ThienNhien.Net – Một nghiên cứu mới đây cho rằng việc thay đổi từ sử dụng xăng sang dùng ethanol – vốn được coi là nhiên liệu xanh để thay thế các nhiên liệu có nguồn gốc hoá thạch – có thể làm cho không khí bị ô nhiễm hơn và là nguyên nhân gây ra một tỉ lệ nhỏ các ca tử vong do hít phải khói.
Nghiên cứu do Giáo sư Mark Jacobson, Giáo sư Kỹ thuật môi trường và dân sự trường Đại học Stanford (Mỹ) công bố. Kết quả nghiên cứu cho biết đến năm 2020, nếu tất cả các phương tiện giao thông trên nước Mỹ đều sử dụng nhiên liệu chứa ethanol thì hàng năm sẽ có thêm khoảng 200 người chết do các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mặc dù, tác giả nghiên cứu cũng khẳng định, việc thay đổi sang nhiên liệu có nguồn gốc thực vật này sẽ không thể xảy ra ngay lập tức.
Theo Jacobson thì hàng năm có khoảng 4.700 người chết do các bệnh về đường hô hấp mà nguyên nhân là do hít phải khí ôzôn, một thành phần không thể nhìn thấy bằng mắt thường có trong sương mù. Chất Ethanol sẽ làm tăng nồng độ ôzôn, đặc biệt là ở một số vùng của Mỹ như vùng Đông Bắc và Los Angeles.
Jacobson cho rằng: “Nếu nói về ô nhiễm không khí thì đây không phải là một phương pháp sạch. Nếu bạn muốn sử dụng ethanol, được thôi, nhưng đừng làm điều đó để bảo vệ sức khỏe. Nó không tốt hơn xăng, thậm chí còn độc hại hơn chút ít”.
Nghiên cứu của ông dựa trên những phân tích bằng máy tính và đã được đăng lên trang web của nhật báo Khoa học và Công nghệ Môi trường. Nghiên cứu này cũng góp phần vào những cuộc tranh cãi về việc sử dụng ethanol.
Những người nông dân, các chính trị gia, những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hay các nhà môi trường đã tranh cãi rất nhiều về việc có thể sản xuất được khoảng bao nhiêu lượng ethanol, sử dụng bao nhiêu đất để trồng cây sản xuất ethanol và tốn mất khoảng bao nhiêu chi phí để sản xuất ethanol. Họ cũng bất đồng khi bàn luận về lợi ích của ethanol đối với việc cắt giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch và ngăn chặn ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Tháng 1/2007, tổng thống Mỹ Bush đã tuyên bố rằng trong 10 năm tới nước Mỹ phải giảm 20% lượng tiêu thụ khí đốt bằng cách sử dụng nhiên liệu thay thế, chủ yếu là ethanol. Các nhà khoa học thuộc Cục bảo vệ môi trường Mỹ đã đưa ra dự tính rằng việc này sẽ làm tăng khoảng 1% lượng khói.
Nghiên cứu của Jacobson đã gây khó chịu cho một số nhà môi trường, kể cả những đồng nghiệp của ông. Roland Hwang, thành viên Ban bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của Hoa Kỳ, từng công tác tại Phòng kiểm soát ô nhiễm bang California cho rằng ethanol – với khả năng làm giảm thành phần gây ô nhiễm quan trọng là khói và tạo ít khí nhà kính hơn – là một loại nhiên liệu quan trọng góp phần giảm tất cả các loại ô nhiễm không khí. Ông này cũng cho rằng kết luận của Jacobson chỉ là một sự khiêu khích, không có căn cứ khả thi và chẳng thể chứng minh rằng nên loại bỏ việc sử dụng ethanol.
Matt Hartwig, người phát ngôn của Hiệp hội nhiên liệu tái tạo – nhóm vận động cho việc sử dụng ethanol lớn nhất Washington – nói rằng những số liệu từ thực tế và các nghiên cứu khác cho thấy ethanol là nhiên liệu sạch hơn xăng dầu. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Jacobson, mức độ ô nhiễm tuỳ thuộc vào từng vùng, và tác động tiêu cực của ethanol trong vấn đề ôzôn nghiêm trọng hơn tại hầu hết các đô thị.
Dựa trên những tính toán bằng máy tính về ô nhiễm và các dòng khí, Jacobson dự đoán rằng tình hình gia tăng khí ôzôn và các bệnh do nó gây ra sẽ càng trầm trọng tại những nơi mà khói thải đã ở mức đáng báo động như Los Angeles hay Đông Bắc Mỹ
Theo ông Jacobson, phần lớn trong số 200 ca tử vong tăng thêm sẽ xảy ra ở Los Angeles, duy chỉ có vùng Tây Bắc là có lượng ôzôn giảm do một lượng lớn hóa chất đã bị hoà tan vào không khí và vì ở đây có thảm thực vật khá dày.
Nguyên nhân khiến ethanol có thể làm tăng lượng khói khá phức tạp. Tuy nhiên, Jacobson cho rằng một phần là do ethanol sản sinh ra lượng hydrocacbon nhiều hơn so với xăng và dưới tác động của mặt trời, hydrocacbon kết hợp với NOx tạo ra khí ôzôn. Đồng thời, ethanol tạo ra các hoá chất khó phân hủy hơn, thậm chí chúng có thể biến trở lại thành hydrocarbon và lan tỏa rộng hơn. Do đó, “bạn đang thực sự mở rộng vùng ô nhiễm ra diện rộng hơn”. Và cuối cùng, ethanol tạo ra ít khí NOx hơn nên điều này có thể gây tác động tiêu cực đối với một số vùng vốn đã ô nhiễm khói.
Hwang tán thành rằng đây là hiệu ứng đã được đề cập khá nhiều. Mặc dù Jacobson là một trong những nhà hoá học khí tượng hàng đầu quốc gia, nhưng ông chưa hài lòng với một số giả thuyết mà Jacobson đưa ra, chẳng hạn như việc chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng ethanol tới năm 2020. Đồng thời, ông cũng cho rằng sự khác biệt có trong phát hiện của Jacobson rất nhỏ và có thể chỉ là sự chênh lệch do sai số trong tính toán. Hơn nữa, ông cho rằng Jacobson đã bỏ qua thực tế là ethanol, đặc biệt được chế xuất từ cenlulô, chẳng hạn như cỏ ngọt, giúp giảm khí nhà kính – nguyên nhân của gia tăng nhiệt độ toàn cầu hiện nay. Hiện tượng này sẽ làm tăng lượng sương, khói và tỉ lệ tử vong có liên quan như một nghiên cứu quốc tế đã công bố trong tháng 042007.