Hoá chất bảo vệ thực vật và bệnh ung thư (Kỳ II)

ThienNhien.Net – Mặc dù nguy cơ mắc các bệnh ung thư do tiếp xúc với hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) đã được cảnh báo từ lâu, song vẫn còn những người tin rằng mối liên hệ này quá yếu và không cần phải lo lắng về vấn đề này. Trong khi đó, các nghiên cứu khoa học đã tìm thấy những bằng chứng về mối liên quan giữa HCBVTV với bệnh ung thư não, ung thư vú, ung thư gan, dạ dày, bàng quang, thận… Kỳ II của bài viết sẽ tiếp tục giới thiệu mối liên quan giữa việc tiếp xúc HCBVTV và một số bệnh ung thư khác.
Hoá chất bảo vệ thực vật và bệnh ung thư  (Kỳ I)

Ung thư da

Nhiều người nông dân tiếp xúc với HCBVTV chứa thạch tín có nguy cơ mắc ung thư da – đa số là bệnh ung thư biểu mô tại chỗ, ung thư biểu mô tế bào và ung thư biểu mô đa tế bào.

Ung thư tuyến tiền liệt

Các bằng chứng cho thấy có mối liên hệ giữa việc dùng HCBVTV và các hóa chất nông nghiệp khác với nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt trong những người nông dân. Ở Canađa, số liệu thống kê cho thấy có mối liên quan (không chặt chẽ) giữa số lượng các mẫu ruộng được phun thuốc diệt cỏ năm 1970 và nguy cơ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt. Theo một nghiên cứu đối với 20.025 người ở Thuỵ Điển sử dụng HCBVTV, những người này có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao. Một bản nghiên cứu khác ở Thuỵ Điển cũng nêu rõ nguy cơ mắc bệnh này là rất cao đối với nam giới trong các ngành liên quan tới sản xuất nông nghiệp.

Ung thư trực tràng

Ở Italia, tỉ lệ mắc bệnh ung thư trực tràng cao đối với những người sử dụng HCBVTV trong vòng hơn 10 năm. Nghiên cứu ở Aixơlen cho biết ung thư trực tràng cũng liên quan tới sử dụng HCBVTV. Theo một nghiên cứu tại Hy Lạp thì bệnh nhân mắc ung thư trực tràng là do có nhiều chất organochlorines, chẳng hạn DDE và DDT trong huyết thanh hơn khả năng cơ thể kiểm soát được.

Ung thư tuyến tụy

Một số nghiên cứu ở Tây Ba Nha, Italia và Mỹ cho thấy có mối liên quan giữa việc tiếp xúc HCBVTV và ung thư tuyến tụy. Nhiều nghiên cứu về các dịch bệnh khác cũng đã khuyến cáo về mối liên hệ này. Một trong số các báo cáo đó đã phát hiện rằng, nguy cơ gia tăng ở những bệnh liên quan tới các công việc tiếp xúc với thuốc diệt nấm hoặc thuốc diệt cỏ hơn là HCBVTV. Đối với công nhân trong các nhà máy sản xuất hoá chất, tỉ lệ mắc ung thư trực tràng gia tăng đáng kể do tiếp xúc với DDT.

Ung thư phổi

Những người nông dân có xu hướng ít mắc bệnh này hơn các đối tượng dân cư khác vì họ ít hút thuốc lá hơn. Nghiên cứu đối với công nhân trong các công việc khác có tiếp xúc với HCBVTV, chẳng hạn như việc kiểm soát sâu bọ, sản xuất HCBVTV… cho thấy nguy cơ ung thư phổi cao. Đồng thời, trong các nghiên cứu đối với nông dân đã loại bỏ ảnh hưởng của việc hút thuốc lá, tỉ lệ ung thư phổi vẫn gia tăng. Nguyên nhân có thể là do các loại hoá chất được sử dụng trong nông nghiệp.

Một nghiên cứu ở Uruguay cho thấy việc tiếp xúc với chất DDT trở thành một nhân tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Một bản nghiên cứu khác về những công nhân sử dụng thuốc diệt bọ ở bang Florida, Mỹ cũng đưa ra khuyến cáo: ung thư phổi có liên quan tới chất carbamates, nhóm organophosphates và axit phenoxyacetic, và đặc biệt hơn là với chất DDT, diazinon, carbaryl propoxur.

Ung thư buồng trứng

Hiện chưa có bằng chứng chắc chắn về mối liên quan giữa việc tiếp xúc với HCBVTV và bệnh ung thư buồng trứng. Bước đầu, cuộc điều tra ở Italia cho thấy việc tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Triazin và bệnh ung thư buồng trứng có liên quan tới nhau.

Ung thư tinh hoàn

Ở những nước phát triển, số người mắc bệnh ung thư tinh hoàn tăng mạnh trong vòng 50 năm trở lại đây. Một nghiên cứu về việc tiếp xúc HCBVTV theo nghề nghiệp đã phát hiện rằng, nguy cơ mắc bệnh trong ngành nông nghiệp khá cao. Mối liên hệ giữa tiếp xúc HCBVTV và căn bệnh cũng đã được nêu ra trong một số nghiên cứu khác. Người ta cũng đưa ra giả thuyết ung thư tinh hoàn liên quan tới dị tật ở tuyến niệu sinh dục như tình trạng tinh hoàn ẩn và dị tật cơ quan sinh dục ngoài, cùng với chất lượng tinh dịch không đảm bảo và các chất hóa học phá vỡ các loại hoóc môn có thể là nguyên nhân gia tăng tình trạng bệnh.

 bệnh nhân ung thư
Một cậu bé bị ung thư ở Kerala, Ấn Độ – một trong những khu vực có nhiều căn bệnh liên quan tới việc phun thuốc trừ sâu bằng máy bay trong thời gian dài.

U mô mềm

Đây là những loại ung thư mô mềm như: cơ, gân, mô mỡ, mạch máu và dây thần kinh. Chúng thường gặp ở các bệnh nhân tiếp xúc với HCBVTV, đặc biệt là các loại thuốc diệt cỏ phenoxy và chất gây ô nhiễm của chúng TCDD. Ở Đan Mạch, tỉ lệ mắc bệnh này ở những người làm vườn cao hơn mức bình thường.

Bệnh đa u tuỷ

Bệnh đa u tuỷ là một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào máu trắng, gọi là tế bào huyết tương. Cùng với đa u tuỷ, các tế bào ung thư xuất hiện trong tuỷ xương – nơi tạo ra hồng cầu. Tại đây các khối u phát triển làm xương bị yếu đi, đồng thời chúng sản sinh ra quá nhiều tế bào huyết tương. Thông thường các tế bào này tạo chất kháng thể để chống bệnh tật, nhưng dưới dạng ác tính thì nó lại có hại đối với hệ thống miễn dịch.

Căn bệnh này thường gặp ở các nông dân Pháp, Thuỵ Điển, và Mỹ. Một phân tích tổng hợp 32 nghiên cứu về bệnh đa u tuỷ được xuất bản trong giai đoạn 1981 – 1996 đã cho thấy mối liên hệ giữa hoạt động nông nghiệp và bệnh đa u tuỷ, trong đó HCBVTV được xem là một trong những nhân tố chính gây nên căn bệnh.

Tại Na Uy, bệnh đa u tuỷ gắn với các chỉ số về HCBVTV ở cả hai giới. Một nghiên cứu về những người sử dụng thuốc diệt cỏ tại Hà Lan cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đa u tuỷ trong số này tăng lên đáng kể.

Các HCBVTV có chứa DDT và Axit phenoxyacetic được coi là những nhân tố gây rủi ro cao tại Thuỵ Điển, còn ở Italia là HCBVTV khử trùng bằng chlorinated.

Bệnh bạch cầu (bệnh máu trắng)

Bệnh máu trắng là một loại ung thư tuỷ xương – nơi tế bào máu hình thành – và là kết quả của quá trình hình thành các tế bào bạch cầu khác thường. Hiện đã có bằng chứng về bệnh máu trắng ở cả người lớn và trẻ em liên quan đến việc tiếp xúc với HCBVTV. Một báo cáo năm 1995 đã kết luận rằng, có sự liên kết không chặt chẽ giữa bệnh máu trắng và các hoạt động nông nghiệp mà HCBVTV là một yếu tố có thể gây rủi ro.

Tỉ lệ mắc bệnh máu trắng kinh niên (dạng phổ biến nhất của bệnh máu trắng) tăng đáng kể trong số các những người làm vườn ở Đan Mạch. Một bản tổng kết từ 18 nghiên cứu đã nêu rõ khả năng tác động của HCBVTV đối với bệnh máu trắng ở trẻ em.

Hầu hết các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em có bố mẹ là những người làm công việc tiếp xúc với HCBVTV hoặc sử dụng thuốc trừ sâu ở nhà và vườn lớn hơn so với các đối tượng khác. Càng sử dụng nhiều hoá chất thì tác động càng lớn. Ví dụ như, nghiên cứu các trường hợp trẻ em tiếp xúc thuốc sâu 1 lần/tuần, 1 đến 2 lần/tuần và hầu hết các ngày trong tuần thì mức độ rủi ro tương ứng tăng là 80%, 100% và 250%. Thống kê cũng cho thấy có mối liên hệ rất lớn giữa tỉ lệ tử vong vì bệnh bạch cầu với việc tiếp xúc HCBVTV ở các nông dân Pháp và những người phun thuốc sâu tại Mỹ.

