Phát triển mất cân đối đe doạ sông ngòi ở châu Á

ThienNhien.Net – Hàng tỉ người đã và đang sinh sống dựa vào các con sông của châu Á như sông Mê Kông, sông Dương Tử, sông Hằng hùng vĩ và vô số sông ngòi, kênh rạch nhỏ hơn. Tuy nhiên, sự phát triển mất cân bằng của con người đã gây ra một sức ép nặng nề cho các dòng sông cũng như cuộc sống của chính người dân nơi đây.

Tại châu Á, nhiều con sông đang bị ô nhiễm bởi nước thải, bùn, rác thải công nghiệp hay bị biến dạng bởi đê đập và những tác động khác và đã trở thành các “vùng sinh thái chết”. Nhiều con sông như sông Hoàng Hà – hình tượng xưa của Trung Quốc – hiện nay đã không còn chảy ra biển nữa.

Bà Aviva Imhof, Giám đốc chiến dịch Mạng lưới sông ngòi quốc tế cho biết: “Nhìn vào sự phát triển trong khu vực, có thể thấy rằng tình trạng ngày càng tồi tệ hơn chứ không hề trở nên tốt hơn”.

Theo bà, Trung Quốc có thể là một trong những trường hợp nghiêm trọng nhất về ô nhiễm sông ngòi và thay đổi trên diện rộng của các hệ sinh thái sông ngòi do xây dựng đê điều và nắn chỉnh dòng sông gây nên. Khi các kế hoạch ngăn nước và xây dựng cơ sở hạ tầng được đưa vào thi công, cái giá phải trả cho các mạch nước ngầm khô kiệt đã lộ diện và quá đắt đỏ. Rất nhiều luận điệu đã được đưa ra ở Trung Quốc và quy kết tại dòng sông.

Trung Quốc

Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, các con sông chính của Trung Quốc bao gồm sông Dương Tử, Hoàng Hà và Yarlung Tsangpo (sông Brahmaputra), sông Langcang (sông Mê Kông), riêng sông Salween và sông Irrawaddy chảy qua Myanmar.

Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà bị ô nhiễm nặng khi chảy qua Trung Quốc. Bên cạnh đó, người dân sống tại hạ lưu các sông khác than phiền rằng, các đập thuỷ điện ngăn dòng chảy của các con sông và sau đó chúng mới được tiếp tục chảy ra khỏi nước này.

Ấn Độ và Bangladesh rất lo ngại với kế hoạch của Trung Quốc – xây dựng đập ngăn dòng Yarlung Tsangpo và sử dụng điện để bơm nước sông rất xa, xuyên qua Tây Tạng tới thượng nguồn sông Hoàng Hà. Kế hoạch tiêu tốn hàng tỉ đô la này là một phần trong kế hoạch đang được thực hiện của Trung Quốc nhằm đưa nước từ phía nam tới miền bắc khô hạn, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh.

Những cảnh báo về tổn hại ở các dòng sông của Trung Quốc đã trở nên nhàm tai. Đất nước này đang nằm trong tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng với khoảng 300 triệu người không được sử dụng nước uống an toàn.

Hơn 70% số sông hồ bị ô nhiễm, trong khi đó nguồn nước ngầm cung cấp cho 90% các thành phố của Trung Quốc cũng đã nhiễm bẩn.

Liên Hợp Quốc đã tuyên bố, các cửa sông Dương Tử và sông Hoàng Hà là các “vùng chết” do lượng chất ô nhiễm quá lớn, gây phú dưỡng và làm giảm nghiêm trọng lượng ôxy có trong nước.

Ô nhiễm ngày càng tồi tệ tại sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc – đang đẩy nguồn cung cấp nước uống cho hàng triệu người tại hàng chục thành phố lớn vào tình trạng nguy hiểm.

Thái Lan và Myanmar

Sau khi ra khỏi Trung Quốc, sông Mê Kông – một trong những con sông điển hình nhất của châu Á – chảy qua Lào và Campuchia trước khi qua vùng châu thổ sông Mê Kông tới biển Đông.

Sông Mê Kông dài 4000 km là một trong những con sông có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới và là nơi sinh sống của hàng chục triệu người dân ven sông. Nó cung cấp nguồn thực phẩm, nguồn nước tưới tiêu và là tuyến thương mại quan trọng của cả khu vực này.

Tuy nhiên, quyết định của Bắc Kinh biến tỉnh miền nam Vân Nam thành trạm thuỷ điện (hiện đã có 2 đập được xây trên sông Mê Kông) đã gây ra nguy cơ huỷ hoại môi trường và xã hội.

Sumatr Phulaiyao, điều phối viên của Mạng lưới sông ngòi Đông Nam Á cho biết: “Mực nước không ổn định đã gây ảnh hưởng tới hàng trăm ngư dân sống dọc theo sông Mê Kông do lượng cá bị giảm”.

