ThienNhien.Net – Theo ước tính của Liên Hợp Quốc (LHQ), chỉ trong vài năm tới, lượng rác thải điện tử của toàn thế giới sẽ vượt quá 40 triệu tấn mỗi năm. Trước tình hình này, LHQ đã khởi xướng một sáng kiến trên phạm vi toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng chất thải điện và điện tử ngày càng tăng.
Với sáng kiến mới của LHQ, các liên doanh giữa nhà nước và tư nhân hi vọng rằng có thể tạo ra một hệ tiêu chuẩn tái chế chất thải trên phạm vi toàn cầu cũng như mở rộng vòng đời của sản phẩm và tăng cường việc phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm đã qua sử dụng.
Hiện nay, các hãng điện tử lớn như Microsoft, Ericsson, Hewlett-Packard (HP) và Dell đều đã có kế hoạch phát triển mặt hàng điện tử của mình. Việc gia tăng tiêu thụ các mặt hàng và thiết bị điện tử trên toàn thế giới đồng nghĩa với việc tình hình sẽ trở nên xấu hơn nếu rác thải loại ra không được kiểm soát. Do đó, cần có một chiến lược tiếp cận mang tính toàn cầu trong việc đề ra cách giải quyết cho vấn đề rác thải điện tử.
Thư ký cấp cao đề án Giải quyết vấn đề rác thải điện tử (StEP) của LHQ, ông Ruediger Kuehr cho biết, chỉ cần nhìn qua một vài nước như Trung quốc và Ân độ trong số các quốc gia đang chuyển đổi sẽ thấy nhu cầu về các thiết bị điện và điện tử đang bùng nổ. Bên cạnh đó, chi phí để thay một chiếc máy vi tính hay điện thoại di động sang một thiết bị cải tiến khác ngày càng giảm, trong khi tốc độ lạc hậu của công nghệ ngày càng tăng, dẫn đến kết quả là ngày càng có nhiều thiết bị điện tử trở thành đồ phế liệu.
Theo tính toán của Ủy ban môi trường Châu Âu, lượng rác thải điện tử đang tăng nhanh gấp khoảng 3 lần so với tốc độ gia tăng bất cứ loại chất thải sinh hoạt nào ở thành thị.
Nếu không có sự kiểm soát đúng đắn, các chất độc trong rác điện tử có thể ngấm vào đất hoặc các mạch nước ngầm, gây hại cho môi trường địa phương và sức khỏe con người.
Phương pháp tái chế không chính quy
Các chất thải nguy hiểm trong máy tính
1. Chì có trong thanh catốt và chất hợp kim 2. Thạch tín trong các thanh catốt để lâu 5. Chất Antimony trioxide dùng làm chất chậm cháy 4. Các chất chậm cháy có thành phần brôm trong vỏ bao bằng nhựa, dây cáp và các bản mạch. 3. Chất Selenium có trong các bản mạch dùng làm máy chỉnh lưu nguồn điện. 6. Chất Cadmium có trong các bản mạch và các chất bán dẫn 7. Chất Crôm trong thép dùng làm chất chống ăn mòn 8. Chất Coban trong thép dùng trong cấu trúc và từ tính 9. Thủy ngân có trong công tắc và trong các vỏ bọc |
Theo ông Klaus Hieronymi, Giám đốc môi trường kinh doanh của HP, sáng kiến này sẽ giúp giải quyết được những mối lo ngại liên quan đến sức khỏe và môi trường.
Tại một vài quốc gia trên thế giới, việc xử lý chất thải phi chính quy đang gia tăng, đặc biệt là các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ, nơi mà việc xử lý chất thải theo phương pháp này vẫn đang được áp dụng. Thông thường, người dân đi thu lượm các máy tính, máy in, tủ lạnh cũ và đưa chúng về chất ở sân nhà. Những người này kiếm tiền bằng cách tháo tung chúng ra, thu hồi các linh kiện và tháo các kim loại quý. Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng và thiết bị trong quá trình hành nghề, họ đã làm hại chính mình và môi trường địa phương. Chẳng hạn như việc đốt các dây cáp đã thu lượm được để lấy lõi đồng ở trong mà không dùng máy/dao cắt bỏ lớp vỏ ngoài sẽ thải ra khói độc, ảnh hưởng tới sức khoẻ và môi trường.
Ông Ruediger cho biết, một đội các nhà nghiên cứu người Thụy Sĩ thuộc StEP đang giúp đào tạo những người làm việc xử lý chất thải. Điều này sẽ giúp cho người dân nhận thức được việc họ đang làm và những tác động đến môi trường cũng như sức khỏe của chính họ.
Tăng cường nhận thức
Ở các quốc gia công nghiệp hóa và tại các thị trường lớn, sáng kiến này nhằm vào việc giúp những người tiêu dùng nhận thức về những hậu quả khi họ thải bỏ các thiệt bị vẫn còn đang hoạt động được.
Ban chuyên trách sẽ giúp hình thành khung chính sách và xem xét các vấn đề xung quanh việc thiết kế sản phẩm, dự kiến vòng đời sản phẩm và khả năng tái chế.
Hơn thế nữa, sáng kiến này của LHQ sẽ được thiết lập dựa vào hướng dẫn về chất thải điện và điện tử của liên minh châu Âu (WEEE). Hướng dẫn này đòi hỏi các nhà sản xuất phải gánh chịu chi phí thu gom, phục hồi và nghiền các thiết bị do người tiêu dùng thải ra. Ông Ruediger cho rằng đây sẽ là thách thức khiến các công ty buộc phải cải tiến thiết kế và họat động của các thiết bị điện tử.
Bên cạnh việc thu hút sự hưởng ứng của các tập đoàn sản xuất đồ điện tử hàng đầu thế giới, ban chuyên trách cũng có sự tham gia của các học viện, quan chức chính phủ và các tổ chức phi chính phủ.
Mục tiêu dài hạn của sáng kiến này là nhằm phát triển một hệ tiêu chuẩn toàn cầu cho việc xử lý chất thải và cải thiện việc thu gom, tái chế các chất thải điện tử.