ThienNhien.Net- Hiện nay, tại Lâm Đồng, và nhiều nơi khác ở Tây Nguyên, tình trạng phá rừng trồng cà phê đang diễn ra khá phổ biến, đe doạ tới sự phát triển của hệ sinh thái. Lợi ích kinh tế kéo theo một loạt các vấn đề nguy hại về môi trường.
Đồi rừng thành… đồi cà phê!
Xã Tân Thượng, huyện Di Linh giữa mùa nóng như đổ lửa. Trên khắp các rẻo đồi cao của xã Tân Thượng đâu đâu cũng thấy một màu xanh ngắt của… cây cà phê đang kỳ xuân thì (nơi trước đây 90% là rừng).
Anh Tuấn Anh – nhân viên Lâm trường Bảo Thuận đóng trong xã dẫn chúng tôi đi vắt qua hai quả đồi thuộc thôn 6 để tận mắt chứng kiến cảnh người dân tại đây lấy đất rừng trồng cà phê ra sao. “Năm ngoái mảnh đất này được thu hồi, người phá rừng cũng bị giam giữ một thời gian nhưng mới về họ đã tái lấn chiếm, tiếp tục trồng cà phê!” – anh Tuấn Anh chỉ tay vào nương cà phê chừng 3 tháng tuổi rộng khoảng 5.000 m2 trước mắt nói. Càng vào sâu, chúng tôi càng ngạc nhiên hơn vì diện tích cây cà phê trồng mới hiện diện khắp nơi. Thực tế này không chỉ đang diễn ra tại Di Linh mà còn nhức nhối khắp các huyện như Đam Rông, Đức Trọng, Lạc Dương, Lâm Hà, Đạ Tẻh.
Nói về tình trạng này, ông Bùi Thanh Phong – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng đưa ra hàng loạt dẫn chứng: Mới đây, đồng bào dân tộc xã Đạ Long (huyện Đam Rông) và một số hộ huyện Đức Trọng đã vào rừng phòng hộ Đa Nhim tổ chức phát 3 ha rừng hỗn giao le – cây lá rộng, đồng thời ngang nhiên lấy 30 ha phân chia ranh giới lô bằng hình thức vạc cây rừng đánh dấu bằng… sơn đỏ và ghi “đất đã có chủ”! Còn tại Đạ Tẻh đã có tới 64 vụ phá rừng trái phép với diện tích 13,28 ha rừng bị triệt phá. Các đối tượng phá rừng thuộc các buôn Đạ Nha (xã Quốc Oai) và các thôn Hương Thanh, Hương Lâm (xã Hương Lâm). Điểm “nóng” nữa thuộc về huyện Đức Trọng khi cũng có tới 19 vụ phá rừng làm nương rẫy xảy ra trong một thời gian ngắn… Riêng các vụ phá rừng nhỏ lẻ thì diễn ra hàng ngày, nhan nhản khắp nơi. Nguy hiểm hơn, khi chính quyền can thiệp, rất nhiều thanh niên đã ngang ngược tổ chức quậy phá, chống đối khiến tình hình càng trở nên căng thẳng và khó kiểm soát.
Nguy cơ tiềm ẩn
Việc lập lại trật tự là điều phải làm. Nhưng liệu có thực hiện được không? Ông Bùi Thanh Phong cho rằng, lực lượng chuyên trách làm công tác quản lý bảo vệ rừng còn bất cập về số lượng, cơ cấu tổ chức, chế độ đãi ngộ, trang bị và khả năng thực thi nhiệm vụ. “Hơn nữa, dù phần lớn diện tích rừng vùng trọng điểm đã được khoán đến hộ gia đình, tổ chức có liên quan nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong xử lý trách nhiệm khi xảy ra phá rừng với đối tượng này, nhất là đối tượng rừng giao đồng bào dân tộc thiểu số!” – ông Phong nói.
Nguy hiểm nữa, chuyện nông dân phá rừng hoặc chuyển đổi các cây trồng khác để ồ ạt trồng cà phê đã được các chuyên gia trong lĩnh vực này cảnh báo: Nông dân sẽ lại phải trả giá cho cái vòng luẩn quẩn chặt – trồng, trồng – chặt, bởi lẽ, giá cà phê chỉ ở mức hấp dẫn khi cung – cầu tương xứng cũng như chất lượng cà phê được nâng cao. Bài học về giá cà phê rớt thảm hại từng xảy ra những năm trước đây tại Việt Nam dường như đang bị nông dân phớt lờ một cách… có ý thức. Ông Phạm Văn Án – GĐ Sở NNPTNT Lâm Đồng cho biết, hiện diện tích cà phê của tỉnh đã lên tới 118.000 ha, vì thế, nếu phát triển nữa sẽ không hiệu quả. Chủ trương của tỉnh là giảm diện tích và chuyển mỗi năm 1.000 ha diện tích cà phê Robusta sang cà phê chất lượng cao Arabica.