ThienNhien.Net – Là người đã mang hàng trăm kilôgam tài liệu để vận động cho năm di sản văn hóa và thiên nhiên của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, TS Trương Quốc Bình – nguyên phó cục trưởng Cục Di sản – Bộ VHTT, hiện là giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN – thấu hiểu hơn ai hết những cam go của chặng đường được công nhận di sản. Dưới đây là một số ý kiến của TS. Trần Bình xung quanh sự kiện Khánh Hoà xin rút vịnh Nha Trang ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia.
Nhiều ý kiến phản đối việc Khánh Hòa xin rút vịnh Nha Trang khỏi danh sách danh thắng quốc gia, ông có thể lý giải về chủ trương này?
– Tôi thấy cần phải bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện. Việc Khánh Hòa trong thời gian gần đây liên tiếp có những sai phạm trong việc xây dựng mới, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan thiên nhiên vùng vịnh, bị báo chí phản ứng và Thanh tra Bộ VH&TT và Cục Di sản “thổi còi” đã khiến lãnh đạo tỉnh có tâm lý cho rằng ngành văn hóa “làm khó” tỉnh, cản trở phát triển. Vì vậy mới dẫn đến giải pháp là “xin rút”.
Thực tế này có nguyên nhân từ những bất cập trong việc thực thi Luật di sản. Có rất nhiều dân cư sống trong lòng di sản hay danh thắng lại rất khó khăn về chỗ ở, tiện nghi sinh hoạt hằng ngày do bị hạn chế bởi những qui định cứng nhắc: không thay đổi, không sửa chữa, không xây mới. Hội An từng lâm vào tình trạng như vậy, phố cổ Hà Nội cũng thế. Cho nên, không ngạc nhiên khi có những tổ chức, cá nhân không hào hứng với việc được công nhận di sản, danh thắng.
Có mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhưng vì sao chỉ có Khánh Hòa xin rút?
– Đã có nhiều bài học về giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa bảo tồn và phát triển. Vịnh Hạ Long được công nhận di sản thế giới nhưng vẫn có những dự án phát triển rất lớn. Khi Chính phủ phê duyệt dự án cảng Cái Lân, UNESCO đã yêu cầu chúng ta trình hàng trăm báo cáo về tác động môi trường. Chúng ta đã thuyết phục được UNESCO sau khi có báo cáo đánh giá đầy đủ tác động môi trường. Cầu Bãi Cháy cũng thế, lúc đầu cũng bị phản đối, chỉ sau khi thuyết phục được tất cả các bên liên quan và quan tâm rằng riêng việc mỗi ngày không có 100 chuyến phà vượt sông Cửa Lục là đã giảm thiểu ô nhiễm vịnh thì mới được sự đồng thuận. Nếu Quảng Ninh cũng phản ứng như Khánh Hòa thì vịnh Hạ Long đã ra khỏi danh sách di sản thế giới cả chục năm nay rồi.
Thưa ông, Khánh Hòa có thể lập luận rằng dù sao danh thắng quốc gia cũng chưa phải di sản thế giới, và vịnh Nha Trang vẫn có tên trong 29 vịnh đẹp nhất thế giới?
– Phải là danh sách danh thắng quốc gia đã, rồi mới ứng cử viên của di sản thế giới. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Trong “danh sách dự bị” của di sản thiên nhiên, sau Phong Nha – Kẻ Bàng, dự kiến sẽ là hồ Ba Bể, rừng Cúc Phương rồi đến vịnh Nha Trang – Vân Phong. Theo tôi, khả năng được công nhận của hồ Ba Bể là rất gần, và sau đó xứng đáng nhất là vịnh Nha Trang.
Những lợi ích của việc được công nhận là di sản thế giới thì ai cũng đã biết, uy tín về chính trị, sức hấp dẫn về cảnh quan, văn hóa, kiến trúc, nguồn thu từ du lịch, hàng không, kinh doanh khách sạn, ăn uống. Để giới thiệu một điểm đến, các hãng lữ hành phải mất hàng trăm ngàn USD cho mỗi spot quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc tế, nhưng nếu điểm đến đó là di sản thế giới, Discovery Channel hay National Geographic Channel sẵn sàng phát đi phát lại hàng năm trời những bộ phim về di sản đó. Những người thích qui mọi giá trị ra tiền cũng có thể ngồi tính tiền ngay được mà.
