Với phương châm “Giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông thôn toàn diện”, Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc được đánh giá như một luồng gió mới, một cách nhìn toàn diện về vấn đề “tam nông” (nông nghiệp – nông thôn – nông dân) thời hội nhập.
Đột phá từ những điểm yếu
Mặc dù có tốc độ phát triển các khu công nghiệp thuộc diện “hoành tráng” nhất miền Bắc, Vĩnh Phúc vẫn còn 60% dân số sống bằng nghề nông với hiệu quả sản xuất chưa cao. Bình quân mỗi lao động nông nghiệp chỉ tạo ra 5, 2 triệu đồng /năm; trong khi đó, sản xuất công nghiệp cao gấp 8, 45 lần, làm dịch vụ gấp 3, 7 lần. Đồng đất Vĩnh Phúc đa số bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Tuy hệ số sử dụng đất cao, bà con đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhưng giá trị thu nhập vẫn thấp. Năm 2006, bình quân mỗi hecta chỉ đạt 31 triệu đồng, thấp hơn bình quân cả nước và khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Trước thực trạng này, các ban ngành trong tỉnh, đặc biệt là ngành nông nghiệp được giao nhiệm vụ “kích hoạt” các nhân tố tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục làm tốt hơn việc cải tạo giống cây trồng – vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi mùa vụ,… và chú trọng đầu tư vào hai thế mạnh tiềm năng của địa phương. Đó là làm kinh tế đồi rừng và cải tạo vùng chiêm trũng.
Trên 20.000ha đồi, rừng (thuộc các huyện Lập Thạch, Tam Đảo, phía Bắc huyện Tam Dương, Bình Xuyên) được tổ chức thành các trang trại trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy, cây công nghiệp, cây lấy gỗ và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vải, nhãn lồng, hồng, xoài, na, bưởi, cam, quýt sẽ là cây chủ lực. Tỉnh kiện toàn và mở rộng nhà máy chế biến hoa quả Tam Dương, gắn với việc quy hoạch các xã lân cận thành vùng nguyên liệu cho nhà máy. Các trang trại chăn nuôi theo hướng công nghiệp, quy mô lớn được phát huy; xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại 11 địa phương phân bố tương đối đều trong toàn tỉnh.
2.200 ha trong tổng số 6.000 ha mặt nước sẽ được chuyển sang nuôi cá, tôm. Các khu vực nuôi tôm, cá được cải tạo theo hướng tập trung, sử dụng các biện pháp kỹ thuật, máy móc, thức ăn công nghiệp vào chăn nuôi. Rất nhiều mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao và những chủ trang trại dám đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng các trang trại tập trung đã xuất hiện ở Vĩnh Phúc. Xã Đại Đồng (huyện Vĩnh Tường) bây giờ là vùng chuyên canh rau rộng lớn, với những mô hình trồng rau an toàn cho thu nhập 100 – 150 triệu đồng /ha/năm. Trong phong trào đó, nhiều triệu phú nông dân đã xuất hiện. Điển hình như ông Trần Văn Thanh ở phường Đồng Tâm (TP. Vĩnh Yên), đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô công nghiệp với “tham vọng” hình thành hệ thống cung cấp thịt lợn sạch cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Với những đột phá như vậy, từ năm 2001 đến nay, sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 7,1% hang năm, lương thực có hạt đạt 40 vạn tấn /năm. Riêng năm 2006, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt trên 3.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Miễn – giảm thuỷ lợi phí, cú hích đầu tiên
Miễn, giảm thuỷ lợi phí là một trong những chính sách được bà con nông dân ủng hộ. Chính vì vậy, trong khi nông dân các tỉnh “hàng xóm” không mặn mà với ruộng đồng thì ở Vĩnh Phúc hầu như không có một diện tích nào bị bỏ hoang, ngay cả khi có những biến động lớn về thời tiết, giá nông sản trồi sụt. Việc giảm thuỷ lợi phí đã mang lại khí thế lao động mới trên các vùng quê, diện tích sản xuất ngày càng được mở rộng. Năm 2007, Vĩnh Phúc thực hiện miễn thuỷ lợi phí cho toàn bộ nông dân; ưu tiên giải quyết nước tưới cho vùng khó khăn, dự kiến kinh phí 48 tỷ đồng (tăng 22 tỷ đồng so với năm 2006). ông Nguyễn Bá Vi – nông dân xã Bình Dương (huyện Vĩnh Tường) cho biết: “Bà con chúng tôi rất phấn khởi khi tỉnh có chủ trương xoá thuỷ lợi phí. Được bỏ một loại phí cũng có nghĩa là sản phẩm được tăng thêm một giá trị, nên nông dân rất yên tâm”.
