản lý, đó là: quản lý trứng giống và giám sát các cơ sở ấp trứng giống.” Theo ông Bổng, cơ sở nào không đạt tiêu chuẩn thì cần tiêu huỷ. Thời gian vừa qua, vấn đề này gần như bỏ ngỏ. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chúng ta cần kiểm soát việc vận chuyển gia cầm hữu hiệu hơn, nhất là gia cầm được nhập lậu từ biên giới về.
Liên quan đến vấn đề tiêm phòng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Từ lâu, chúng ta đã nói, con vịt, con ngan là kho virus. Dù chúng ta đã tiêm phòng, nhưng tỷ lệ bảo hộ của đàn gia cầm ở một số địa phương rất thấp, chỉ khoảng 60-70%, có nơi chỉ đạt 30%, thậm chí là rất thấp. Nếu chúng ta không lấp những lỗ hổng này, thì dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào”.