Với "lá bùa" mang tên "giấy phép khai quang, tận thu, tận dụng gỗ lòng hồ thuỷ điện Khe Diên" do UBND huyện Quế Sơn, UBND tỉnh Quảng Nam và ngành kiểm lâm cấp, từ cuối năm 2005 đến nay, Cty TNHH xây dựng Ngọc Sơn (xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) đã "thần tốc" phá cả ngàn hecta rừng nguyên sinh, khai thác hàng ngàn mét khối gỗ công khai trước mắt kiểm lâm và chính quyền sở tại. Sự việc gây chấn động dư luận, bức xúc trong nhân dân, song chỉ riêng chính quyền địa phương là không hề hay biết…(?).
Mở lại cửa rừng!
Miền tây Quế Sơn, Quảng Nam nguyên là căn cứ của Khu uỷ Khu 5 trong kháng chiến chống Mỹ. Với đặc điểm địa hình phức tạp, núi cao, nhiều khe suối, rừng nguyên sinh dày đặc cây gỗ cổ thụ, rừng Quế Sơn đã một thời “che bộ đội, vây quân thù”. Sau giải phóng, con đường độc đạo, vượt đèo Le hiểm trở về các xã miền tây Quế Sơn vẫn nhọc nhằn vì đèo dốc và núi đá, cách trở đi lại. Thêm vào đó, lệnh đóng cửa rừng của Chính phủ có hiệu lực, kế tiếp việc khoanh vùng, lập dự án bảo tồn đàn voi rừng Quảng Nam… khiến cho cánh rừng già này vẫn nguyên sơ, giàu trữ lượng gỗ. Thế nhưng, đến tháng 9.2003, khi dự án xây dựng thuỷ điện Khe Diên – một nhánh trên thượng nguồn sông Thu Bồn được khởi động, con đường về miền tây Quế Sơn được nâng cấp, mở sâu vào núi, rừng bắt đầu bị tàn phá kinh hoàng.
Để phục vụ cho việc xây dựng thuỷ điện Khe Diên, năm 2005, UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định thu hồi trên 4,6 triệu m2 đất rừng thuộc 3 xã Quế Phước, Quế Ninh và Quế Trung, giao Cty đầu tư – phát triển điện Sông Ba thuê trong vòng 50 năm. Nhằm không lãng phí tài nguyên khu vực lòng hồ, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý cho UBND huyện Quế Sơn khai thác tận thu gỗ lòng hồ (CV số 2074 -16.8.2005). Theo đó UBND huyện Quế Sơn đã hợp đồng với Cty TNHH xây dựng Ngọc Sơn của ông Lê Văn Ngọc (thôn Bà Rén, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn) khai thác gỗ tận thu với số lượng 12.811m3. Điều kiện, mỗi mét khối gỗ sau khai thác, Cty Ngọc Sơn nộp ngân sách huyện 95.000 đồng. Bắt đầu từ đây, Cty Ngọc Sơn đã tổ chức “mở cửa rừng” bằng xe cơ giới, đưa các phương tiện hiện đại vào khai thác rừng. Con đường đất về các xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Lâm vốn gập ghềnh, nát be bét vì xe chở than từ mỏ Nông Sơn, nay càng tệ hại bởi những đoàn xe chở gỗ của Cty Ngọc Sơn. Cây cầu nặng tình nghĩa Nông Sơn tại bến Cà Tang lịch sử phải oằn mình chịu đựng những đoàn xe chở gỗ lặc lè về xuôi… Chứng kiến cảnh rừng “chảy máu” ồ ạt, người dân miền tây Quế Sơn đã liên tục gửi đơn thư kêu cứu, nhưng tất thảy đều chìm vào im lặng.
Lợi dụng tận thu để tận diệt
Từ cuối năm 2006, phóng viên đã nhiều lần xâm nhập hiện trường vụ phá rừng Khe Diên, song vẫn “đuối lý” vì rừng thì trùng trùng cả ngàn hécta, quanh co dốc núi nên không xác định được đâu sẽ là khu vực lòng hồ thuỷ điện -nơi được phép khai thác, đâu là rừng ngoài khu vực lòng hồ. Thời điểm đó gỗ đã về xuôi như… lũ. Lực lượng phá rừng chuyên nghiệp, hùng hậu được Công ty Ngọc Sơn thuê tứ xứ về đóng trại tại rừng, ngày đêm mở đường, đốn hạ, xẻ gỗ, chuyển ra khỏi rừng. Những đàn trâu mộng quy tập từ các nơi đi xuyên rừng ngày đêm, gom gỗ về những bãi tập kết chờ ôtô vận chuyển… Rồi thời điểm thích hợp cũng đã đến. Đầu năm 2007, công trình xây dựng thuỷ điện Khe Diên đã hoàn tất đập chính, tiến hành chặn dòng, tích nước. Khi nước mặt hồ đã tràn đập (đỉnh cao nhất của quá trình tích nước), thì ranh giới lòng hồ và rừng đã phân định rõ.
Hết chặng đường thuỷ trên lòng hồ, đặt chân lên rừng, cơ man gỗ rừng bị chặt phơi ra. Gỗ nằm lớp lớp, chồng chất lên nhau từ mép rừng xuống bến nước. Gỗ kết bè trên mặt hồ. Gỗ giấu chìm trong lòng nước. Gỗ gối đầu nhau thành bãi dài tít tắp. Không khó khăn đi tìm đường, chúng tôi cứ lần theo bãi tập kết gỗ để tiến sâu vào rừng. Vượt khe Ring, hết 5-6km đường đầu tiên vào rừng kể từ mép nước lòng hồ thuỷ điện, cũng chừng ấy đoạn đường gỗ xẻ phách xếp lên nhau chờ về xuôi, đến bãi gỗ gành Đá Cục, chúng tôi không thể tin những gì mắt mình chứng kiến. Gỗ phách la liệt, chồng chất thành núi, ước chừng cả ngàn mét khối. Thế nhưng kinh hoàng hơn khi biết đây chỉ là một trong số hơn 10 bãi gỗ của Công ty Ngọc Sơn đang khai thác. Đường vào các bãi gỗ Chòi Ván, Hòn Mõ tan hoang. Hàng ngàn gốc cây chò, lim xanh, kiền kiền, dổi, sơn đào, chua… có đường kính từ 50cm – hơn 1m còn tươm mủ. Gỗ ngổn ngang đủ dạng, xẻ phách, bi tròn. Lán trại, chòi bạt nylon của người khai thác gỗ dăng khắp rừng.
Từ làm ngơ, đến tiếp tay phá rừng
Nếu lấy mép nước mặt hồ ở đỉnh vượt đập tràn làm ranh giới với rừng thì rõ ràng diện tích hàng trăm hécta rừng bị Cty Ngọc Sơn đang khai thác, vận chuyển hiện nay là trái phép. Nước đã tràn đập thì không thể nói diện tích lòng hồ vượt thêm cả chục kilômét vào rừng sâu, tiếp giáp đến làng Mực, huyện Nam Giang được. Vậy, việc khai thác này có tên gọi là gì ngoài từ phá rừng trái phép? Thế nhưng không hiểu vì sao, những con đường lớn, khai mở bằng cơ giới, xuyên rừng vẫn thực hiện trót lọt. Những bãi gỗ hình thành công khai vẫn tồn tại. Chính quyền, kiểm lâm huyện Quế Sơn hoàn toàn không biết vụ việc nghiêm trọng này hay vờ làm ngơ, tiếp tay cho kẻ phá rừng? Hàng trăm lao động làm thuê cho Cty Ngọc Sơn đến từ các tỉnh phía bắc đóng quân cố định trong rừng để mở đường, đốn, xẻ gỗ không hề được chính quyền, kiểm lâm, công an kiểm soát.
Khi được hỏi, những “lâm tặc trực tiếp” cho biết họ không sợ bất cứ điều gì vì đã có chủ (Cty Ngọc Sơn – PV) lo tất. Nhiều người cho biết: “Chúng tôi làm việc được trả lương công nhật hoặc khoán. Từ lâu nay chưa hề bị chính quyền hay kiểm lâm hỏi han gì về công việc khai thác rừng. Chúng tôi thỉnh thoảng vẫn tiếp xúc với kiểm lâm trong rừng, nhưng không nghe ai bảo khai thác rừng này là trái phép cả”. Sự việc ngang nhiên đến nỗi, năm 2006, kiểm lâm đã bắt, thu gần 80m3 gỗ do Cty Ngọc Sơn khai thác trái phép ngoài khu vực lòng hồ, số gỗ này được bán thanh lý, nộp ngân sách huyện 50 triệu đồng, song Cty chỉ bị xử lý hành chính (?). Theo luật định, việc khai thác gỗ trái phép trên 10m3 sẽ bị khởi tố vụ án và xử lý hình sự, nhưng trường hợp này đã được ưu ái, cho nằm ngoài vòng pháp luật.