Mặc dù việc miễn giảm thuỷ lợi phí sẽ khiến các công ty quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi gặp khó khăn nhưng theo ông Nguyễn Đức Sinh, Trưởng phòng Thuỷ lợi (Sở NN &PTNT Vĩnh Phúc), việc miễn giảm thuỷ lợi phí đã giúp 80% dân số sản xuất nông nghiệp được hưởng lợi. Ông Phạm Xuân Sử, Cục trưởng Cục Thuỷ lợi (Bộ NN &PTNT) cho rằng: Việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bằng cách miễn giảm thuỷ lợi phí như Vĩnh Phúc là sáng tạo, hết sức cần thiết. Bởi thuỷ lợi phí hiện chiếm đến 1/5 giá trị của một sản phẩm nông nghiệp, vì vậy, việc giảm thuỷ lợi phí rất có ý nghĩa đối với nông dân nghèo, giảm bớt các áp lực trong sản xuất nông nghiệp hiện nay…
“Tam nông” thời hội nhập“
Nội dung bao trùm của Nghị quyết là “giảm đóng góp, tăng đầu tư”, trong đó vấn đề đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân được đặc biệt chú trọng. Theo đó, từ năm 2007 sẽ tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện, cập nhật những kiến thức cơ bản về pháp luật, cơ chế, chính sách, kỹ thuật sản xuất, thị trường, cách thức làm ăn cho 200.000 – 220.000 nông dân (trung bình mỗi hộ 1 người); kinh phí dự kiến 12 tỷ đồng /năm. Các điểm tư vấn cho nông dân sẽ được xây dựng, nhằm cung cấp thông tin cho nông dân, hướng dẫn kỹ thuật, giải đáp thắc mắc về cơ chế, chính sách; giao lưu trực tuyến với nông dân. Kinh phí thực hiện năm 2007 – 2008 là 9 tỷ đồng /năm; từ năm 2009 trở đi là 3 tỷ đồng /năm.
Nhưng để thực hiện được mục tiêu đó, những công việc Vĩnh Phúc phải làm không ít và còn nhiều khó khăn. Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp – nông thôn, trong công tác đào tạo nghề, phải dạy những “cái” nông dân muốn học để họ sản xuất ra “cái” thị trường cần. GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, nên xây dựng các trung tâm dạy nghề ngắn hạn cho nông dân, chỉ từ 5-7 ngày. Công tác dạy nghề sẽ thực sự hiệu quả khi gắn với các doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu nông sản. “Chính sách đầu tư, hỗ trợ không nhất thiết phải là cho nông dân “cần câu, con cá” mà hãy chỉ cho nông dân nuôi, trồng như thế nào, ai mua, yêu cầu chất lượng ra sao, bán ở đâu được giá cao nhất” – ông Dũng nói. Nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hoá T.ư cho rằng, cấp Trung ương cũng cần xây dựng một nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân khi Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Hiện các cấp, các ngành trong tỉnh Vĩnh Phúc đang tích cực triển khai các công việc theo tinh thần Nghị quyết 03. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay để phát triển nông nghiệp hàng hoá ở Vĩnh Phúc là vấn đề tích tụ ruộng đất. ông Nguyễn Khắc Minh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho rằng: “Nếu không tích tụ ruộng đất thì không thể thành sản xuất hàng hoá. Vì vậy, Nhà nước phải có những chính sách về đất đai sát hợp, cụ thể. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng để có những nông sản chất lượng cao”. ông Nguyễn Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh khẳng định: “Để các nội dung của nghị quyết thực hiện đầy đủ và sâu rộng, các ban ngành phải liên kết, phối hợp chặt chẽ. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nếu không có sự liên kết thì không có sản xuất hàng hoá, điều đó cũng có nghĩa, người nông dân không thể làm giàu từ đồng ruộng”. Vĩnh Phúc cần tổng kết xem hiện nay nông dân đang tích tụ ruộng đất theo hình thức nào. Hình thức tích tụ nào là phù hợp với xu thế thì hợp thức hoá và khuyến khích – ông Hữu Thọ nhấn mạnh.
Dù rằng đây mới chỉ là “bước dạo đầu” nhưng chắc chắn với tinh thần cởi mở, dành đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn, chắc chắn trong những năm tới, nông thôn Vĩnh Phúc sẽ có bước chuyển ngoạn mục, hoà nhập vững vàng với tiến trình hội nhập.