Đã có rất nhiều dự án phát triển điện mặt trời được triển khai từ hàng chục năm trước. Với tiềm năng của một đất nước có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào quanh năm, đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, mỗi ngày trung bình có hơn 6 giờ nắng, việc phát triển, khai thác năng lượng mặt trời lại càng là vấn đề đáng được quan tâm. Tuy nhiên, trong những kế hoạch phát triển ấy, việc chưa thể tự sản xuất những tấm pin mặt trời lớn với giá rẻ luôn là trở ngại để năng lượng mặt trời đến gần hơn với những người dân.
Từ nghiên cứu đến thành phẩm
Pin mặt trời, đối với các nhà khoa học Việt Nam thực sự không phải là một công nghệ mới. Từ sau năm 1975, pin mặt trời đã được nghiên cứu tại Viện Vật lý Hà Nội, rồi phát triển mạnh tại Trung tâm nghiên cứu và sử dụng năng lượng mặt trời tại TPHCM (CERES) thuộc Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1976, phiến pin mặt trời đầu tiên của Việt Nam đã ra đời tại CERES, với đường kính 5cm.
Tuy có nhiều nghiên cứu và nhiều dự án triển khai ứng dụng, thực sự bài toán năng lượng tái tạo điện mặt trời tại Việt Nam vẫn vấp phải một bài toán khó giải: công nghệ công nghiệp sản xuất pin mặt trời. Theo các chuyên gia như Tiến sĩ Hoàn Đình Chiến (ĐH Bách khoa TPHCM), Từ Trung Chấn (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ Nano Phát sáng), các công nghệ hiện tại của chúng ta chưa cho phép sản xuất ra những tấm pin mặt trời có hiệu suất cao và giá thành thấp. Vì vậy, các ứng dụng pin mặt trời của chúng ta phần lớn phải sử dụng các tấm pin mặt trời ngoại nhập. Trong khi ở chiều ngược lại, cát trắng, nguồn nguyên liệu chính để sản xuất pin mặt trời, lại rất dồi dào ở nước ta.
Nhiều nhà quản lý của chúng ta không chấp nhận điều đó. Bài toán làm chủ công nghệ công nghiệp sản xuất pin mặt trời đã được đặt ra với Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM. “Việc nghiên cứu và làm chủ công nghệ công nghiệp sản xuất pin mặt trời, với những thành phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường là bài toán được đặt ra hiện nay đối với chúng tôi. Thành phố sẽ phải làm chủ công nghệ, chuyển giao dây chuyền sản xuất tiên tiến để tăng cường ứng dụng năng lượng sạch này. Tuy nhiên, sau khi chuyển giao, trong bài toán kinh tế sản xuất thương phẩm pin mặt trời để mang lại hiệu quả kinh tế thu hồi vốn đầu tư cho nhà nước, chúng tôi có kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp để thành lập công ty cổ phần”, ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM cho biết.
Trong kế hoạch làm chủ công nghệ công nghiệp sản xuất pin mặt trời, bài toán thời gian đã được vạch sẵn: làm chủ công nghệ này trước năm 2008. Trong xu thế hội nhập, chậm một bước là thua.
Những lựa chọn…
Thực hiện kế hoạch làm chủ công nghệ công nghiệp pin mặt trời này của TPHCM, mới đây, một đoàn chuyên gia gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý và doanh nghiệp đã từ TPHCM đi sang Nga, tìm hiểu về các nghiên cứu, ứng dụng và dây chuyền công nghệ tại đây. Trong các lựa chọn để làm chủ công nghệ công nghiệp này, tại sao Nga lại là lựa chọn đầu tiên của đoàn khảo sát?
Ông Lê Hoài Quốc nhận định: “Đặt vấn đề chuyển giao công nghệ này từ Nga, vì chúng ta còn nhắm tới một định hướng lâu dài, sự phối hợp giữa các nhà khoa học Nga với chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Thực tế nhận định từ các chuyên gia mới khảo sát trở về cho thấy, dây chuyền công nghệ sản xuất pin mặt trời của Nga chưa hẳn là dây chuyền tối ưu so với dây chuyền sản xuất của những quốc gia khác. Nhưng tiềm năng của các nhà khoa học Nga và khả năng hướng dẫn chuyển giao công nghệ cho chúng ta thì đây lại là một địa chỉ tốt. Đó là những yếu tố cần phải cân nhắc”.
Chuyển giao dây chuyền sản xuất nào và chuyển giao công nghệ từ đâu, là một bài toán hiện chưa có lời giải cho các chuyên gia sau khi khảo sát tại Nga trở về. Nhận định ban đầu của họ cho thấy, dây chuyền công nghệ của Nga chưa hẳn là hiện đại, giá chuyển giao dây chuyền cả triệu USD cũng không phải là một mức giá cạnh tranh. Nhưng bù lại, những con người Nga, những trí tuệ Nga lại cởi mở, sẵn sàng chỉ dẫn. Theo các chuyên gia, từ trước tới nay, Nga vẫn là nơi của những ý tưởng vĩ đại, nhưng lại không phải là xứ sở của những dây chuyền công nghiệp hoàn hảo. Với “tham vọng” vừa làm chủ tri thức, vừa làm chủ dây chuyền công nghệ hiện đại, các nhà khoa học đang đứng trước một bài toán khó. Đầu tư hàng triệu USD cho một dự án, nói như ông Lê Hoài Quốc, đó là một con số rất cần cân nhắc.
Hiện nay, các chuyên gia vẫn lên kế hoạch chi tiết về những ưu, khuyết điểm của việc lựa chọn công nghệ. Họ cũng lên những dự án chi tiết cho kế hoạch thành lập nhà máy, tính toán về sản lượng, doanh thu. Dù vẫn còn đôi chút phân vân trong lựa chọn, nhưng quyết tâm làm chủ dây chuyền sản xuất này là rất rõ ràng. Thậm chí, theo ông Từ Trung Chấn, với một kế hoạch tốt, chỉ 2 năm triển khai là nhà nước có thể nói đến chuyện thu hồi vốn đầu tư. “Chúng ta cần phải làm chủ công nghệ này, từ công nghệ phòng thí nghiệm đến việc sản xuất ra thành phẩm. Đây là một quyết tâm của TPHCM. Vấn đề là cách làm”, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TPHCM nhấn mạnh.