ThienNhien.Net – Khu rừng đước Sunderbans ở phía đông Ấn Độ là khu bảo tồn hổ lớn nhất thế giới với hàng trăm đảo nhỏ và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Tuy nhiên, ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu đang khiến cho vùng đất này ngày càng bị thu hẹp và đe doạ sự sống còn của loài hổ nơi đây.
Khu đầm lầy ngập nước Sunderbans có diện tích 26.000 km2, nằm giữa biên giới Ấn Độ và Bangladesh. Theo Tổ chức di sản thế giới của UNESCO, Sunderbans cũng là khu bảo tồn rừng ngập mặn lớn nhất thế giới và là một trong những hệ sinh thái đặc hữu ở khu vực Nam Á.
20 năm trước, những ngư dân ở Sunderbans không dám mạo hiểm vượt qua khu vực rừng đước này để đánh bắt cá vì lo sợ những con hổ đi săn mồi và tìm chỗ trú ẩn. Thế nhưng, khu rừng ngập mặn rậm rạp um tùm một thời giờ đã trở nên thưa thớt và loài thú họ mèo khổng lồ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn và tự bảo vệ.
Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo rằng mực nước biển tăng lên và xói mòn bờ biển do sự nóng lên toàn cầu đang khiến cho vùng Sunderbans ngày càng thu hẹp và đe doạ sự sống còn của các loài hổ vốn đã bị xếp vào hàng nguy cấp.
Ông Kanti Ganguly, Giám đốc Sunderbans cho biết: “Chúng tôi rất lo lắng về mức độ xói mòn đối với khu vực sinh cảnh của hổ và chúng tôi dự định sẽ tăng diện tích rừng ngập mặn cho vùng lõi để bảo vệ loài này”.
Mặc dù Sunderbans đã từng là nơi cư trú của hơn 500 con hổ vào cuối những năm 1960, nhưng hiện nay, chỉ có khoảng 250/270 con hổ sinh sống tại đây. Thậm chí, các nhà chức trách cho biết, theo số liệu mới đây của Viện Thống Kê quốc gia Ấn Độ, số lượng hổ còn thấp hơn nhiều.
Ông Shakti Ranjan Banerjee – chuyên gia về động thực vật hoang dã, nguyên thư kí của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) – cho biết sự tàn phá rừng ngập mặn đã ảnh hưởng bất lợi đến số lượng cá sấu nước mặn, các loài cá và cua biển – những loại thức ăn chính của loài hổ. Điều này sẽ khiến cho những con hổ không tìm được thức ăn.
“Chúng tôi rất lo lắng về số lượng con mồi của hổ vì chúng không thể sinh sôi nảy nở theo ý muốn của chúng ta, hơn nữa, môi trường sống của hổ vẫn đang bị thu hẹp dần do mực nước biển tăng. Nhưng chúng ta không thể chống lại thiên nhiên, và phải chấp nhận điều không thể tránh được là tới một lúc nào đó những hòn đảo sẽ bị nhấn chìm”, ông Pradeep Vyas, trưởng nhóm bảo tồn cho biết.
Khi mực nước biển tăng, rừng ngập m bị ngập quá mức trong nước mặn. Rất nhiều loài thực vật bị mất màu đỏ và xanh thường thấy và trở thành các cành cây trần trụi, khiến cho bầy hổ không tìm được chỗ trú ẩn và dễ dàng bị những kẻ săn trộm hổ phát hiện.
Hơn thế nữa, các nhà bảo tồn khuyến cáo rằng, những con hổ cái cũng không tìm được nhiều nơi kín đáo cho hổ con tránh khỏi sự đe doạ của những con đực trưởng thành – những con này luôn tìm và giết hổ con theo quy luật cạnh tranh và sinh tồn trong bầy đàn.
Cách đây một thế kỷ, Ấn Độ có khoảng 40.000 con hổ. Tuy nhiên, sau hàng thập kỉ loài hổ bị săn bắn trộm và môi trường sống tự nhiên bị huỷ hoại, con số này giảm xuống còn 3.700. Các chuyên gia còn cho rằng, trên thực tế, số hổ còn lại chỉ khoảng 1.200 con.