Hoá chất bảo vệ thực vật và bệnh ung thư (Kỳ I)

ThienNhien.Net – Trong những năm gần đây, bệnh ung thư có xu hướng gia tăng tại nhiều nước trên thế giới, gây ra nhiều vấn đề và lo ngại về sức khoẻ cộng đồng. Phần lớn các bệnh ung thư rất khó xác định nguyên nhân đầu tiên gây bệnh. Trong số các nguyên nhân đang được nghiên cứu, hiện đã có một số bằng chứng cho thấy mối liên quan giữa tiếp xúc hoá chất bảo vệ thực vật với nguy cơ mắc căn bệnh nan y này.

Nghiên cứu trên các nông dân, phần lớn ở các nước công nghiệp hóa, cho thấy có xu hướng gia tăng các bệnh u lim-phô không phải dạng Hodgkin, u ác tính, bạch cầu, đa u tủy và bướu mềm ác tính. Các dạng ung thư như ung thư vú, buồng trứng, miệng, tuyến tiền liệt, phổi, bàng quang, cổ tử cung, não, thận, bao tử cũng được phát hiện thường xuyên.

Bệnh ung thư da và miệng dường như liên quan đến việc tiếp xúc nhiều với tia cực tím, nhưng với các bệnh ung thư khác, hiện đã có bằng chứng (với độ tin cậy khác nhau ở từng dạng ung thư) cho thấy mối liên quan đến việc tiếp xúc với hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV). Một nguyên nhân khiến cho mối liên hệ này rất khó xác định là do nông dân sử dụng nhiều hóa chất khác nhau, tuỳ theo mùa vụ và do họ tiếp xúc với nhiều chất có thể gây ung thư khác như đất mùn và khói dầu diesel. Do đó, trong bất kì trường hợp ung thư nào, các nghiên cứu khó xác định được những loại hoá chất cụ thể gây bệnh. Có thể một thời gian dài sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bệnh mới phát ra. Ngay cả việc thiết lập được mối liên hệ giữa vấn đề hút thuốc lá và ung thư phổi cũng mất cả thập kỉ để nghiên cứu, dù cho người ta ước đoán rằng hút thuốc lá là nguyên nhân của hơn 90% bệnh ung thư phổi tại Hoa Kỳ.

Ung thư não

HCBVTV đã được xác định là tác nhân thúc đẩy việc hình thành khối u não trong động vật và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều này cũng diễn ra đối với con người. Theo thống kê, tỉ lệ người chết do ung thư não đã tăng lên trong số những người có giấy phép sử dụng HCBVTV ở Italia và những nhân công trồng nho ở Pháp – những người có mối liên hệ đặc biệt với việc tiếp xúc các HCBVTV. Nguy cơ mắc bệnh u não ở phụ nữ Trung Quốc cũng được cho là có liên quan đến việc tiếp xúc với HCBVTV.

Theo một bản phân tích năm 1998, đã có những nghiên cứu đáng tin cậy đưa ra giả thuyết về mối liên quan giữa bệnh ung thư não và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu những người làm vườn và trồng cây ăn quả ở Thuỵ Điển cho thấy, tỉ lệ xuất hiện u trong hệ thần kinh ở những người trẻ tuổi và những người làm vườn ở tuổi trung niên gia tăng; nguy cơ mắc u não tăng gấp 3 lần ở những người làm vườn và gấp 5 lần ở những người trồng cây ăn quả. Đặc biệt, bệnh u màng não (khối u quanh não và tủy sống) đã tăng lên trong những người làm vườn.

Khi nghiên cứu bệnh ung thư ở các trẻ em Na Uy có bố mẹ thường tiếp xúc với HCBVTV, người ta đã phát hiện các chỉ số liên quan giữa việc sử dụng HCBVTV và nguy cơ mắc bệnh ung thư não. Có tới 9 trong số 17 nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư não ở trẻ tăng cao liên quan đến việc sử dụng HCBVTV, 5 nghiên cứu cho thấy nguy cơ tăng không đáng kể .

Ung thư vú

Kể từ những năm 1940 ở Mỹ, ước tính hàng năm tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú tăng 1%. Ở Đan Mạch, tỉ lệ này là 50% trong khoảng từ năm 1945 đến 1980. Sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh được theo dõi theo ngành nghề, đáng chú ý là những ngành này đều đòi hỏi tiếp xúc với hoá chất và HCBVTV, đặc biệt là những nông dân làm thời vụ và làm trong ngành công nghiệp rau/quả. Một bản nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, trong số những nông dân là phụ nữ, tỉ lệ mắc bệnh cao thuộc về những người làm việc trực tiếp ở các cánh đồng phun thuốc hoặc ngay sau khi phun thuốc, chứ không phải ở những người sử dụng quần áo bảo hộ lao động.

 Tế bào ung thư vú
 Tế bào ung thư vú

Một phân tích số liệu từ 8 nước công nghiệp cho thấy mối liên quan không chặt chẽ giữa bệnh ung thư vú và hoạt động nông nghiệp. Theo nghiên cứu, DDT có thể kích thích sự tăng trưởng của hoóc môn tính dục ở chuột. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu theo từng trường hợp kể từ năm 1996 đã không thể khẳng định những quan sát trước đó cho thấy mối liên hệ giữa mức độ DDT và DDE (một sản phẩm do DDT phân rã) với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Trái lại, những nghiên cứu ở Colombia và Mexico cho thấy mối liên quan giữa ung thư vú và việc trồng trọt là ở mức cao. Đo dó, cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu khác ở các nước nơi DDT vẫn đang được sử dụng rộng rãi.

