Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 77/CP-TTg ngày 10/5/2007 về xử phạt vi phạm khai thác khoáng sản theo xu thế tăng nặng. Hầu như các hành vi liên quan đến khai thác khoáng sản đều bị phạt tiền ở mức cao hơn so với quy định tại Nghị định 150 (ngày 29/7/2004).
Việc sửa đổi này, từ góc độ pháp luật, là để phù hợp và hỗ trợ tích cực cho việc triển khai Luật sửa đổi , bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản năm 2005.
Các vi phạm hành chính ngay từ hành vi đầu tiên của quá trình khai thác như không đăng ký kế hoạch điều tra, không thông báo kế hoạch khai thác, kể cả ngày bắt đầu xây dựng cơ bản, ngày bắt đầu hoạt động sản xuất, không đăng ký khu vực, khối lượng, thậm chí phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác cũng đều bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Theo trình tự, các hành vi càng ở cấp độ cao, nếu vi phạm càng bị xử phạt nặng. Trong đó, việc khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, khai thác theo giấy phép chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật bị xử phạt từ 10 triệu tới 100.000 triệu đồng (vi phạm khi khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại). Kèm theo là việc tước quyền sử dụng giấy phép khai thác từ 3 đến 6 tháng hoặc vô thời hạn, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng khai thác trái luật.
Các hành vi về quản lý phạm luật cũng bị tăng mức độ xử phạt về tài chính. Trong đó có việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; mức tiền cao nhất lên tới 50 triệu đồng đối với khoáng sản đặc biệt và độc hại.
Thời gian gần đây công tác quản lý khai thác khoáng sản đã được các địa phương quan tâm. Riêng tỉnh Tuyên Quang tổ chức một lực lượng cơ động do Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường làm tổ trưởng, luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường truy quét các hành vi khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái phép, đến mức các lực lượng vi phạm “dạt” hết sang tỉnh bạn.
Tuy nhiên các địa phương vẫn đang ở trong tình trạng khó quản lý và khó xử lý những vi phạm trong quản lý khai thác khoáng sản, kể từ việc khai thác cát sông rất dễ phát hiện và bắt giữ đến việc khai thác các điểm mỏ lộ thiên vùng rừng xanh núi đỏ việc phát hiện, bắt giữ là hết sức khó khăn.
Nghị định 77/CP-TTg đã trao thêm quyền cho các địa phương, các tổ chức thanh tra, kiểm tra TW, chắc chắn sẽ tạo nên sự răn đe lớn hơn đối với các hành vi vi phạm Luật Khoáng sản. Nhưng thực tế cho thấy việc khai thác khoáng sản trái phép luôn liên quan đến cấp chính quyền địa phương, hoặc là thả nổi, hoặc là thông đồng. Nghị định 77 chưa điều tiết tới hành vi phạm luật của các cơ quan quản lý, trong đó có cả việc cơ quan thẩm quyền có nghiêm trong việc xử phạt hay không. Một khi chưa “lấp đầy” quy chế xử phạt, thì việc quản lý khai thác khoáng sản theo Luật khó có thể triệt để.