Gần 10 năm qua, những hộ dân sinh sống tại ngách 18, ngõ Hàng Bột (Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) hết sức bức xúc vì phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do Hợp tác xã Vững Tiến chuyên sản xuất các loại nhựa tái sinh gây ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, tổ trưởng Chi hội chữ thập đỏ của khu cho biết, do ô nhiễm môi trường tích tụ lâu ngày, hiện nay trong khu có khoảng gần 30 trường hợp bị mắc các căn bệnh về đường hô hấp nặng: bị ù tai, viêm phế quản mãn tính và bị bướu cổ bazedo, dị ứng ngoài da… Trong đó có nhiều cháu nhỏ thỉnh thoảng bị ngất do khó thở.
Người dân ở đây phàn nàn, hàng ngày họ thường xuyên phải tiếp xúc với khói bụi, tiếng ồn cùng với mùi nhựa cực kì khó chịu, nhất là vào những ngày hè nắng nóng.
Chị Nguyễn Kim Oanh lo lắng, do nhà chị ở ngay cạnh HTX Vững Tiến nên thường xuyên hít phải những mùi nhựa cực kì độc hại và chị thật sự hoang mang khi bác sĩ cho biết con trai chị chưa đầy 10 tuổi nhưng một bên phổi đã bị đen như người nghiện thuốc lá, còn bản thân chị cũng đang bị bướu bazedo.
Bà Ngọc hàng xóm cũng cho biết bản thân bà hiện nay đang bị u xơ phổi, khắp người bị mẩn ngứa và hầu hết những gia đình sống quanh đây đều mắc phải những căn bệnh về đường hô hấp như: tức ngực, khó thở, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản mãn tính…
“Tại các kì họp Hội đồng nhân dân, lần nào tôi cũng đưa vấn đề này ra phản ánh nhưng mọi việc hiện vẫn dậm chân tại chỗ” – ông Ngô Đức Kế, Bí thư chi bộ nói.
Những người dân cho biết, ở đây thật sự chỉ được “trong lành” khi có mặt của các cơ quan chức năng và khi có đoàn kiểm tra xuống. Bà Ngọc than vãn, đoàn kiểm tra xuống ban ngày thì họ lại chuyển sang sản xuất ban đêm với cường độ làm việc còn mạnh hơn làm cho người dân nơi đây mất ăn mất ngủ.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Hoài Chỉnh, trưởng phòng Tài nguyên môi trường quận Đống Đa khẳng định, việc người dân phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường là có thật, nhưng quá tiêu chuẩn quy định hay không phải có cơ quan đo kiểm tra thực tế mới biết. “Việc HTX Vững Tiến chuyển sang sản xuất vào ban đêm, nếu người dân kiến nghị quận cũng sẽ thành lập đoàn xuống để kiểm tra” – ông Chỉnh nói và cho biết thêm, hiện nay phía UBND quận đã kiến nghị UBND thành phố cho di dời HTX công nghiệp Vững Tiến vào khu vực sản xuất tập trung nhưng không biết đến bao giờ cơ sở sản xuất này phải di dời.
Theo ông Chỉnh, trên địa bàn quận Đống Đa hiện nay còn 4 hay 5 cở sở sản xuất công nghiệp ông không nắm rõ và nó còn phù hợp hay không “cái này thuộc Sở Tài nguyên môi trường”!
Như vậy, trong thời gian chờ các cơ sở công nghiệp này di dời ra khỏi khu dân cư thì người dân quận Đống Đa vẫn phải sống chung cùng khói bụi, tiếng ồn và tình trạng bệnh tật ngày càng nặng thêm.