Cấp trang thiết bị đựng rác, giúp người dân phân loại rác ngay từ đầu nguồn, sau đó tái chế thành nguồn phân bón hữu cơ… Đó là những gì mà Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tiền Phong đã làm. Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đây còn được coi là mô hình hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường.
Sống chung với rác
Tiền Phong (Mê Linh – Vĩnh Phúc) vốn là xã thuần nông, chuyên cung cấp rau và hoa cho thị trường Hà Nội. Trước năm 2002, rác thải xả vô tội vạ ra đường, ao. Đây là khu vực tập trung nhiều nhà máy, khu công nghiệp, đặc biệt là chợ đầu mối cung cấp rau và hoa cho thương lái…Trung bình mỗi ngày môi trường Tiền Phong “đón nhận” khoảng 4 tấn phế liệu, 10 tấn rác sinh hoạt, bình quân mỗi người thải ra môi trường 0,5 – 0,6 kg rác/ngày, trong đó rác thải hữu cơ như rơm, cỏ, rau, thân cây, thức ăn thừa chiếm tới 60%, mặc nhiên đường làng, ngõ xóm trở thành nơi tập kết rác. Trước thực trạng “cha chung không ai khóc”, năm 2002, một tổ thu gom rác gồm 10 người được thành lập, mức đóng góp 2.000 đ/vụ/hộ. Tuy nhiên, lượng rác thải quá nhiều mà nhân lực cũng như thời gian làm việc của tổ lại hạn chế (tổ chỉ hoạt động 1 tuần/lần) nên rác vẫn ứ đọng, gây mùi hôi thối. Đó là chưa kể số người mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp… tăng nhanh theo cấp số nhân khiến người dân không khỏi lo lắng, băn khoăn. Không thể để tình trạng “sống chung với rác” tiếp diễn, một cuộc họp của chính quyền với người dân được tổ chức nhằm “xanh hoá” Tiền Phong.
Biến rác thành tài nguyên
Đã có nhiều tranh cãi cũng như những sáng kiến được đưa ra trong cuộc họp, và kết quả lớn nhât là ngày 21/04/2007, Hợp tác xã Dịch vụ môi trường Tiền Phong ra đời với 17 thành viên, có nhiệm vụ thu gom và tái chế rác. Ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch Hội làm vườn xã, đồng thời là Chủ nhiệm HTX, nhớ lại: “Ngay cả khi đã đi vào hoạt dộng, các thành viên trong tổ còn chưa tin vào tính bền vững của mô hình này thì nói sao được người dân”. Chính vì vậy, mặc dù mỗi gia đình được cấp 1 xô nhựa (11 lít) đựng rác hữu cơ, một bao tải đựng các loại túi nilon và 1 bao tải đựng rác thải rắn… nhưng rác vẫn là đặc sản của Tiền Phong. “Quả thật, thói quen vứt rác bừa bãi không dễ thay đổi một sớm một chiều, thậm chí nhiều người chưa hiểu rõ mục đích của chương trình còn tỏ ra khó chịu. Nên bên cạnh việc tuyên truyền, tôi tiên phong đi trước” – ông Phương cười vui vẻ. Việc tiên phong của ông Phương được bà con trong thôn kể mãi bởi những cánh đồng lúa, màu nhà ông trong vụ ấy xanh tốt lạ thường. Không chỉ có vậy, vụ thu hoạch lúa của gia đình ông cũng khiến bà con “ghen tị” vì năng suất tăng gấp rưỡi. Cũng từ đó, việc tuyên truyền của HTX Tiền Phong “nhàn” hơn.
Cách mà chính quyền và người dân cùng làm, tuy đơn giản nhưng mất khá nhiều thời gian. Ban đầu là khuyến khích bà con bỏ rác đúng nơi quy định, sau đó hướng dẫn các hộ phân loại rác. “Nhiều khi tôi cứ lẩn thẩn như ông buôn đồng nát vì hay kiểm tra xem các hộ có phân loại đúng hay không” – ông Phương tâm sự. Tổ thu gom rác của Hợp tác xã được trang bị 4 xe đẩy chuyên dụng, hàng ngày, đội tới từng hộ dân để thu gom rác. Rác hữu cơ được mang tới xưởng sản xuất phân hữu cơ của hợp tác xã. “Mục đích của việc làm này là phân loại rác ngay từ đầu” – ông Phương giải thích – “Bên cạnh đó, phải giúp người dân hiểu rác cũng là tài nguyên quý và mỗi người dân đều phải có trách nhiệm với môi trường sống của mình”. Bà Phạm Thị Đáng ở thôn Do Hạ tâm sự: “ Thời gian đầu còn lạ lẫm với công việc phân loại nên gia đình tôi vẫn để nhầm rác. Tuy nhiên, đây là cách làm hay, mang lại lợi ích cho người dân, môi trường lại trong sạch hơn. Chắc chắn thời gian tới, gia đình tôi sẽ thích nghi và làm tốt hơn công việc này”.
Hợp tác xã Dịch vụ Môi trường Tiền Phong được chính quyền cấp cho mảnh đất rộng 100 m2 làm xưởng sản xuất phân hữu cơ (Đã sản xuất được 50 tấn). Rác sau khi được cắt thành các đoạn nhỏ, được ủ với men và chất xúc tác để tạo thành phân hữu cơ, thời gian ủ 45 – 60 ngày. Phân hữu cơ được bán lại cho bà con để bón cho cây trồng. Ông Phương cho biết thêm, sắp tới, hợp tác xã sẽ mở thêm một xưởng xử lý nylon và đồ nhựa để sản xuất những dụng cụ thiết yếu bằng nhựa như xô, chậu…
Phân loại rác thải ngay từ đầu nguồn và xây dựng ý thức gìn giữ môi trường cho người dân địa phương chính là công việc mà HTX Tiền Phong đang thực hiện để tiến tới đô thị hoá, công nghiệp . Đây được đánh giá là mô hình xử lý rác thải bền vững, giải quyết tốt việc bảo vệ môi trường, không tốn diện tích chôn lấp, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng nguồn thu nhập cho xã viên.