Lần đầu tiên “Dự án Movimar” được Trung tâm Thu phát định vị vệ tinh – CLS (thuộc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Quốc gia Pháp) giới thiệu tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ vũ trụ trong giám sát vùng biển và tài nguyên biển Việt Nam”. Đây là hệ thống dữ liệu vệ tinh tổng hợp, cho phép phát hiện tràn dầu và giám sát, bảo vệ nguồn tài nguyên biển Việt Nam, cảnh báo các tình huống khí tượng thủy văn, hỗ trợ ngành công nghiệp đánh bắt thủy hải sản…
Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 22/5 tại Hà Nội, có sự tham gia của 250 nhà khoa học, nhà quản lý và hoạch định chính sách thuộc 12 Bộ, ngành trong đó có Bộ TN&MT, Bộ Thủy sản… và đại diện Cơ quan Kinh tế Pháp tại Hà Nội. Trung tâm Viễn thám và Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Bộ TN&MT) đã trình bày tại Hội thảo 2 tham luận: “Chương trình nghiên cứu biển Việt Nam và nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám vệ tinh biển” và “Thực trạng, định hướng phát triển và các ứng dụng khoa học công nghệ vệ tinh và viễn thám trong mục tiêu kiện toàn của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam và công tác dự báo thời tiết biển”.
“Movimar” phát hiện tràn dầu gây ô nhiễm môi trường và…
Với Dự án “Movimar”, CLS sẽ cung cấp các dữ liệu từ vệ tinh rađa Envisat và Radasat-1 và tháng 7/2007 tới đây sẽ cung cấp thêm Radasat-2. Hình ảnh từ vệ tinh rada là công nghệ tối ưu cho công tác quản lý và giám sát các hoạt động ngoài khơi hoặc cho các Đặc khu kinh tế biển. CLS đưa ra giải pháp vệ tinh rada nhằm phát hiện các xâm phạm có chủ ý vùng biển Việt Nam với mục đích bốc dỡ hoặc chuyển hàng và các tàu gây ô nhiễm vùng biển do xục tàu, cung cấp các công cụ để phân tích các phương pháp đánh bắt cá và đánh giá trữ lượng cá.
Với mục đích cảnh báo các khu vực thời tiết xấu, đặc biệt cho ngư dân, những người đã phải chịu những tổn thất nặng nề của cơn bão Chanchu tháng 6 năm ngoái, CLS mong muốn cung cấp cho Việt Nam những dữ liệu về đại dương thu được từ vệ tinh. Bằng cách đó, CLS có thể đóng góp thông qua các cảnh báo khẩn cấp về thời tiết và đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển của ngư dân.
Ông Christiphe Vassal, Tổng Giám đốc của CLS, cho biết, ưu tiên hàng đầu của dự án này là đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển của ngư dân Việt Nam thông qua việc cung cấp một hệ thống định vị vệ tinh cho các tàu thuyền. Đó là một thiết bị nhận tín hiệu GPS, định vị 24/24 giờ, cho biết tốc độ và hướng đi của tàu. Thật ra đối với nước ta, thiết bị GPS không quá mới mẻ trong ngành viễn thám.
“Quan trọng nhất là Việt Nam xác định đơn vị nào sẽ tiếp nhận dự án này cùng với CLS chứ không phải là vấn đề nguồn vốn. Ngoài ra, cần có cơ quan điều phối đủ năng lực để tổ chức phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành liên quan như Bộ TN&MT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thủy sản…”, ông Christiphe Vassal nói.
Thành tựu và kinh nghiệm của Trung tâm Viễn thám
“Chương trình hợp tác Pháp – Việt trong xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh đã góp phần vào những thành công và kinh nghiệm của Trung tâm Viễn thám”. Ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám đã khẳng định điều này trong tham luận trình bày tại Hội thảo. 10 năm qua, Trung tâm Viễn thám đã hợp tác với Pháp thực hiện 3 Dự án: Dự án Viễn thám để lập bản đồ (PRODIGE), Lập bản đồ phục vụ điều tra tài nguyên thiên nhiên (ARPEGE) và Xây dựng hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam (ENRMS).
Gần đây nhất, Dự án ENRMS (2005 – 2008) sẽ giúp xây dựng được trạm thu ảnh vệ tinh viễn thám Quốc gia, Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh viễn thám, tập hợp 15 cơ sở ứng dụng viễn thám thành một hệ thống và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị…
Trước đó, với Dự án PRODIGE, Trung tâm Viễn thám đã chụp ảnh được toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bằng cả ảnh màu và đen trắng, có được hệ thống máy liên hoàn cho phép xử lý bộ ảnh gốc thành các sản phẩm cao cấp, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật nòng cốt của Trung tâm gồm 17 người. Đội ngũ này đã truyền đạt công nghệ trong các xưởng của Trung tâm phục vụ triển khai sản xuất bản đồ địa hình trong những năm 1998-2002. “Dự án ARPEGE đã cung cấp công nghệ và các thiết bị xử lý ảnh vệ tinh và tích hợp dữ liệu trong hệ thống thông tin địa lý phục cụ hiện chỉnh bản đồ địa hình”, ông Lâm nói.