Việc cho nổ tung các khối đá và thác ghềnh trên các khúc sông thượng nguồn của sông Mê Kông để mở đường đi cho các tàu bè lớn cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Theo bà Imhof, sông Mê Kông là một trong những con sông lớn cuối cùng trong khu vực còn trong tình trạng tốt về mặt sinh thái và người dân có thể sống nhờ vào các nguồn tài nguyên của con sông. Tuy nhiên, trong 10 năm tới, sông Mê Kông có thể tồn tại được hay không là do tất cả sự phát triển đã được lên kế hoạch từ trước.

Đối với nhiều quốc gia nghèo đói thì việc kí kết thương lượng với các nước láng giềng khan hiếm năng lượng nhưng giàu có hơn sẽ là cách có thể trông cậy được để thúc đẩy nền kinh tế của họ.

Năm ngoái, theo luật quân sự từ 1962, Myanmar đã phải ký thoả thuận với các công ty của Trung Quốc và Thái Lan để ngăn nước sông Salween – đường thuỷ dài nhất không có đập chặn của Đông Nam Á và là nơi cư trú của 80 loài cá và động vật quý hiếm hoặc có nguy cơ bị đe dọa.

Ấn Độ

Sông Hằng, con sông nổi tiếng nhất Ấn Độ với chiều dài 2.510 km (tương đương 1.556 dặm) bắt nguồn từ dãy Himalaya cũng bị ô nhiễm bởi rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt tới mức những người mộ đạo trước kia tôn thờ nguồn nước sông này giờ đây lại trở nên khiếp sợ chính nguồn nước đó. Ban Kiểm Soát Ô nhiễm Ấn Độ đã đo được số lượng coliform – một nhân tố chỉ thị khi nước bị nhiễm phân – tại một bờ sông, nơi tổ chức hội thi bơi truyền thống, cao gấp 16 lần mức cho phép có thể bơi được.

Hari Chaitanya Brahmachari, một linh mục theo đạo Hindu điều hành tu viện tại Varanasi – một thành phố bên bờ sông Hằng – cho biết: “những người hành hương đến đây để rửa tội nhưng sau khi tắm ở đây xong họ có thể mắc các bệnh ngoài da”.

Trong khi đó tại thủ đô New Delhi, mỗi ngày có khoảng 3.296 triệu lít nước thải hầu như chưa qua xử lí được bơm vào một con sông linh thiêng khác – sông Yamuna.

Nhà sinh thái học nổi tiếng người Ấn Độ, Vandana Shiva cho rằng: “sông Yamuna đã chết trong thập kỉ trước. Trước kia không có mức độ chôn rác thải công nghiệp hoặc rác thải đô thị như thế này. Nhưng thành phố đã bùng nổ trong thập kỉ qua”.

Ngân hàng Thế giới đã dự đoán trước tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng tài nguyên nước vào năm 2050 ở Ấn Độ. Cùng với sự quản lí kém và sự khan hiếm nguồn nước ngày càng tăng, Ấn Độ đang phải theo dõi kế hoạch của các nước láng giềng đối với các con sông mà quốc gia này phụ thuộc vào.

Shiva cho biết, sự gia tăng của thay đổi khí hậu, dân số đông và các ngành công nghiệp nặng có nhu cầu lớn về nước ở Ấn Độ và Trung Quốc sẽ khiến cho tình hình căng thẳng trên các con sông chung giữa hai nước này ngày càng tăng lên.

Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới đê điều đầy tham vọng, nằm trong dự án liên kết sông ngòi để chuyển nước từ sông Hằng vào sông Brahmaputra. Điều này khiến cho Bănglađét lo ngại rằng các con sông của họ sẽ bị khô kiệt.

Thêm vào đó, Shiva cho rằng, trong mùa hạn hán cao điểm, nước sông bắt nguồn từ các sông băng và những con sông này đang bị tan chảy do sự biến đổi khí hậu gây ra. Một số nhà khoa học cho rằng, sau 20 năm nữa các con sông hùng vĩ tồn tại vĩnh cửu này sẽ thay đổi theo mùa.

Bangladesh

Tại Bangladesh, nơi hàng năm có ít nhất 1/5 diện tích bị lụt lội, những ảnh hưởng của 230 con sông chảy ngang dọc qua đất nước rất thấp này là đặc biệt nghiêm trọng.

Mặc dù lượng nước dư thừa trong thời gian gió mùa nhưng nơi đây vẫn khan hiếm nước nghiêm trọng vào các thời điểm khác trong năm, gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm cả sự di cư không mong muốn tới thủ đô đông dân Dhaka.

