ThienNhien.Net – Hiệp hội Bảo vệ động vật Luân Đôn mới đây đã đưa ra danh sách các loài thú có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn thế giới, trong đó có hàng loạt các gương mặt quen thuộc như loài đười ươi, cá voi xanh và loài lạc đà hai bướu.
Danh sách này được đưa ra vào tháng trước trên website http://www.edgeofexistence.org bởi một nhóm các nhà khoa học hàng đầu trên toàn thế giới do Hiệp hội Bảo vệ động vật Luân Đôn thành lập. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xếp loại các loài tiến hóa khác biệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng trên toàn cầu (EDGE).
Hầu hết danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng từ trước tới nay chỉ được xem xét dựa trên các yếu tố như số lượng còn lại ngoài tự nhiên, mức độ bị đe doạ đến môi trường sống và khả năng bị tuyệt chủng. Các mức độ đe dọa gia tăng đối với các quần thể còn lại trong tự nhiên bao gồm: “bị đe doạ”, “có nguy cơ bị tuyệt chủng” và “cực kỳ nguy cấp”.
Danh sách EDGE mới công bố đã xét thêm 2 yếu tố tạo nên tính riêng biệt.
Thứ nhất, bản phân loại đã ưu tiên các loài có quá trình tiến hoá đặc biệt, hoặc các loài có đặc điểm sinh học khác biệt nhất so với các loài khác hiện nay. Mặc dù việc mất đi bất cứ loài nào cũng đều là là một bi kịch nhưng các nhà khoa học của dự án EDGE lập luận rằng một số loài đặc biệt hơn các loài khác.
Ví dụ như chỉ có duy nhất 1 loài gấu trúc lớn và 2 loài voi đang sinh sống. Nếu một trong những loài này chết đi thì sẽ không có bất cứ loài động vật nào có thể thay thế chúng về mặt sinh thái hoặc phục vụ cho việc nghiên cứu nguồn gốc tiến hoá của chúng.
Mặt khác, có khoảng 38 loài chuột trong tự nhiên, rất nhiều trong số chúng có những đặc điểm gần giống nhau về cấu trúc gen và nơi ở. Nếu một trong số chúng chết đi, một loài khác có mối liên hệ tương đồng có thể thay thế chúng.
Thứ hai, trong quá trình xếp loại, EDGE đã tính đến mức độ quan tâm của giới bảo tồn đối với các loài. Các nhà nghiên cứu mong muốn các nhà bảo tồn thiên nhiên sẽ chú tâm hơn nữa đến các loài động vật ít được nhắc tới.
Rất nhiều các loài động vật trong danh sách đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái với lịch sử tiến hoá mang tính đặc thù, nhưng không có những đặc điểm “dễ thương” hay “đáng sợ” so với những loài dễ được nhận ra khác.
Ví dụ như loài nhím mỏ dài được xếp thứ 2 trong danh sách – loài vật này được tìm thấy duy nhất tại New Zealand, có mối quan hệ gần gũi với loài rái cá và là động vật có vú đẻ trứng nguyên thuỷ còn tồn tại đến ngày nay.
Một ví dụ khác đó là gấu túi lông mũi phía Bắc, là loại thú có túi (giống họ hàng nổi tiếng của chúng – chuột túi) đào hang làm nơi trú ẩn suốt cả ngày. Loài này chỉ còn được tìm thấy duy nhất ở một vùng thuộc địa nhỏ với số lượng 115 con.
Thêm nữa, có rất nhiều loài động vật nổi tiếng trong danh sách thu hút được nhiều sự quan tâm, như các loài voi châu Á và châu Phi, 4 loài tê giác và 7 loài khỉ và vượn khác nhau, bao gồm cả loài đười ươi.
3 trong số 4 loài cá heo nước ngọt đang nằm trong nguy cơ trầm trọng đáng báo động, trong đó loài cá heo sông Trung Quốc đứng vị trí số một trong danh sách. Năm ngoái, một cuộc điều tra trên phạm vi rộng tại sông Dương Tử đã thất bại trong việc tìm kiếm các mẫu vật còn lại của loài này. Kết quả là loài cá heo sông Dương Tử sẽ đi đến tuyệt chủng, bởi với số cá thể còn lại hiện nay, gần như không thể duy trì bền vững quần thể loài này trong tự nhiên.
Một điều đáng buồn khác là nguy cơ tuyệt chủng của loài cá voi xanh – loài động vật lớn nhất hành tinh. Mặc dù số lượng cá voi xanh đã có lúc lên tới trên 200.000 con, song theo đánh giá gần đây, số lượng còn lại chỉ khoảng 5.000 con.
Mỗi loài có mặt trong danh sách 100 loài được đưa ra là đặc trưng cho một nòi giống duy nhất và chúng sẽ vĩnh viễn biến mất nếu không có bất kì hành động bảo vệ nào được thực hiện ngay từ lúc này.