Bệnh bạch cầu tế bào tóc là 1 dạng rất hiếm của bệnh bạch cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rủi ro gia tăng ở nông dân và bệnh này liên quan đặc biệt đến việc tiếp xúc HCBVTV. Cụ thể, một nghiên cứu cho biết bệnh có liên quan đến loại thuốc có chứa organophosphate hơn là HCBVTV organochlorine.

Bệnh u lim-phô không phải dạng Hodgkin

U lim-phô là các tế bào ung thư bắt nguồn từ hệ thống bạch huyết. Tế bào bạch huyết (một dạng của tế bào bạch cầu) trở thành tế bào ung thư và hình thành khối u, từ đó các u bạch huyết và các phần khác của cơ thể phình to ra. Một dạng được biết đến là bệnh Hodgkin, trong khi phần còn lại tập hợp lại thành nhóm bệnh u lim-phô không phải dạng Hodgkin (NHL). Tỉ lệ mắc NHL đã gia tăng nhanh chóng. Tại Mỹ, tỉ lệ mắc bệnh có điều chỉnh theo lứa tuổi tăng 80% từ năm 1973 đến năm 1997, mức tăng hàng năm gần 3% và hiện nay là loại ung thư phổ biến thứ 5. Các chứng cứ trên toàn cầu cũng gia tăng, ngay cả khi đã được điều chỉnh đối với HIV là yếu tố gây tử vong.

Một số bằng chứng đã được đưa ra để ủng hộ cho giả thuyết rằng có sự kết hợp giữa NHL và việc tiếp xúc với HCBVTV. Ví dụ, thống kê đối với nông dân Mỹ cho thấy việc sử dụng thuốc sâu organophosphate có liên quan đến mức độ rủi ro gia tăng tới 50%. Mối liên hệ cũng đã được phát hiện cả ở Canađa và Đan Mạch. Trong một nghiên cứu tại Đức, việc sử dụng HVBVTV của các dân cư có liên quan đến bệnh NHL ở trẻ em.

Trong những cuộc điều tra chung về nghề nghiệp, trong khi nguy cơ mắc bệnh NHL của nông dân nói chung gia tăng rất thấp thì những nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ cao hơn khi tập trung vào các loại HCBVTV cụ thể. Ví dụ như việc sử dụng thường xuyên thuốc diệt cỏ axit phenoxyacetic (cụ thể là 2,4-D) có liên quan đến thực tế tăng 2-8 lần NHL trong các nghiên cứu thực hiện tại Thuỵ Điển, Mỹ, Canađa và các nơi khác. Ủy ban của Mỹ chịu trách nhiệm về việc đánh giá các hậu quả về sức khoẻ của các cựu chiến binh Việt Nam từng tiếp xúc với chất diệt cỏ và thành phần gây ô nhiễm của các chất này trong chiến tranh đã kết luận rằng: có những minh chứng rất rõ ràng về mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với chất diệt cỏ và các bệnh Hodgkin, NHL và u mô mềm.

Số liệu thống kê trong một nghiên cứu của Canađa cho thấy có sự gia tăng về nguy cơ mắc NHL do tiếp xúc chất diệt cỏ, chất cacbarmateorganophosphate và các chất diệt nấm amít. Các chất hoá học đặc thù có liên quan đến NHL là thuốc diệt cỏ (2,4-D, mecopropdicamba), thuốc diệt côn trùng (malathion, carbaryl, lindane, aldrin), thuốc diệt nấm (captan và hợp chất sunfua).

Theo một nghiên cứu tại Mỹ, những người sử dụng hoá chất carbamate có nguy cơ mắc NHL cao hơn 30-50%, trong khi đó nguy cơ không gia tăng ở những người nông dân không sử dụng loại thuốc này. Một nghiên cứu khác của Mỹ về NHL cho thấy, nguy cơ mắc bệnh cao được phát hiện ở những người có liên quan đến việc đóng gói, trộn lẫn hay sử dụng vài nhóm HCBVTV và các hoá chất riêng lẻ bao gồm: carbaryl, chlordane, dichlorodiphenyltrichloroethane, diazinon, dichlorvos, lindane, malathion, nicotine, và toxaphene. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra các hoá chất độc hại bao gồm dieldrin, atrazine và chất diệt nấm; các chất organophosphates nói chung (cụ thể là diazinon), và các chất organochlorines bao gồm DDT, chlordane dichlorvos.


Nguồn: Trích báo cáo “What’s Your Poison? Health Threats Posed by Pesticides in Developing Countries”, 2003 của Quỹ Công lý Môi trường (EJF) tóm tắt các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Thông tin trong bản báo cáo được tổng hợp từ trên 50 quốc gia và các phát hiện chủ yếu ở các nước châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi, Trung Đông, nơi thuốc trừ sâu đang gây ra những mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.