Trên thị trường hiện nay, có tới 70% mẫu rau quả còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật; 82% mẫu giò chả chứa hàn the. Tuy nhiên, chỉ 0,3% số cơ sở sản xuất kinh doanh có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)… Nghịch lý trên không chỉ gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý ATVSTP.
Vệ sinh thực phẩm: chuyện chưa bao giờ cũ
Phải qua nhiều ngõ nhỏ lắt léo chúng tôi mới đến được Cơ sở sản xuất bánh phở 52, ngách 51, tổ 64, phường Văn Chương (Đống Đa – Hà Nội). Dường như được báo trước nên trong nhà chẳng còn ai ngoài bà lão tự xưng là hàng xóm. Trên sàn bếp bẩn, la liệt những mẹt bánh phở trắng nõn đang sẵn sàng đưa đến các nhà hàng. Khi Thanh tra Sở Y tế Hà Nội lập biên bản vì trong mẫu phở kiểm tra có formol, bà già liền phản ứng: “Tôi biết gì mà ký. Bánh phở người ta bán mãi, có chết ai đâu mà lắm chuyện” (?!)…
Đầu tháng 12/2006, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (KHKTNNMN) nhận được 25 mẫu thịt heo (lợn) gửi đến từ Sở NN &PTNT TP.Hồ Chí Minh nhờ phân tích. Hai trong số đó có kết quả dương tính với hoóc -môn tăng trưởng (họ Beta -Agonist). Những câu hỏi về chất lượng thức ăn chăn nuôi được đặt ra. Viện KHKTNNMN tiếp tục kiểm tra 428 mẫu thức ăn chăn nuôi lấy ngẫu nhiên ở 12 tỉnh – thành, kết quả có tới 47 mẫu dương tính với hoóc -môn tăng trưởng (chiếm 11%). Hầu hết các mẫu phân tích đều cho thấy tồn dư Clenbuterol và Salbutamol rất cao (2 chất thuộc họ Beta -Agonist, đã bị cấm sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi). Anh Nguyễn Khắc Quốc Quân, cán bộ một đơn vị sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Lâm Đồng cho biết: “Tình trạng này xảy ra khá phổ biến, một phần do người chăn nuôi chạy theo lợi nhuận, nhưng cũng không ít người bị thương lái “ép” phải sử dụng”. Cũng theo anh Quân, mua “thần dược” trên không khó, với giá 700.000 đồng /100g, mỗi con heo chỉ cần 50.000 đồng là lớn nhanh, mông và vai nở, tỷ lệ nạc cao, được thương lái mua với giá cao hơn heo sạch từ 1.000-1.500 đồng /kg…
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ mang đến Hội nghị toàn quốc về ATVSTP tổ chức hồi đầu tháng 1/2007 câu chuyện về quả cam đã 40 ngày rồi mà vẫn chưa “chịu”… héo. “Tôi cũng đã từng mua 1kg thịt tại một chợ ở Hà Nội, chỉ sau 2 giờ đồng hồ, cân lại chỉ còn… 0, 8kg. Đó là thực tế về ATVSTP hiện nay. Giò chả muốn thơm lâu, người ta cho hàn the; muốn bánh phở dai người ta cho formol. Cá muốn tươi lâu, ướp phân urê; lợn muốn lớn nhanh, trộn thức ăn với hoóc -môn tăng trưởng…” – ông Ruệ nhấn mạnh – “ATVSTP không còn ở mức báo động nữa, mà là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng”.
Biết sai nhưng vẫn làm
Chỉ qua những câu chuyện nhỏ trên đây cũng đủ thấy bức tranh toàn cảnh về thực trạng ATVSTP hiện nay. Nguyên nhân thì nhiều, nhưng có thể tổng quát ở 2 điểm chính là: do ý thức người sản xuất, người tiêu dùng kém và công tác quản lý ATVSTP chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ.
Trở lại việc sử dụng hoóc -môn tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, theo ông Hồ Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Triển khai công nghệ Công ty Cargill Việt Nam: “Việc sử dụng hoóc -môn tăng trưởng của một số nhà sản xuất không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng mà còn gây ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi”. Thủ đoạn của những đơn vị này là tăng hàm lượng hoóc -môn tăng trưởng trong sản phẩm mới để tung ra thị trường, đánh lừa người chăn nuôi khi mua sản phẩm. Khi chiếm lĩnh được thị phần trên thị trường thì các đơn vị này lại không đưa hoóc -môn tăng trưởng vào thức ăn nữa, tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Mặc dù biết rõ phở có chứa formol nhưng nhiều chủ quán vẫn dùng bởi: “Chúng tôi lấy phở không có formol thì bị khách hàng chê không ngon. Biết thế là sai nhưng để đắt hàng chúng tôi chẳng có lựa chọn nào khác. Hiện nay, hàng trôi nổi trên thị trường nhiều, biết phở nào có chứa formol mà tránh”.
