Tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí, giảm giá thành, giảm ô nhiễm môi trường… là những vấn đề nóng bỏng đang đè nặng lên vai của các chủ lò ở Bình Dương. Vì vậy, ngay khi được thông tin công nghệ lò nung gạch kiểu đứng đang mang lại nhiều tiện ích và đang được nhiều chủ lò áp dụng hiệu quả, nhiều chủ lò đã tìm đến để nghiên cứu.
Giảm chi phí
Chỉ mới bắt đầu trình diễn, nhưng sáng ngày 7/5/2007, tại Công ty TNHH sản xuất gạch Đức Thành (ấp 3 xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên) nhiều chủ lò gạch ở Tân Uyên Bến Cát đã đến tìm hiểu và xin hỗ trợ xây dựng lò gạch nung kiểu đứng. Chủ lò gạch này là anh Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Thật sự chúng tôi biết công nghệ này đã lâu nhưng phải từ từ chờ người khác làm xong, hiệu quả như thế nào rồi mới bắt tay”.
Tính tình cẩn thận, anh Hải cùng các chủ lò khác ở Tân Uyên đã ngược xuôi về Phú Quốc (Kiên Giang), đến Lâm Đồng tham quan học hỏi và cuối cùng anh kết luận mô hình lò nung kiểu đứng này có thể giúp cho anh kế tục với nghề làm gạch của gia đình vững vàng hơn trong tương lai. Bởi nó có thể giúp lò gạch của anh tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng lao động thủ công…
Công nghệ lò nung này có cách thiết kế giống lò nung Tuynel có hệ thống cách nhiệt, lò sấy. Lò nung sử dụng than đá được thiết kế dạng đứng có thể chủ động cho lò hoạt động trong mọi điều kiện cần thiết. Chủ lò không phải “ngán” nhóm lửa lò như lò thủ công và lò Tuynel. Giá thành mỗi lò này bình quân chỉ bằng 30% giá thành của lò Tuynel, phù hợp với khả năng và điều kiện hiện tại của các chủ lò ở Bình Dương. Ông Nguyễn Văn Minh, cán bộ thuộc Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, công nghệ này đang được áp dụng rộng rãi và thành công trên phạm vi cả nước. Điều quan trọng nhất của hệ thống lò này là có thể tiết kiệm đến 40 % nhiên liệu so với lò thủ công.
Chính những tiện ích này mà nhiều chủ lò đang bắt đầu “săn” công nghệ này về cải tiến lò gạch thủ công. Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Anh – Lý Công Tuấn (xã Khánh Bình, Tân Uyên) cho biết, anh cũng đang bắt đầu cho xây dựng lò nung kiểu đứng này với quy mô 4 miệng, chi phí đầu tư dự kiến 800 triệu đồng. Hiện nay dự án xây dựng lò được Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học – Công nghệ trực tiếp chuyển giao. Anh Tuấn cho biết, nếu dự án này thành công có thể xem đây là bước ngoặc mới cho ngành gạch ngói ở Bình Dương.
Động lực cho chủ lò
Công nghệ mới được tài trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua các chương trình của Liên hiệp quốc (UNDP) và một số bộ ngành, đơn vị cơ quan trong nước do Bộ khoa học -Công nghệ chủ trì thực hiện. Dự án mang tên “Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)”. Đối tượng của dự án này gồm các DNVVN thuộc các ngành sản xuất gạch, gốm sứ, dệt, giấy, chế biến thực phẩm…
Tại Bình Dương ngày 20/12/2006, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận triển khai dự án xây dựng mô hình trình diễn lò gạch liên tục kiểu đứng hiệu suất cao, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thay thế lò gạch thủ công truyền thống. Cách làm là dự án trực tiếp chuyển giao công nghệ, UBND tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/doanh nghiệp. Ông Nguyễn Văn Rua, Giám đốc Sở Khoa học -Công nghệ Bình Dương cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp sản xuất gạch còn sử dụng công nghệ cũ, gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Việc áp dụng công nghệ này ngoài việc giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí nguyên liệu còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Do vậy, trong thời gian tới, sở sẽ trình UBND tỉnh tiếp tục có chủ trương đẩy nhanh tiến độ cải tạo các lò hiện có.
Doanh nghiệp được gì khi tham gia dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong doanh nghiệp vừa và nhỏ?
– Được tham gia các khóa đào tạo miễn phí nâng cao năng lực quản lý và thực hiện tiết kiệm năng lượng, tư vấn về các giải pháp tiết kiệm và hiệu quả năng lượng.
– Được cung cấp các thông tin có liên quan đến công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, giúp doanh nghiệp tăng uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh.