ThienNhien.Net – An toàn thực phẩm và kiểm soát dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong nông sản xuất khẩu là điểm mấu chốt trên con đường hội nhập vào thị trường nông sản thế giới của nông nghiệp Việt Nam. Bài viết dưới đây bước đầu đi vào tìm hiể
u một số bất cập và hướng đi trong vấn đề mối quan hệ giữa xuất khẩu nông sản và thực trạng sử dụng HCBVTV tại Việt Nam.
Từ những khó khăn về Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của thị trường nông sản trong nước
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển một nền nông nghiệp với nhiều thành tựu cao. Đây cũng là nền tảng để tạo đà cho xuất khẩu. Nhận thức rõ vấn đề này, từ năm 1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Phát triển rau, quả và hoa, cây cảnh thời kỳ 1999 – 2010” và, được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt để triển khai thực hiện. Sau đó, năm 2000 Bộ Thương Mại cũng xây dựng Đề án “Phát triển xuất khẩu rau, quả đến năm 2010” nhằm xác định hướng cụ thể các mặt hàng, thị trường và một số giải pháp về chính sách nhằm đẩy mạnh xuất khẩu rau, quả Việt Nam đến năm 2010.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu nông sản của nước ta hiện gặp phải một số khó khăn, nổi cộm trong đó vấn đề an toàn thực phẩm, tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật đang tập trung sự quan tâm các cơ quan chức năng và đông đảo dư luận trong xã hội.
Thực tế, khối lượng thuốc bảo vệ thực vật thương phẩm sử dụng không ngừng tăng lên khoảng 20.300 tấn năm 1991, 30.000 tấn năm 1994, hiện dao động trong khoảng 35.000 – 42.000 tấn (Số liệu của Viện Bảo vệ Thực vật – Bộ Nnông nghiệp & PTNT). Một thống kê khác của Bộ Y tế cho biết, từ năm 1999 đến tháng 8/2004, trên toàn quốc đã xảy ra 1.245 vụ ngộ độc thực phầm với số bệnh nhân 28.014 người, trong đó 333 trường hợp tử vong. Phân tích nguyên nhân xảy ra ngộ độc trong thời gian trên cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản là ngộ độc hoá chất (11-25%).
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), số mẫu rau, quả tươi có dư lượng HCBVTV chiếm từ 30-60%, trong đó số mẫu rau, quả có dư lượng HCBVTV vượt quá giới hạn cho phép chiếm từ 4-16%. Số mẫu rau kiểm tra ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng Asen cao hơn giới hạn cho phép chiếm từ 22-33%, số mẫu rau có hàm lượng Nitơrat (NO3) cao ở mức báo động (100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội và Hà Tây, 66,6% mẫu rau cải tại Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai có dư lượng vượt giới hạn tối đa cho phép); một số HCBVTV bị cấm sử dụng như Methamidophos vẫn còn dư lượng trong rau.
Đến khó khăn trên con đường xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế
Theo Tổ chức lương nông LHQ (FAO), nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thế giới tăng bình quân 3,6%/ năm, nhưng mức cung ứng của Việt Nam tăng chậm, khoảng 2,8%/ năm. Việc gia nhập WTO sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn để Việt Nam thâm nhập vào thị trường nông sản thế giới. Rau hoa quả, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, là mặt hàng nông sản lớn nhất của sân chơi WTO, trị giá gần 103 tỉ USD. Thị trường về lúa gạo, cà phê, cao su nhỏ hơn; mỗi thứ không quá 10 tỉ đô la Mỹ/năm. Các loại nông sản khác như chè, điều và hồ tiêu thì lại càng nhỏ; trên dưới 3 tỉ đô la Mỹ/năm.
Đi kèm với những thuận lợi nói trên, Việt Nam phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, các sản phẩm thuộc lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Một trong những lý do quan trọng là việc Việt Nam chưa kiểm soát được tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm xuất khẩu. Đây thực sự là một trở ngại to lớn.
Trong nhiều năm qua thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam giảm mạnh. Nếu năm 2001, Việt Nam xuất khẩu nông sản xuất khẩu đến 42 nước và vùng lãnh thổ, thì năm 2004, chỉ còn lại 39 và năm 2005 còn lại 36. Là một cường quốc về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến 90% nông sản Việt Nam phải “khoác áo” thương hiệu nước ngoài mới thâm nhập đến được vào một số thị trường khó tính như Mĩ, Nhật Bản, Tây Âu. Chưa nói đến nguyên nhân do thiếu chiến lược thương hiệu, chất lượng sản phẩm không đảm bảo cũng đã đủ để khiến nông sản Việt Nam phải đi đường vòng.
Trong nông sản, trái cây là một lợi thế của Việt Nam. Với điều kiện nhiệt đới, Việt Nam có tiềm năng sản xuất một lượng trái cây dồi dào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số lượng trái cây xuất khẩu có xu hướng giảm xuống. Điển hình như thị trường Trung Quốc, số lượng trái cây Việt Nam đã giảm từ 140 triệu kim ngạch vào năm 2001, xuống còn khoảng 20 triệu USD vào thời điểm hiện tại.
Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng nông sản Việt Nam, đặc biệt là do việc kiểm soát dư lượng HCBVTV. Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Chu trình GAP (Good Agricultural Practices) – Nông nghiệp an toàn, chưa được thực hiện nghiêm ngặt. Năm 2003, kết quả kiểm tra trên 70 mẫu mật ong xuất khẩu sang thị trường châu Âu của EU cho thấy, hàm lượng Streptomycine trong các mẫu sản phẩm này cao hơn 2,5 lần ngưỡng giới hạn cho phép, trong khi đó khi kiểm tra ở Việt Nam không hề phát hiện được
Thêm nữa, trong thời gian gần đây, một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Nhật Bản, Nga, Mỹ…áp dụng chính sách nghiêm ngặt hơn với vấn đề an toàn thực phẩm, đặc biệt là tiêu chuẩn về dư lượng HCBVTV. Theo thông báo của Nhật – thị trường khá lớn của rau quả Việt Nam với khoảng 16 triệu USD, từ năm 2005, chính phủ Nhật sẽ áp dụng quy định mức giới hạn tối đa hoá chất (MRL) đối với thực phẩm nhập khẩu. Mức áp dụng này sẽ tập trung vào dư lượng thuốc trừ sâu (Tolfenpyrad) và thuốc diệt nấm (Cyazofamid). Nếu các thực phẩm nhập khẩu vi phạm quy định mới về MRL sẽ bị cấm đưa vào Nhật. Tại Mỹ, cùng với yêu cầu về nông sản “sạch” (nông sản hữu cơ), Bộ nông nghiệp Mỹ còn đưa ra định nghĩa mang tính ràng buộc nhà sản xuất nông sản “sạch”, được hiểu là “Canh tác hữu cơ là một hệ thống sản xuất cố gắng tránh hết sức việc sử dụng phân bón hoá chất tổng hợp, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng và các chất phụ gia vật nuôi, để có thể tối đa hoá việc mở rộng phạm vi, hệ thống sản xuất – tiêu thụ sản phẩm”. Một ví dụ khác, ruồi đục quả (fruit fly) là một loại dịch hại cây trồng phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây lại là đối tượng kiểm dịch của các nước có nhu cầu lớn về trái cây nhiệt đới như Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Hàn Quốc…, nhằm kiểm soát tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất trái cây. Các nước nhập khẩu ngày càng gia tăng việc hoặc đòi hỏi trái cây tươi phải được xử lý diệt ruồi đục quả bằng công nghệ hiện đại, hoặc muốn xuất khẩu trái cây tươi sang các nước phát triển phải ký kết Hiệp định về kiểm dịch thực vật. Trong khi biện pháp diệt trừ ruồi dục quả trong sản xuất trái cây của nhà vườn trên cả nước lại chưa triệt để và không đồng bộ ở các địa phương. Nguyên nhân chính là do nhà vườn thiếu vốn, tư duy sản xuất nhỏ còn phổ biến ở nhiều nơi, hơn nữa công tác khuyến nông trong vấn đề này lại chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Thực tế cho thấy, nông sản Việt Nam đã vấp phải những “phản ứng không tốt” trên thị trường quốc tế, do tình trạng dư lượng HCBVTV. Từ ngày 04/12/2006, Cơ quan kiểm dịch nông nghiệp Nga đã lệnh tạm ngừng hoàn toàn việc nhập khẩu gạo vào thị trường này, trong đó có gạo Việt Nam. Nguyên nhân chính là do nước này cho rằng chất lượng gạo của Việt Nam không đảm bảo, còn tồn dư chất diệt cỏ Clorpiriphos gây hại cho sức khoẻ con người. Đây là một thiệt hại lớn. Trong năm 2006, tổng số gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nga là 63.000, với kim ngạch 18 triệu USD.
Một hướng giải quyết cho bài toán xuất khẩu nông sản Việt Nam
Hiện nay, việc kiểm tra dư lượng HCBVTV là một quá trình phức tạp, tốn kém nhưng thực sự cần thiết vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người sử dụng. Thị trường nước ngoài khắt khe đối với việc sử dụng thực phẩm, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm hơn nữa đến chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu. Thêm nữa, không có chu trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices), trái cây và rau quả Việt Nam không những tiếp tục bị sa sút trong xuất khẩu mà còn gặp khó khăn ngay ở thị trường trong nước vì không thể cạnh tranh với hàng ngoại. Việc xây dựng và thực hiện GAP thực sự cần thiết.
Mặt khác, để có thể cạnh tranh trong nước và thâm nhập vào thị trường thế giới, nông sản Việt Nam phải đảm bảo được những tiêu chuẩn của quốc tế về an toàn thực phẩm, đặc biệt là đạt được chuẩn về hàm lượng HCBVTV cho phép. Việc niêm yết cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường quản lý nhà nước về thuốc trừ sâu, cũng như tuyên truyền, khuyến cáo cho nông dân về thiệt hại do thuốc trừ sâu gây ra…là những việc cần làm tích cực, thường xuyên. Một cách tiếp cận tốt hơn đến thị trường nông sản thế giới là việc Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về nông sản và thực phẩm, như IPPC,OIE, CODEX, GMP…
Thiết nghĩ, việc kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn VSATTP là một hướng đi bền vững trong nông nghiệp, giúp Việt Nam có được vị trí ổn định, vững chắc trên thị trường quốc tế.