Theo thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cả nước hiện có gần 1 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và trên 500.000 cơ sở thực phẩm nhỏ, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ ăn uống. Với một lượng lớn như vậy mà chúng ta chỉ có 2 cơ quan chuyên ngành ATTP là Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm và Cục Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thuỷ sản (Bộ Thuỷ sản) thì quá nhỏ nhoi. Tính trung bình 1 tỉnh chỉ có 0, 5 cán bộ kiêm nhiệm công tác quản lý ATVSTP. Bên cạnh đoó, nhận thức và thực hành của các nhóm đối tượng về ATTP còn rất yếu. Cụ thể, chỉ có 48% những người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm có kiến thức về ATVSTP, tỷ lệ này trong những người kinh doanh là 38%; chỉ có 38% bản thân người tiêu dùng hiểu về ATVSTP.
Siết chặt hơn công tác quản lý
Mặc dù tên các doanh nghiệp sử dụng hoóc -môn tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi đã được công bố, nhưng hình thức xử lý cụ thể thế nào thì chưa. Phải chăng đó cũng chính là hạn chế trong các giải pháp ATVSTP. ông Phạm Đức Bình, một nhà sản xuất heo giống và thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai kiến nghị, phải xử phạt thật nặng, thậm chí buộc đóng cửa đối với các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, để tránh trường hợp trong thức ăn chăn nuôi không có hoóc -môn tăng trưởng nhưng người nuôi mua về trộn vào, cơ quan chức năng cần kiểm soát cả những cơ sở chăn nuôi. Đối với những trang trại chăn nuôi lớn, nếu kiểm tra và phát hiện có sử dụng hoóc -môn, có thể áp dụng hình thức tạm ngưng bán heo để chấn chỉnh. Đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, biện pháp tốt nhất là tuyên truyền cho người nuôi ý thức được những tác hại lâu dài đến sức khoẻ của con người khi cho heo sử dụng hoóc -môn tăng trưởng.
Những trường hợp sử dụng bánh phở chứa formol cũng mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản và xử phạt hành chính. Ai dám chắc rằng sau khi nộp phạt chủ quán sẽ không sử dụng bánh phở có formol. Nếu như không có những biện pháp thẳng tay và nghiêm khắc như tạm dừng việc bán hàng hoặc buộc đóng cửa thì tình trạng đó sẽ tiếp tục tái diễn sau khi đoàn thanh tra đi khỏi. Nói như vậy để thấy công tác quản lý ATVSTP còn lỏng lẻo. ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP cho biết: “Không ít địa phương thành lập Ban chỉ đạo quản lý chất lượng ATVSTP cho có hình thức, còn hoạt động quanh năm “phó mặc” cho ngành y tế”. Trong hội nghị toàn quốc về ATVSTP có tới 21 tỉnh, thành và hai bộ không có lãnh đạo về dự, điều đó đủ nói lên thái độ thờ ơ, chủ quan của nhiều địa phương đối với vấn đề này.
Đã đến lúc vấn đề chất lượng ATVSTP không còn dừng lại ở mức báo động nữa mà phải có hành động cụ thể. Chúng ta cần đặt ra giải pháp quản lý thực phẩm từ nguồn gốc, xuất xứ, từ đó mới có thể phát hiện, xử lý những vấn đề nảy sinh ngay tại chuồng trại khi cần thiết. Tăng cường cán bộ thú y, bảo vệ thực vật về cơ sở chăn nuôi, trồng trọt để kiểm soát ATVSTP tại chỗ. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp giữa các địa phương trong khâu lưu thông, phân phối thực phẩm, vừa đảm bảo kiểm soát qua nhiều “cửa”, vừa giúp các địa phương có trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý ATVSTP. Và nên chăng từ khoản tiền xử phạt các trường hợp vi phạm, sẽ trích ra một phần để tăng phụ cấp cho cán bộ kiểm tra ATVSTP, đồng thời xây dựng quy định nghiêm ngặt về tư cách hoạt động, giảm thiểu việc nhận hối lộ.
Câu chuyện về sản phẩm thuỷ sản của Việt Nam có nguy cơ bị cấm nhập khẩu vào Nhật Bản chưa hề cũ. Việc đảm bảo ATVSTP không chỉ để bảo vệ sức khoẻ con người, phát triển nòi giống mà trong xu thế hiện nay đó còn là danh dự, uy tín quốc gia đối với thế giới.