ThienNhien.Net – Với mục tiêu muốn dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán các sản phẩm từ hổ đã được áp dụng 14 năm qua để thương mại hoá và phát triển đàn hổ nuôi, Trung Quốc đang cố gắng vận động sự ủng hộ của một số quốc gia Đông Nam Á, và đặc biệt là Ấn Độ – nơi còn lại quần thể hổ lớn nhất hiện nay.
Ý định này đã bị nhiều nhà bảo tồn chỉ trích vì cho rằng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác bảo tồn đàn hổ ngoài tự nhiên vốn đang bị đe doạ tuyệt chủng. Từng động thái của Trung Quốc, Ấn Độ và các bên có liên quan đều thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Ấn Độ hiện vẫn đang xem xét đề nghị từ phía Trung Quốc. Hôm qua 28/05, nhà chức trách nước này cho biết họ có thể sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm nếu Trung Quốc thỏa mãn một số điều kiện để bảo vệ đàn hổ hoang dã và đưa ra kết quả nghiên cứu chứng minh được rằng hành động này sẽ không ảnh hưởng đến quần thể hổ tự nhiên của Ấn Độ.
Thư ký môi trường Ấn Độ, Prodipto Ghosh, phát biểu: “Quan điểm của chúng tôi là cơ chế mà Trung Quốc đưa ra cần phải loại bỏ được những áp lực đòi hỏi các bộ phận cơ thể hổ có nguồn gốc tự nhiên”. Theo yêu cầu của Ấn Độ, Trung Quốc cần thực hiện hai bước để đảm bảo rằng quần thể hổ tự nhiên được an toàn. Thứ nhất, Trung Quốc phải thiết lập được quy trình hợp lý để xác định được rằng các bộ phận hổ được mua bán là từ hổ nuôi và các sản phẩm này đều được dán nhãn. Thứ hai, các cơ sở y học cổ truyền Trung Quốc cần thông báo cho người tiêu dùng rằng thuốc trị bệnh từ hổ nuôi và hổ hoang dã đều có giá trị như nhau và họ phải xóa được suy nghĩ hoang tưởng trong dân gian rằng thuốc từ hổ hoang dã luôn hiệu quả hơn.
Được biết hiện nay số lượng hổ ngoài tự nhiên của Trung Quốc là khoảng 30 cá thể, trong khi số hổ nuôi là gần 5.000 cá thể, được nuôi nhốt tập trung trong một số trang trại lớn. Các nhà khoa học bình luận rằng nếu việc buôn bán hổ được hợp pháp hoá trở lại Trung Quốc sẽ tạo ra một lượng cầu rất lớn về các bộ phận cơ thể hổ và làm gia tăng nạn săn bắn hổ như tại một số quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ – một quốc gia có số lượng hổ suy giảm nghiêm trọng trong thời gian qua và hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bảo tồn hổ.