Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa nhiều bài viết về nghề nuôi cá ngựa ở Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu, mang lại lợi nhuận cao. Hiện nay, khi mà nghề nuôi tôm sú và một số đối tượng nuôi khác gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh và qui trình kỹ thuật, thì việc thành công nuôi cá ngựa ở qui mô đại trà quả là một tin khá “nóng” cho những ai quan tâm đến ngành nuôi trồng thủy sản ở nước ta.
Tập thể những người nghiên cứu về cá ngựa ở Viện Hải Dương Học Nha Trang thường xuyên nhận được e – mail, điện thoại của rất nhiều người muốn đựơc chuyển giao qui trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm loài cá có giá trị kinh tế này, đồng thời yêu cầu cung cấp thông tin về đầu ra của sản phẩm.Thực chất vấn đề này ra sao, cần phải làm rõ để mọi người khỏi mất thời gian và tiền bạc tìm hiểu, đồng thời tránh hiểu lầm vì có một số dư luận cho rằng viện Hải Dương Học không muốn phổ biến qui trình này?
Quả thật là ở Viện Hải Dương Học đã nuôi thành công và khép kín chu trình sống cá ngựa Đen và có thể chuyển cá sang màu vàng và đôi khi màu đỏ để phục vụ cho việc xuất khẩu, nuôi cảnh với lợi nhuận cao. Qui trình nuôi khá ổn định, tuy nhiên để hoàn chỉnh một dây chuyền từ sản xuất giống đến xuất khẩu cá ngựa có hiệu quả dài lâu thì vẫn còn nhiều điều phải làm. Trước tiên là nhu cầu sử dụng cá ngựa dùng cho y học cổ truyền ở Trung quốc là rất lớn. Theo ước tính của các chuyên gia nước ngoài, hằng năm Trung quốc tiêu thụ cho nội địa đến 25 tấn cá ngựa và cung không thể đáp ứng được cầu.
Tuy nhiên, đây là cá ngựa khô, được khai thác ngoài tự nhiên, giá thành rẻ hơn rất nhiều so với cá ngựa sống. Một thực tế là vấn đề nuôi cá ngựa sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế nếu sản phẩm được bán ra ở dạng khô.
Hiện nay, hằng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu con cá ngựa được kinh doanh cho mục đích nuôi cảnh, phần lớn chúng cũng có nguồn gốc tự nhiên. Như vậy là nhu cầu cá ngựa sống đến nay là không lớn, trừ trường hợp tìm được thị trường sử dụng cá ngựa sống dùng cho y học cổ truyền. Đây là điều phải lưu ý trước tiên nếu muốn nuôi cá ngựa, bởi lẽ không có đầu ra cho sản phẩm thì công nghệ sản xuất chắc chắn sẽ thất bại.
Điều thứ hai là Viện Hải Dương Học sẵn sàng chuyển giao qui trình này cho cộng đồng thông qua yêu cầu chính thức của sở Thủy sản địa phương và với sự hỗ trợ kinh phí của các Trung Tâm Khuyến ngư. Được sự tài trợ của chương trình ECIP, Viện đã cho xuất bản và phát miễn phí cho dân sách hướng dẫn nuôi cá ngựa từ năm 1994 với số lượng xấp xỉ 1.000 cuốn. Đến nay tính khoa học và hiệu quả sử dụng cuốn sách này vẫn còn giá trị.
Điều cuối cùng cần nhấn mạnh là phải phát triển nuôi trồng trên quan điểm bảo vệ nguồn lợi cá biển nói chung và cá ngựa nói riêng. Nếu so với tôm sú bố mẹ thì số lượng cá ngựa đực mang trứng ở ngoài tự nhiên ít hơn rất nhiều. Theo ước tính của chúng tôi, mỗi tháng ở vùng biển miền Trung từ Huế đến Bình Thuận (vùng phân bố chủ yếu của cá ngựa Đen), có thể khai thác đựơc không quá 100 con cá ngựa mang trứng, số lượng này chỉ đủ cho 2 -3 trại sản xuất cá giống. Điều gì sẽ xảy ra khi hằng trăm người đầu tư vào việc sản xuất giống cá ngựa mà chỉ dựa vào nguồn cá bố mẹ đánh bắt từ tự nhiên??? Rõ ràng là nếu không định hướng phát triển nghề nuôi thì việc cạn kiệt nguồn lợi cá ngựa, đặc biệt là cá đực mang trứng, sẽ xảy ra ngay trong thời điểm hiện nay. Viện Hải Dương học đã nuôi cá ngựa tái phát dục nhiều lần trong điều kiện nuôi nhốt, đây là tín hiệu vui cho người nuôi vì chủ động đựơc cá bố mẹ, tuy nhiên sức sinh sản của chúng không cao. Nếu như cá tự nhiên có thể đẻ 500 – 1.500 con một lần thì cá nuôi chỉ 100 – 300 con, ít có hiệu quả sản xuất. Việc cần phải nghiên cứu là tăng khả năng sinh sản của cá tái phát dục thông qua cải thiện dinh dưỡng và môi trường sống, giải quyết được vấn đề này thì mới có thể phát triển bền vững nghề nuôi cá ngựa ở nước ta.
Cá ngựa được đưa vào danh mục của CITES và sách Đỏ ở nước ta và IUCN, việc khai thác và phát triển nghề nuôi chúng cần phải cân nhắc và qui hoạch một cách có khoa học. Nuôi tràn lan và bất hợp lý sẽ không chỉ làm giảm sút nguồn lợi loài cá quí hiếm và có tính nhạy cảm này, mà còn có thể gây thiệt hại cho người nuôi như đã xảy ra đối với một số đối tượng khác.