Chuyện các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không có nhãn mác nhưng vẫn bày bán tràn lan trên thị trường đã trở thành “xưa như trái đất”. Nhưng có một vấn đề lúc nào cũng “nóng hổi” là số người bị ngộ độc thức ăn do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên thực phẩm quá mức cho phép ngày càng tăng, trong khi ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp mạnh.
Ông Huỳnh Văn Thành ở Bến Cát (Bình Dương), người có tiếng là am hiểu về các loại thuốc BVTV, khẳng định: “Nhiều loại thuốc BVTV có mặt trên thị trường hiện nay đều xuất xứ từ Trung Quốc và không có tên Tiếng Việt”. Rồi ông dẫn chứng hàng loạt tên “Tây” như : Padan 95 SP, Furadan 3G, Demon 50EC… Còn theo ông Phan Văn Út (Bình Minh – Vĩnh Long), có đến 9/10 người mua thuốc sâu không quan tâm đến thời hạn sử dụng, thậm chí tên công ty sản xuất. Phần lớn họ chỉ yêu cầu thuốc “càng mạnh, càng tốt”. Đa phần chỉ nhìn vào cái vạch tên trên nhãn thuốc mà mua. Cứ đỏ là độc cao, vàng là trung bình, xanh là độc thấp.
Ngoài vấn đề chất lượng, giá thuốc BVTV cũng quá cao. Ước tính sơ bộ, mỗi vụ lúa một hộ gia đình phải chi 20.000 đồng thuốc diệt cỏ cho 1.000 m2. Đối với hoa màu, số tiền mua thuốc BVTV cao hơn, khoảng 50.000 đ/1.000 m2.
Tuy việc quản lý thuốc BVTV được Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) quy định chặt chẽ bằng nhiều văn bản pháp lý, từ việc sản xuất, lưu thông, đến hướng dẫn sử dụng, thanh kiểm tra… nhưng giá cả, chất lượng, vẫn thả nổi. Riêng về nhãn mác, Quyết định 175/2004/QĐ do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành ngày 10/10/2004 quy đinh: Tất cả các nhãn thuốc BVTV phải ghi bằng tiếng Việt, có thể kèm theo tiếng nước ngoài, phải rõ rang, dễ đọc, gắn lên bao bì, không được dùng hình nền trùng với màu chỉ độc chung… Nội dung nhãn phải gồm đủ 10 mục: thông tin về độ độc, tên thuốc, thành phần hoạt chất, dạng thuốc, công dụng, hướng dẫn sử dụng, những biện pháp an toàn khi sử dụng, sau khi sử dụng và biện pháp sơ cứu khi bị ngộ độc, khả năng hỗn hợp với các loại thuốc khác, cách bảo quản, số đăng ký sử dụng, thể tích thực, tên – địa chỉ nhà sản xuất, địa chỉ của cơ sở gia công – cung ứng, ngày gia công đóng gói, thời hạn sử dụng, hình tượng hướng dẫn cách bảo quản pha chế sử dụng; thời gian cách ly, hình tượng – vạch màu biểu thị độ độc – nhóm độc và tính chất vật lý của thuốc.
Vấn đề xử lý vi phạm các cơ sở, đại lý kinh doanh thuốc BVTV đa phần vẫn áp dụng theo Nghị định 26/NĐ ngày 19/03/2003 về xử lý vi phạm hành chính. Ở một góc độc nào đó, chế tài của Nghị định chưa đủ sức răn đe, dẫn đến việc một số cơ sở cố tình bày bán các loại thuốc vi phạm. Một chuyên gia trong ngành BVTV tiết lộ, nhiều cơ sở bị phát hiện vị phạm đã tẩu tán hàng sang các địa phương khác để bán. Đó là chưa kể nhiều loại thuốc BVTV cấm vẫn lén lút nhập lậu vào thị trường.
Đối với người nông dân, việc nhận biết các loại thuốc ngoài danh mục là chuyện không dễ. Chỉ có cơ quan thanh tra mới làm được việc này. Nhưng rất tiếc, tất cả mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, vừa thanh tra xong đã lại “đâu vào đấy”. Do vậy, TBVTV quá hạn sử dụng vẫn tràn lan, chỉ có nông dân là “tiền mất tật mang”.