ThienNhien.Net – Trong tuần này, một đoàn đại biểu gồm 8 quan chức Trung Quốc sẽ có mặt tại New Delhi để thực hiện cuộc vận động hành lang nhằm thuyết phục Ấn Độ ủng hộ. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cảnh báo rằng Ấn Độ chắc chắn sẽ phải chịu cảnh bị cô lập nếu Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm này.
Nhà bảo tồn nổi tiếng Belinda Wright cho biết: “Số lượng hổ còn lại trong tự nhiên quá ít nên chúng ta không thể mạo hiểm với việc cho phép trở lại hoạt động buôn bán dưới bất cứ hình thức nào và từ bất cứ nguồn nào”.
Hiện tại 50% loài hổ trên thế giới đang sinh sống ở Ấn Độ. Các bộ phận trên cơ thể của chúng đang được khai thác để sản xuất các loại thuốc truyền thống của Trung Quốc, với giá trị thương mại khoảng trên 4 tỷ đôla/năm. Mặc dù trong 35 năm qua đã có rất nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn song việc suy giảm số lượng loài hổ vẫn rất đáng lo ngại. Trong đó, việc săn bắt và buôn lậu trái phép hổ sang Trung Quốc được coi là một trong những yếu tố đe doạ lớn nhất. Phải nói thêm rằng cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều đã ký Hiệp định quốc tế về buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).
Điều khoản CoP 12.5 trong Hiệp định CITES quy định nghiêm cấm tất cả các hoạt động buôn bán trong nước và quốc tế đối với các loài động thực vật có tên trong sách đỏ. Tuy nhiên, năm 1998 Trung Quốc đã thông qua điều luật cho phép việc nhân giống động vật hoang dã trong điều kiện nuôi nhốt. Hiện tại có khoảng 4.000 cá thể hổ nuôi nhốt và dự tính chúng sẽ nhân lên khoảng 100.000 cá thể.
Theo Trung Quốc, số hổ này không những giúp duy trì thị trường buôn bán bền vững mà còn có thể bổ sung thêm vào số hổ ngoài tự nhiên. Bởi vậy, họ muốn hợp pháp hóa hoạt động buôn bán các bộ phận cơ thể chúng.
Chính vì lý do đó, Trung Quốc rất hy vọng nhận được hậu thuẫn của Ấn Độ tại hội nghị CITES, đặc biệt bởi Ấn Độ là nước còn quần thể hổ lớn trên hiện nay. Tầm quan trọng của Ấn Độ trong diễn đàn bảo tồn được khẳng định từ thực tế là Ấn Độ đã 2 lần chủ trì hội nghị CITES mà chưa nước nào làm được.
Các nhà bảo tồn cảnh báo rằng kế hoạch của Trung Quốc còn rất nhiều lỗ hổng. Ông Ravi Singh làm việc ở Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Ấn Độ chỉ ra rằng chi phí cho việc săn bắn trộm một chú hổ hoang dã rẻ hơn gấp 250 lần so với nuôi một con hổ trong chuồng và vì vậy bãi bỏ lệnh cấm sẽ khuyến khích việc săn bắn bất hợp pháp. Ngoài ra, ông còn cảnh báo rằng việc nhân giống hổ nuôi sẽ không thể bổ sung số lượng hổ trong tự nhiên. Trung Quốc cũng đang vận động Việt Nam và Thái Lan ủng hộ họ trong cuộc họp CITES tại Hague tháng tới. Tại diễn đàn hổ toàn cầu tại Kathmandu tháng trước, Trung Quốc cũng đã lấy trường hợp về áp lực bảo tồn đối với loài gấu ở Nêpan để biện luận cho quan điểm của mình.
Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc để đưa ra câu trả lời chính thức. Tuy nhiên, Ông Rajesh Gopal, lãnh đạo của Uỷ ban bảo tồn hổ quốc gia của Ấn Độ, cho biết Ấn Độ cũng bày tỏ sự không hài lòng lắm với một số luận điểm mà Trung Quốc đưa ra.