ThienNhien.Net-Chăn nuôi được coi là một trong những nguyên nhân lớn gây ra ô nhiễm môi trường. Một sự thật là người dân chưa nhận thức rõ ràng đó là tác nhân gây ra các bệnh truyền nhiễm và ung thư.
Giải pháp khắc phục tổng thể là quy hoạch lại ngành còn nhiều khó khăn, do những lực cản khác nhau. Các nhà chuyên môn cho rằng cần tăng cường giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường, trong đó, mũi nhọn là ứng dụng hầm khí biogas, lồng ghép chăn nuôi vào các trang trại theo mô hình sinh thái VAC…
Chăn nuôi lớn – nhỏ đều gây… ô nhiễm
Hiện nay, xã Tàm Xá (Đông Anh – Hà Nội) được coi như một khu chăn nuôi khép kín. Nguồn thu từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu toàn xã. Riêng 6 tháng đầu năm 2006, chăn nuôi đạt 6, 3 tỷ đồng, vượt trội so với 1 tỷ đồng từ trồng trọt. Hộ nuôi ít cũng 1-3 con bò hoặc 5-10 con lợn, nuôi quy mô như ông Lê Đức Hạnh có 47 con lợn, “trại gà giống” nhà ông Hoàng Viết Ánh có 3.000 con… Mặc dù ở Tàm Xá đường ngõ được bê tông hoá, nhà dân gắn biển số văn minh như phố, nhưng các lối thoát nước thải đều đen ngòm phân rác. Dân xã này lo nước thải tù đọng ngấm xuống mạch nước ngầm và thường kinh hãi khi trời mưa, nước dềnh lên đường làng toàn phân bò, lợn…
Xã Cảnh Hưng (Tiên Du – Bắc Ninh) có tới 90% số hộ chăn nuôi, trong đó mật độ lớn nhất ở thôn Rền. Bình quân mỗi hộ có 200m2 đất nhưng nuôi tới 50-60 con lợn và bò. Do chung sống với mùi xú uế ô nhiễm, dân thôn Rền và xã Cảnh Hưng hiện canh cánh nỗi lo “bóng đen bệnh tật”. Theo ông Nguyễn Hữu Ngôn (Trưởng thôn Rền), gần đây số người mắc bệnh ung thư ngày một tăng. Từ năm 2005 tới nay thôn có tới 22 người chết, trong đó 10 người chết do ung thư (50%), chưa kể số người ung thư phổi, máu phải chuyển về nhà do bệnh viện bó tay…
Một quan chức Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ái ngại khi kể chuyện về xã Cát Quế (Hoài Đức – Hà Tây) lúc nào cũng ngập “mùi lợn”. Như bao làng nghề chế biến nông sản khác, dân Cát Quế chuyên nấu rượu – nuôi lợn, chất thải chăn nuôi xả bừa bãi nên bốc mùi nồng nặc. Nhiều xã ở Bắc Giang lâu nay là “điểm nóng” khiếu kiện do chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, như Nội Hoàng, Tân Mỹ (huyện Yên Dũng); Việt Tiến (huyện Việt Yên).
Vấn nạn ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi hiện bức xúc nhất ở các vùng ven đô nơi có mật độ chăn nuôi lớn. Vùng ngoại ô TP. Biên Hoà (Đồng Nai) hiện nuôi khoảng 186.000 con lợn, 500.000 con gia cầm và 3.400 con trâu – bò; mật độ chăn nuôi lên tới 120 con lợn và 315 con gia cầm/ha. Bởi thế, người dân nhiều thôn kêu trời và khiếu kiện nhau vì không thể sống chung với ô nhiễm!
Theo số liệu Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), cả nước hiện có 220 triệu con gia cầm, 8, 5 triệu con trâu – bò, 27 triệu con lợn, trên 1, 3 triệu con dê và 11 vạn con ngựa. Mỗi năm chăn nuôi thải ra trên 73 triệu tấn chất thải rắn (phân khô, thức ăn thừa) và 25-30 triệu m3 chất thải lỏng (phân lỏng, nước tiểu và nước rửa chuồng trại). Trong đó, khoảng 50% lượng chất thải rắn (36, 5 triệu tấn), 80% chất thải lỏng (20 – 24 triệu m3) xả thẳng ra tự nhiên, hoặc sử dụng không qua xử lý là những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Đâu là giải pháp?
Vụ Môi trường mới được Bộ Tài nguyên & Môi trường giao chủ trì thực hiện dự án quản lý chất thải chăn nuôi ở 2 địa bàn “điểm” của Hà Tây và Đồng Nai trong 5 năm (2006-2010). Qua bước đầu khảo sát, ông Nguyễn Văn Tài, Phó vụ trưởng Vụ Môi trường cho biết: “Hiện nay, phần lớn bà con chăn nuôi theo kiểu phân tán và ít đầu tư đúng mức việc xử lý môi trường. Bên cạnh chủ trương lớn là quy hoạch lại chăn nuôi theo hướng quy mô tập trung thì vấn đề đặt ra là gắn tổ chức chăn nuôi tập trung với công nghệ hầm biôga và tạo lập thị trường phân bón có giá trị cao sau xử lý; nhưng mũi nhọn vẫn là ứng dụng hầm biôga bởi vừa xử lý triệt để chất thải, vừa tạo ra nguồn năng lượng khí gas làm chất đốt, chạy máy phát điện vừa có phân bón phục vụ sản xuất rau quả an toàn”.
Ông Hoàng Kim Giao, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho rằng: “Có 3 nhóm biện pháp cơ bản hạn chế ô nhiễm do chăn nuôi. Thứ nhất cần quy hoạch lại, đưa chăn nuôi ra xa đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và nhất thiết phải thực hiện quy định chăn nuôi an toàn gắn với bảo vệ môi trường. Thứ hai là sử dụng kỹ thuật cho vào thức ăn và chất thải chăn nuôi các men, các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế khí độc hại và vi sinh vật có hại. Thứ 3 là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thân thiện với môi trường. Tuỳ điều kiện cụ thể từng nơi để lựa chọn một trong 3 quy trình kỹ thuật xử lý chất thải như: bể lắng – hầm biogas – ao sinh học, hầm biogas – ao sinh học và hầm biogas – thùng sục khí – ao sinh học; trong đó việc định hướng chăn nuôi theo mô hình sinh thái VAC và sử dụng hầm biogas đang được người chăn nuôi quan tâm nhất.”
Hiện nay, việc ứng dụng biogas đã xuất hiện ở nhiều nơi và bước đầu có hiệu quả rõ rệt nhưng thực tế số hộ có hầm chưa đáng kể. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu – Phát triển cộng đồng nông thôn (Hội Làm vườn Việt Nam), tất cả các chương trình Nhà nước và các tổ chức hỗ trợ phát triển biogas đến nay mới triển khai được khoảng vài ba vạn hầm, lọt thỏm so với gần 10 triệu hộ chăn nuôi.
Trước thực trạng báo động ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, các nhà quản lý và chuyên môn đều khẳng định hướng phát triển chăn nuôi lồng ghép với các mô hình kinh tế VAC, đồng thời ứng dụng công nghệ làm hầm khí biogas đang là giải pháp đa tiện ích, vừa khả thi trước mắt và bền vững lâu dài.