Anh Trịnh Công Phát, chủ vườn táo Phú Quốc, bức xúc: “Nước sông Dương Đông bốc mùi, đen kịt”. Con sông thơ mộng chảy qua khu thị trấn yên bình này, giờ đã bị con người vô tâm phá nát vẻ đẹp của dòng nước trong xanh. Bao nilon, rác thải từ sinh hoạt, từ khu chợ… hàng ngày, hàng giờ được trút xuống dòng sông.
Chỉ khi có những cơn mưa lớn, lực nước xoáy mạnh mới đẩy được phần nào mớ rác lềnh bềnh ấy ra biển. Ngay địa danh du lịch nổi tiếng là suối Đá Bàn – dòng suối quanh năm nước chảy róc rách lượn khúc quanh co với thác ghềnh quyến rũ, giờ vỏ cua ghẹ, lon bia… luôn đầy ắp trên các hốc đá. Chỉ cần dấn bước sâu thêm vào hai bên bờ suối, du khách dễ dàng “sốc” khi mùi chất thải con người xộc ngay vào mũi. Vào mùa gió nam, sóng biển xô rác từ đất liền, các hòn khác… dập đầy vào những bãi biển phía Tây của đảo ngọc như bãi Trường, bãi Ông Lang… Đến mùa gió bấc, dòng rác lại lũ lượt trôi về nằm phơi trên bãi Sao, bãi Thơm… Rồi sông Dương Đông, Dinh Cậu, bãi An Thới… nơi nào cũng đầy rác.
Chính quyền địa phương có ý “đẩy” chuyện dọn rác cho các nhà làm du lịch. Nhưng rác thì đầy, trong khi mức quan tâm của những nhà quản lý du lịch lại tỷ lệ nghịch. Kinh doanh chỉ dừng lại trước mắt chứ chưa tính đến chuyện lâu dài. Cảnh còn đẹp, khách còn đến, là còn kinh doanh.Ai lo? Mặc! Chỉ một vài khu du lịch được chủ nhân quan tâm dọn sạch mỗi ngày.
Ngoài rác thải từ sinh hoạt, nỗi lo lớn của đảo ngọc là chất thải từ các cơ sở xẻ mực, sơ chế thủy sản ở An Thới, Hàm Ninh và các nhà thùng nước mắm ở Dương Đông… Ông Thái Thành Lượm, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, thừa nhận đây là vấn đề nan giải bởi chuyện di dời các cơ sở này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tập quán mua bán của họ. Trước mắt, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động và xây dựng phương án đầu tư hệ thống mương dẫn, hố xử lý nước trước khi thải ra môi trường. Ông Lượm cho rằng, tất cả các giải pháp đề ra để cứu môi trường đảo ngọc hiện mới dừng lại ở hai chữ: tạm thời. Điển hình như chuyện mua tàu vớt rác trên sông Dương Đông, hay trích kinh phí thuê người dọn dẹp rác trên các bãi biển công cộng mỗi ngày…
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc thời kỳ 2006-2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020, nơi này phải trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn có tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Theo đó, Phú Quốc sẽ có khoảng 18.000 phòng lưu trú, trong đó số phòng đạt chuẩn 3-5 sao chiếm 60-70%. Con số này không khó hoàn thành nếu có cơ chế thu hút đầu tư, tận dụng tốt các nguồn vốn. Nhưng để trở thành trung tâm du lịch, thu hút 2-3 triệu lượt khách/năm thì một trong những việc cần làm ngay bây giờ là “xây dựng” được những cư dân có tư duy làm du lịch lâu dài. Điều này đồng nghĩa với việc phải biết trân trọng và bảo vệ môi trường, cảnh quan tuyệt đẹp vốn được thiên nhiên ưu đãi, kèm theo những “hạ tầng” cần thiết như hệ thống thu gom và bãi xử lý rác, nhà vệ sinh công cộng…
Có như vậy, đảo ngọc Phú Quốc mới có thể thực sự trở thành một thiên đường du lịch.