Ngày 01/05/2007, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp chứng nhận cho 40 nước và một nền kinh tế được phép tiếp tục xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ do đáp ứng các quy định của nước này.
Các chứng nhận này một phần dựa trên sự thẩm tra của các nhóm chuyên gia của Bộ Ngoại giao và Cục Nghề cá biển quốc gia Mỹ tại các nước này. Được biết, nội dung chủ yếu của chương trình bảo tồn rùa biển của Mỹ là yêu cầu các tàu đánh bắt tôm thương mại phải sử dụng thiết bị loại trừ rùa biển (TEDs) để ngăn chặn gây tai nạn cho rùa biển do mắc phải lưới kéo tôm. Chương 609 của Luật 101-162 Mỹ quy định việc cấm nhập khẩu tôm và các sản phẩm tôm được đánh bắt bằng phương pháp có thể ảnh hưởng bất lợi tới các loài rùa biển.
Bốn mươi quốc gia được cấp chứng nhận lần này(không có Việt Nam-ThienNhien.Net) là do đựơc Mỹ đánh giá có môi trường khai thác và phương pháp khai thác không gây nguy hại tới rùa biển hoặc có nghề đánh bắt tôm chỉ ở vùng nước lạnh, nơi nguy cơ gây hại tới rùa biển là không đáng kể. Mỹ cũng cho biết việc nhập khẩu tôm từ tất cả các nước khác sẽ bị cấm trừ khi chúng là sản phẩm nuôi hoặc được đánh bắt ở các vùng nước lạnh, nơi không thể tìm thấy rùa biển hoặc bằng các kỹ thuật khai thác chuyên dụng không đe doạ tới rùa biển.
Các nỗ lực của Mỹ để thực thi Chương 609 của Luật 101-162 được đánh giá đã đem lại lợi ích đáng kể cho các loài rùa biển đang bị đe doạ ở những nơi đang sử dụng TEDs. Mỹ tiếp tục đưa vào sử dụng TEDs như một công nghệ hiệu quả và hữu hiệu đối với việc bảo vệ các loài rùa biển. Các nước khác hiện nay đang đánh giá công nghệ TEDs để áp dụng theo đối với nghề cá trong nước và Mỹ tiếp tục đưa ra sự trợ giúp về kỹ thuật nhằm ủng hộ các nỗ lực như vậy với hy vọng rằng sẽ có nhiều nước hơn được bổ sung vào danh sách các nước được cấp chứng nhận.