Sáng nay 26/4, tức mùng 10/3 Âm lịch, tại khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc huyện Phong Châu (Phú Thọ) sẽ tổ chức trọng thể lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ, mùng 10/3 Âm lịch.
Dù ai đi ngược về xuôi…
Giỗ tổ Vua Hùng đã trở thành một truyền thống được tổ chức hàng năm, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, biểu hiện nét đẹp trong phong cách, tâm hồn của người Việt Nam. Năm nay, lần đầu tiên Quốc hội thông qua việc cho phép người lao động được nghỉ làm việc vào ngày Quốc giỗ của dân tộc.
Mặc dù hôm qua, khu vực tỉnh Phú Thọ có mưa lớn và kéo dài, nhưng từ nhiều ngày trước dòng người ở mọi miền đất nước đã đổ về với lễ hội!
Tất cả ngả đường dẫn lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng đều xảy ra cảnh ùn tắc. điện thoại di động cũng không thể hoạt động được.
Rất nhiều du khách từ TPHCM và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là khách du lịch quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài cũng không quản ngại đường xa, đã kịp có mặt để chờ đón lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng được tiến hành long trọng tại đỉnh núi Nghĩa Lĩnh.
Thắp những nén hương thơm trước linh vị các vua Hùng, nghiêm trang nghĩ về công đức của tổ tiên, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ về công lao dựng nước của các vua Hùng và lời căn dặn của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Đó là câu ca khắc cốt ghi lòng đã truyền qua hàng ngàn đời của mỗi người dân Việt Nam, nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu Lạc Hồng nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên.
Nhiều người dân tâm sự: Sau một năm vất vả mưu sinh, cứ đến mùng 10/3 Âm lịch, con cháu từ mọi miền đất nước và kiều bào ta ở nước ngoài lại hướng về nguồn cội bằng việc tìm về Đền Hùng, nơi các vua Hùng mở nước, để dâng hương hoa, lễ vật lên tưởng niệm các Hùng Vương đã có công dựng nước và cầu mong cho quốc thái – dân an. Đồng thời, đây cũng là dịp để du khách và đồng bào được khám phá và thưởng ngoạn một vùng đất cổ đậm đặc truyền thuyết, lung linh sắc màu huyền thoại của thời Hùng Vương.
Ông Nguyễn Tiến Khôi, Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử Đền Hùng, hồ hởi: do năm nay, người lao động trong cả nước được nghỉ ngày giỗ Tổ, nên ngay từ hôm khai hội mùng 6/3 Âm lịch đến nay, đã có khoảng 22 vạn lượt du khách và đồng bào về trẩy hội Đền Hùng. Cảnh tượng đông vui, tấp nập hơn nhiều năm trước.
Nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ kiêm Trưởng ban Tổ chức lễ hội Đền Hùng, hoạt động hội năm nay được chuẩn bị khá đa dạng, hấp dẫn, diễn ra tại nhiều địa điểm, gồm khu vực Đền Hùng, TP Việt Trì và hàng chục làng phụ cận thuộc 2 huyện Lâm Thao và Phù Ninh.
Trong những ngày qua, phần hội đã có đánh trống đồng, múa sư tử và hát xoan do các diễn viên, nghệ nhân của xã Kim Đức (TP Việt Trì) thể hiện tại nhà Công Quán (thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng), giải bóng chuyền nam, bắn nỏ, cờ tướng, vật dân tộc.
Đặc biệt là các trò chơi kéo lửa nấu cơm thi, giã bánh dày, gói bánh chưng, “tứ dân chi nghiệp”, “bắt chạch trong chum”, múa lập tĩnh của người Dao, đâm đuống của người Mường… thu hút rất nhiều du khách.
Ngoài ra, từ sáng qua, đã có trình diễn trang phục Việt Nam theo dòng lịch sử, hội chợ Hùng Vương 2007, triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề, trưng bày tư liệu về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Lễ hội bơi chải truyền thống năm 2007 tại ngã ba Bạch Hạc (TP Việt Trì) và Hội thi giã bánh dày, gói bánh chưng tại Đền Hùng vào sáng qua, đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Toàn bộ bánh chưng, bánh dày của hội thi sẽ là sản vật kính dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương vào sáng nay, sau đó sẽ chia lộc cho khách hành hương.
Đặc biệt, chiếc bánh chưng cung tiến lễ giỗ Tổ với trọng lượng nặng kỷ lục 2,6 tấn và chiếc bánh dày nặng 1,2 tấn cùng một loạt đặc sản của miền Nam như măng cụt, chôm chôm, bòn bon, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi… đã được chở đến Đền Hùng vào sáng sớm qua. Đây là 2 chiếc bánh do Công viên văn hóa Đầm Sen thực hiện để dâng lên các vua Hùng nhân ngày giỗ Tổ.
Chiều qua, Bảo tàng Hùng Vương cũng đã bắt đầu mở cửa với gần 700 trong số 4.000 hiện vật liên quan đến các thời đại Hùng Vương được trưng bày. 9 giờ tối qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại trung tâm TP Việt Trì, kéo dài trong 15 phút để chào mừng du khách về trẩy hội.