Ung thư gan

Theo một nghiên cứu những người sử dụng HCBVTV tại Italia để diệt sâu bọ trong vòng 20 năm, những người tiếp xúc với các loại HCBVTV trong thời kỳ 1960 và 1965 có tỉ lệ mắc bệnh ung thư gan cao. DDT được nghi là nguyên nhân bởi nó có thể sản xuất ra những mô ung thư gan khi nghiên cứu trên động vật. Nghiên cứu về tỉ lệ tử vong theo độ tuổi do các căn bệnh ung thư khác nhau giai đoạn 1975- 1994 cho biết tỉ lệ tử vong do ung thư gan khá cao ở những người có mức độ DDE cao, cả nam và nữ ở người Mỹ da trắng, nhưng không phải trong số người Mỹ gốc Phi.

Hepatic angiosarcoma là một dạng ung thư gan rất hiếm, có liên quan đến việc sử dụng thạch tín để phun trừ sâu các ruộng nho ở Châu Âu trước đây. Trong khoảng những năm 1980 – 1984, tại trường đại học Y dược Ain Shams, Hy lạp, 14 người đã được chuẩn đoán mắc bệnh này – một tỉ lệ rất cao so với dự đoán. 10 người trong số họ có tiền sử tiếp xúc trực tiếp hoặc thường xuyên với thuốc trừ sâu nông nghiệp.

Ung thư dạ dày

Ở Italia, tỉ lệ mắc ung thư dạ dày cao thường rơi vào đối tượng nông dân và những người sử dụng HCBVTV với thời gian 10 năm trở lên. Nhân tố liên quan có thể là các HCBVTV chứa nitơ và phân bón hữu cơ Nitrat.

Ung thư bàng quang

Việc trồng cây ăn quả cũng liên quan tới nguy cơ ung thư dạ dày và ruột kết. được nghi
là do việc sử dụng dầu thô đã qua sơ chế để trừ sâu. Tỉ lệ nông dân mắc bệnh ung thư dạ dày nói chung giảm, nhưng một số nghiên cứu cho thấy có một chút gia tăng tỉ lệ này nếu loại trừ ảnh hưởng việc hút thuốc lá. Một nghiên cứu những người nông dân trồng nho ở Pháp cho thấy có mối liên hệ lớn giữa ung thư dạ dày và việc tiếp xúc với HCBVTV.

Ung thư thận

Ở Italia, tỉ lệ mắc bệnh ung thư thận tăng lên trong những người nông dân tiếp xúc với HCBVTV hơn 10 năm khá cao, đặc biệt là những người trồng khoai tây và oliu. Việc tiếp xúc với HCBVTV cũng liên quan tới một căn bệnh u ác tính ở Canađa.

Hoá chất bảo vệ thực vật và bệnh ung thư

Chất sinh ung thư (chất tạo nên ung thư) liên quan đến sự biến đổi không thể ngăn chặn của một tế bào gốc. Nó sinh sản nhanh một cách thiếu kiểm soát và cuối cùng xâm chiếm các tế bào khác. Trong quá trình hình thành ung thư, có nhiều cơ chế khác nhau mà qua đó HCBVTV có thể xâm nhập và góp phần. Cơ chế rõ ràng nhất là genotoxicity, gây biến đổi trực tiếp DNA, biến những tế bào vô hại thành tế bào ung thư. Theo đó, người ta nghi những HCBVTV là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư bao gồm fumigants ethylene Oxide và ethylene dibromide.

Những HCBVTV khác (ví dụ như DDT) cho thấy kết quả kiểm tra âm tính đối với genotoxicity nhưng lại là những chất sinh ung thư trong thí nghiệm nghiên cứu trên động vật. Những chất này có thể tạo ra khối u. Một số HCBVTV, ví dụ như nhóm organochlorines, có khả năng gây ra sự kìm hãm và sinh sôi nảy nở các tế bào bất thường. Một cơ chế khả thi được nghi là áp dụng với DDT.

Một số HCBVTV tác động lên hoóc môn có thể cũng là tác nhân gây ra khối u ở các mô bằng cách kích thích tế bào nhạy cảm về hoóc môn trở thành tế bào ung thư. Ví dụ, thuốc diệt cỏ atrazine thông thường là chất không độc hại đối với gen (không trực tiếp ảnh hưởng đến DNA) nhưng lại liên quan đến tỉ lệ các chứng cứ về bệnh ung thư ngày càng gia tăng ở các bộ phận như vú và tử cung trong thí nghiệm với động vật. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, tỉ lệ mắc ung thư các bộ phận có liên quan đến hoóc môn hay ung thư do hoóc môn gây ra tăng lên trong nông dân, cùng với việc tiếp xúc các HCBVTV phá vỡ nội tiết, đặc biệt là DDT và thuốc diệt cỏ phenoxy, bị nghi là có liên quan đến một vài bệnh ung thư này.

Ngoài ra, HCBVTV có thể gây ra ung thư thông qua tác động đến hệ miễn dịch, phá vỡ cơ chế giám sát ung thư bình thường của cơ thể. Ví dụ, các loại HCBVTV nhóm organophosphates có thể ức chế serine esterases – các enzyme quan trọng trong tế bào lymphô chữ T và các tế bào gây hại tự nhiên của hệ miễn dịch.

(Còn nữa)


Nguồn: Trích báo cáo “What’s Your Poison? Health Threats Posed by Pesticides in Developing Countries”, 2003 của Quỹ Công lý Môi trường (EJF) tóm tắt các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Thông tin trong bản báo cáo được tổng hợp từ trên 50 quốc gia và các phát hiện chủ yếu ở các nước châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi, Trung Đông, nơi thuốc trừ sâu đang gây ra những mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.