Cuối mùa giao phối của nhạn lưng đen, ở Côn Đảo xuất hiện khá nhiều loài chim khác, những con gầm ghì trắng (Ducula bicolor bicolor) thường đậu trên cành cây mỗi khi chiều về trông rất vui mắt. Việc di chuyển trong rừng tre khá khó khăn, nhưng cũng chính nhờ những rặng tre này mà các loài chim biển có được một môi sinh lý tưởng. Trong suốt một năm, phía trên những rặng tre ở đây không bao giờ vắng bóng những loài chim biển.
Khác với loài nhạn biển, gầm ghì trắng non được nở ra trong tổ ở trên cao, thức ăn của chúng ngược lại với loài nhạn. Chúng chỉ ăn các loại hạt, trái cây nhỏ và chồi cây. Có lẽ vì vậy mà thời gian trưởng thành của chúng không nhanh như ở loài nhạn biển.
Loài gầm ghì trắng ở Việt Nam chỉ có tại Côn Đảo, chúng sống trên các đảo có rừng xanh, đặc biệt là rừng thứ sinh hoặc rừng ngập mặn. Vào mùa sinh sản, chúng thường đẻ từ 1 đến 2 quả trứng. Những con non sau nở thường được chim mẹ ấp, chim bố thời gian này tách riêng ra. Chim mẹ đi kiếm mồi ban ngày, chiều về lại ấp chim con suốt đêm.Loài gầm ghì trắng khi trưởng thành có một bộ lông trắng kem, mỏ và viền mắt màu xanh xám.
Không gian biển sớm thật tuyệt vời. Các loài chim sau một đêm nghỉ ngơi thả mình vào không gian như tận hưởng cái sảng khoái của bình minh đảo nhỏ, ướp mình trong hương vị biển tươi mát của một ngày mới. Và trong cái nhộn nhịp của xã hội trên trời này, dường như có một điều gì đó vừa bí ẩn, vừa thiêng liêng đang diễn ra nơi những vách đá, những ngọn cây. Xen giữa với những cú chao nghiêng hào sảng của loài gầm ghì, phóng khoáng Ld những giây phút êm đềm, thanh thản của Côn
Đảo buổi bình minh.
Bên cạnh những đôi nhạn biển son rỗi là những bà mẹ hớn hở với quả trứng bé xíu vừa ra đời trong hốc đá – kết quả của thiên chức duy trì giống nòi bản năng. Những sinh linh nhỏ bé ẩn mình phía dưới bụng những con chim mẹ ,nơi vách đá, chính là những chặng nối tiếp của một cuộc chạy tiếp sức vĩ đại của tạo hoá. Cuộc chạy vĩ đại ấy đã duy trì cho không gian đại dương một xã hội phồn thịnh với các loài bay.
Ở không gian mênh mông giữa trời và biển, những loài chim như nhạn, gầm ghì trắng, nicoba hay vô số các loài đặc hữu khác đã trở thành một cái gạch nối. Gạch nối đó đã kéo liền không gian trời biển, làm nhỏ đi cự ly khoảng cách. Đặc biệt hơn, nó đã xoá nhòa ranh giới thiên nhiên và con người.
Sự bình đẳng của các loài bay, ở một nơi mà sự sống của chúng không bị đe doạ bởi những xâm hại từ phía con người, đã cho phép từng loài phát triển số lượng và giống nòi của chúng.
(Còn nữa)
Các loài bay ở Côn Đảo (Phần I)
Các loài bay ở Côn Đảo (Phần II)
Các loài bay ở Côn Đảo (Phần IV)
Các loài bay ở Côn Đảo (Phần V)