Trong ký ức của những người đến Băng Cốc cách đây hơn 10 năm, thủ đô của Thái Lan là một trong những biểu tượng của sự ô nhiễm môi trường. Khói đen từ các nhà máy và xe cộ xả vào bầu không khí ẩm ướt hình thành cơn ác mộng trong du khách tới đây vào thời điểm đó.
Thế nhưng, mọi thứ đã khác. Bầu trời Băng Cốc đang trong xanh trở lại. Thành phố này được xem như một kiểu mẫu thành công trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường.
Đó là kết quả mà Thái Lan đạt được kể từ năm 1991, khi nước này bắt đầu cuộc chiến cho một bầu không khí trong lành hơn. Khi đó, Thái Lan bắt đầu đưa ra kế hoạch di dời những nhà máy công nghiệp độc hại và dùng nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm ra khỏi Băng Cốc; đồng thời loại bỏ dần chì, xun-phua và các chất độc hại khác ra khỏi xăng dầu sử dụng cho xe cộ hằng ngày.
Nguyên Tổng Thư ký Văn phòng Chính sách Năng lượng quốc gia Thái Lan Pi-y-a-sva-ti Am-ra-nan – người phụ trách kế hoạch trên, cho biết lúc đó ông đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các công ty dầu phương Tây và các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản. Tuy vậy nhờ những biện pháp kiên quyết, đến năm 1995, Thái Lan đã hoàn toàn loại bỏ xăng có chì.
Chính quyền ở địa phương cũng áp dụng các biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả cao, như thường xuyên phun rửa thành phố để giảm bụi nội đô, chuyển đổi các lò hỏa táng bằng củi sang lò đốt bằng điện. Cựu thị trưởng Băng Cốc Bi-chít Rát-ta-cun nhậm chức từ năm 1996 đã mở chiến dịch trồng thêm 400.000 cây xanh ở thủ đô và đưa ra những quy định chặt chẽ để kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm. Ông cũng từng có quyết định táo bạo khi biến một sân golf 18 lỗ ở ngoại vi thành phố thành một công viên khổng lồ, mặc dù lúc đó bị hàng trăm người chơi golf phản đối.
Những năm gần đây, Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ theo tiêu chuẩn châu Âu đối với các công ty sản xuất ô tô hoạt động tại Thái Lan. Trong đó có việc khuyến khích sản xuất động cơ sử dụng nhiên liệu sinh học trong ngành công nghiệp xe hơi. Từ cuối năm 2005, công ty sản xuất ô tô Ford Motor đã đưa ra sản phẩm xe ô tô Sedan Focus sử dụng nhiên liệu E20 – nhiên liệu hỗn hợp gồm 20% ethanol và 80% xăng – đầu tiên tại thị trường Thái Lan.
Hiện nay, 70% sản xuất điện của Thái Lan là từ nguồn khí đốt tự nhiên, ít gây ô nhiễm hơn nhiều so với dùng than. Trong đó, các nhà máy điện quanh Băng Cốc đều sử dụng khí đốt tự nhiên khai thác từ Vịnh Thái Lan và mua từ nước láng giềng Mi-an-ma.
Từ những nỗ lực nói trên, đến nay Băng Cốc được coi là nơi có bầu không khí trong sạch hơn nhiều thành phố lớn khác ở châu Á như Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Gia-các-ta (In-đô-nê-xi-a), Niu Đê-li (Ấn Độ).
Với những thành công trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thái Lan là một kiểu mẫu trong cuộc chiến chống lại tình trạng ô nhiễm không khí cho nhiều nước. Điều đáng chú ý, theo các chuyên gia về môi trường, những gì Băng Cốc đã làm cho thấy, không nhất thiết phải thực thi các biện pháp quá cứng rắn như Xin-ga-po, hay quá tốn kém như Tô-ki-ô, vẫn có thể cải thiện được môi trường một cách đáng kể.