Bangladesh cáo buộc sự khan hiếm nước là do Ấn Độ – đất nước láng giềng “đói” năng lượng của họ. Bangladesh cho rằng quốc gia này đã dùng đê và đập nước để đưa nước từ các dòng sông chung ngược lên thượng nguồn cho các dự án tưới tiêu, tuy nhiên, phía Ấn Độ đã đưa ra những lời bác bỏ chính thức về vấn đề này.

Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu nước gây ra sự xâm lấn của nước biển, làm tăng độ mặn, giết chết các loài cá và chất lượng đất xấu không phù hợp cho canh tác. Đây là các tác động chính đối với một đất nước có nhiều người sinh sống nhờ đánh bắt cá hoặc làm ruộng.

Quamrul Islam, Cựu Chủ Tịch của Tổ chức Hợp tác nước toàn cầu Nam Á cho biết: “Lượng nước sạch đang giảm từng ngày do sử dụng nước sai mục đích tại vùng cao và có ảnh hưởng nghiêm trọng đối với nông nghiệp do quá trình sa mạc hoá”. Bốn triệu người đang sống trong vùng tây nam của Bangladesh, nơi có 22 con sông đã “chết” trong mùa khô. Ngành thuỷ sản của vùng đó hiện đang bị đe doạ.

Malaysia

Tại Malaysia, chính quyền thừa nhận rằng 2/3 sông ngòi đã bị ô nhiễm do nước cống và sẽ không thể làm sạch được trong vòng ít nhất 30 năm. Tình trạng tồi tệ này làm phát sinh những nghiên cứu thực tế về mức độ khó khăn khi phải thay đổi các dòng sông.

Vào những thập niên 1980, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố rằng con sông Sungai Juri tại bang phía bắc Penang là con sông ô nhiễm nhất Đông Nam Á, không có sinh vật nào có thể sống sót ở đó. Trong 2 thập kỉ qua, nó vẫn nằm trong tình trạng tồi tệ.

Ông Salleh bin Hussin, 74 tuổi, người có thể kể tên nhiều loài vật khác nhau đã từng tồn tại ở Juru cho biết: “Năm 1968 là lần đầu tiên cá bị chết hàng loạt”. Theo ông, có một làng gần bờ sông nơi mà trẻ em sẽ bị ghẻ nếu chúng không vâng lời dặn tránh xa dòng nước hôi hám. “Đến đầu những năm 1980, không một ai trong chúng tôi còn là ngư dân”.

Thủ phạm là một khu công nghiệp mà các quan chức địa phương cho hay sẽ tiếp tục xả nước thải vào Juru và lẩn tránh các thanh tra chính phủ – những người không đủ khả năng theo dõi trong suốt 24 giờ. Đây cũng là câu chuyện chung ở các nước châu Á.

Salleh nói rằng trong suốt một năm đói kém, cả làng không ai có cả cá lẫn tiền, ông đã gửi đi nhiều kiến nghị mà không có bất cứ phản hồi nào, sau đó ông đã yêu cầu được gặp thống đốc bang. “Tôi đã được trả lời rằng ô nhiễm có ở khắp mọi nơi trên thế giới và đó là lí do tại sao tôi thấy bực tức”, ông nói. “Tôi đã nổi nóng và đập cả lên bàn”.

Tương lai sẽ ra sao?

Imhof nói rằng, mặc dù đang trong tình trạng nghiêm trọng nhưng các con sông bị ô nhiễm ở châu Á vẫn có thể cứu vãn được, ví dụ như sông Pasig ở Manila, cách đây một thập kỉ “đã chết, đen kịt, hôi thối và bị chết về mặt sinh thái” và giờ đây đang hồi phục khá nhiều. “Sẽ không mất nhiều thời gian như bạn tưởng để khôi phục lại một dòng sông. Có rất nhiều dự án phá bỏ đê đập ở Hoa Kì và các con sông đang dần trở lại bình thường trong một khoảng thời gian rất ngắn, đôi khi chỉ cần khoảng 5-10 năm”, bà nói.

Bà Imhof cũng cho biết thêm, các con sông đang hồi phục nhanh chóng một cách đáng kinh ngạc. “Ở Trung Quốc, một trong những nơi có tình trạng sông ngòi tồi tệ nhất trong khu vực, chính quyền đang bàn cách đầu tư khôi phục lại các con sông ở một số vùng hoặc ít nhất cũng có những lời có cánh được thốt ra ở đâu đó. Nhưng tôi nghĩ sẽ mất một thời gian khá dài, bởi vì khả năng thi hành luật pháp là rất yếu và vẫn còn rất nhiều dòng nước thải công nghiệp chảy vào các con sông cũng như nhiều dự án đê điều vĩ đại trên các con sông ở khắp đất nước này”.