Luật di sản văn hóa xác định “danh thắng quốc gia” là khu vực có giá trị thẩm mỹ và những giá trị địa lý, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và được bảo vệ bởi những qui định của Luật di sản.
Còn danh hiệu vịnh đẹp nhất thế giới là của tổ chức các vịnh, không phải là tổ chức mang tính qui định để ràng buộc các quốc gia (như danh hiệu của UNESCO), nó là hình thức câu lạc bộ. Nhưng nó là một giá trị rất lớn về mặt thương hiệu, đặc biệt đối với một thành phố du lịch. |
Theo ông, vịnh Nha Trang có còn hấp dẫn một khi đã ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia?
– Có ai đó nghĩ rằng ra khỏi danh sách danh thắng quốc gia mà địa danh ấy vẫn hấp dẫn khách du lịch như thường chỉ vì anh cho xây thêm nhiều khách sạn và khu vui chơi thì họ nhầm to.
Việc một danh thắng nổi tiếng thế giới tự xin rút khỏi danh thắng quốc gia mình chắc chắn sẽ đặt một dấu hỏi rất lớn với tất cả những ai quan tâm trên thế giới. Uy tín về thương hiệu của danh thắng đó chắc chắn đã và sẽ bị sút giảm trầm trọng.
Làm gì có nhà đầu tư chân chính hay khách du lịch sành điệu nào chấp nhận bỏ tiền cho một nơi từ chối nhận một danh hiệu văn hóa. Có thể Câu lạc bộ các vịnh đẹp nhất thế giới vẫn có tên vịnh Nha Trang, nhưng sự kiện “rút tên” chắc chắn câu lạc bộ ấy cũng đã biết, và chỉ riêng việc biết đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cái tên đẹp đẽ của vịnh Nha Trang rồi.
Trong sự nghiệp làm “đại sứ di sản” của mình, đã bao giờ ông gặp trường hợp mà mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển gay gắt như vậy chưa?
– Tiếc là rất nhiều. Khi tôi tiến hành lập hồ sơ di sản cho Phong Nha – Kẻ Bàng, bí thư tỉnh ủy hồi đó còn hỏi thẳng: “Trở thành di sản thì Quảng Bình được cái gì?”. Và tỉnh kiên quyết cắt 141.000ha rừng thuộc khu di sản xuống chỉ còn 85.000ha. Lý do: để dân còn có chỗ kiếm củi và khai thác gỗ(!?). Bây giờ thì cái lợi của việc trở thành di sản đã thấy.
Ông Bùi Mau (Nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa, hiện là chủ tịch Câu lạc bộ vịnh đẹp Nha Trang): Phải lắng nghe để tìm giải pháp
Theo tôi, tỉnh Khánh Hòa cần phải phối hợp với Bộ VH-TT, Tổng cục Du lịch và nhiều cơ quan có chức năng khác tiến hành qui hoạch chi tiết đối với vịnh Nha Trang. Trên cơ sở qui hoạch chi tiết đã được các cơ quan chức năng thông qua cần phải có một cơ quan thay mặt Nhà nước để quản lý, giám sát việc thực hiện qui hoạch và các mặt tại danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang một cách hết sức chặt chẽ, thống nhất chứ không thể để tình trạng quản lý theo kiểu “thả” chung chung như hiện nay. Đồng thời cần phải có sự tuyên truyền và tỉnh phải biết lắng nghe ý kiến của người dân, ý kiến đóng góp và phản biện của các tổ chức, chuyên gia… rồi chắt lọc ra những ý kiến hay, những giải pháp tốt nhất để áp dụng thực hiện. Làm được như vậy thì tôi tin là sẽ hợp lòng dân và không đến mức phải xin rút vịnh Nha Trang ra khỏi danh thắng quốc gia, việc làm ngược đời với… thế giới. |