ThienNhien.Net – Trước thềm Hội nghị quốc tế chuyên đề về hổ, các chuyên gia đã bày tỏ những ý kiến nhiều chiều về vấn đề bảo tồn hổ hiện nay. Thương mại hoá hổ nuôi hay áp dụng lệnh cấm, câu hỏi đó đang đặt ra không chỉ đối với Trung Quốc. Dưới đây, ThienNhien.Net xin giới thiệu quan điểm của Barun Mitra, Giám đốc Viện Liberty (Ấn Độ) để bạn đọc cùng tham khảo.
Cuộc gặp gỡ của các nhà bảo tồn hổ quốc tế tại Kathmandu đã được dự báo là sẽ diễn ra trong một bầu không khí nặng nề. Số lượng hổ hoang dã trên thế giới chưa bao giờ thấp hơn lúc này – khoảng 2.000 – 3.000 con, có lẽ chỉ bằng một nửa so với vài năm trước.
Cuộc tranh cãi về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và chất lượng môi trường chưa bao giờ nóng lên tới vậy. Bảo tồn và thương mại có thể hòa hợp? Nhu cầu tiêu dùng các bộ phận của hổ có phải là một hiệu lệnh bắt buộc đối với sự tuyệt chủng của loài hổ trong thế giới hoang dã? Cuộc gặp gỡ là cơ hội để tiến hành một lần nữa việc đánh giá nghiêm túc các chiến lược bảo tồn những con hổ đang còn lại. Điều thú vị là trong Hội nghị chuyên đề này, lần đầu tiên đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc tham gia vào các cuộc thảo luận, gợi mở cho những suy đoán xa hơn về vấn đề bảo tồn hổ hiện nay.
Qua ba thập kỷ bảo tồn hổ, thương mại và bảo tồn vẫn luôn đối chọi với nhau. Trọng tâm cơ bản của chiến lược bảo tồn hiện nay đang chống lại tất cả các hình thức tiêu thụ, săn bắn hổ và buôn bán các sản phẩm từ hồ. Công tác kiểm soát đã thiết lập nền móng cho các cảnh sát trong lĩnh vực bảo tồn.
Vì thế, tồn tại một nghịch lý là những nguồn động vật hoang dã có giá trị cao được đặt bên ngoài nguyên lý động lực thị trường và một nhóm người nghèo nhất trên thế giới đang sống ngay gần với những nguồn tài nguyên này mà không hề có một sự khuyến khích nào để bảo tồn và quản lý bền vững.
Khi có nhu cầu tiêu dùng trên thị trường, một chính sách bắt buộc như đã nêu trên lại trở thành lời gợi ý cho những tên tội phạm và dân buôn lậu thu lợi từ săn bắn hổ trái phép. Do đó, nạn săn bắt trộm tạo ra mối đe dọa lớn với những con hổ hoang dã. Bên cạnh đó, khoảng 75% các bộ phận hổ bị nghi là bất hợp pháp thu giữ ở Trung Quốc khi được chuyển tới phòng giám định thì phát hiện là giả. Rõ ràng là khi thương mại bị đặt ngoài vòng pháp luật thì chỉ còn cách phá luật trong thương mại.
Tuy nhiên, hổ là tài nguyên có thể tái tạo. Chúng sinh sản dễ dàng trong môi trường nuôi nhốt. Thực tế, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc gần như đã hoàn thiện cách thức quản lý và chăn nuôi một đàn hổ số lượng lớn, ước tính hiện nay đã lên tới 5.000 cá thể. Đưa những con hổ này vào thị trường để đáp ứng nhu cầu về hổ, bằng cách hợp pháp hóa thương mại, có thể khiến cho săn bắn trộm không còn hấp dẫn về mặt kinh tế nữa.
Có nhiều ví dụ về những loài đang phát triển nhờ vào nguyên tắc thị trường. Ngay khi chính sách bảo tồn hổ đã cấm thương mại trong thập niên 70 của thế kỷ trước thì chăn nuôi cá sấu lại được củng cố. Ngày nay, Ấn Độ đang tiếp tục chính sách của nước này trong việc giữ cá sấu bên ngoài phạm vi thương mại. Dù vậy, loài này vẫn trở thành một thương phẩm thành công trên thị trường ở bất kì nơi đâu. Ước tính có khoảng hai triệu con cá sấu thu hoạch hàng năm ở Australia, Nam Phi và Mỹ. Tuy nhiên, hầu như không có bằng chứng về việc cá sấu bị săn bắt trộm ở Ấn Độ hay nơi nào đó do nhu cầu thị trường.
Lý do rất đơn giản: Khi một nhãn hiệu quốc tế cần một lượng lớn da cá sấu với giá cả cạnh tranh, sẽ không có lý do gì để họ tìm kiếm một tên săn trộm trong khi có thể mua được từ một người chăn nuôi hợp pháp.
Hơn thế, ước tính rằng các hoạt động kinh tế ở Mỹ trong phạm vi môi trường, bao gồm từ di cư tự nhiên và xem chim tới đánh cá và săn bắt, tạo ra nguồn thu trên 100 tỷ đôla Mỹ mỗi năm. Những loài đại miêu như hổ, sư tử, báo có thể góp phần làm biến chuyển tình hình đời sống của một bộ phận cư dân nghèo nhất ở các nước nghèo.
Hầu hết các nước giàu có phương Tây có thể khôi phục và cải thiện chất lượng môi trường cùng với phát triển kinh tế. Trung Quốc dường như đã sẵn sàng để hưởng lợi từ “cổ phần môi trường”.
Hơn thế, áp lực lên môi trường sống tự nhiên của những người bị bần cùng hóa tạo ra nguy cơ lớn nhất đe dọa đa dạng sinh học và loài hổ, hơn gấp nhiều lần săn bắt. Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây được quy bằng việc vài trăm triệu người dân ở nông thôn phải dời khỏi bản xứ. Tại một số vùng nông thôn xa xôi, dân số nhiều ngôi làng đang giảm đáng kể. Điều này giúp làm giảm áp lực lên tài nguyên thiên nhiên như đất, rừng và các thuỷ vực.
Trung Quốc đã xác lập một vài khu vực như vậy, nơi sinh sống ban đầu của loài hổ Nam Hoa – một trong số những phụ loài hổ nguy cấp – để tiến hành những thử nghiệm táo bạo trong việc tái hoà nhập tự nhiên cho chúng.
Rõ ràng là khi những hình thức kinh tế thay thế tăng lên thì áp lực của con người lên rừng và đời sống hoang dã giảm xuống. Điều này cùng với các điều kiện chăn nuôi phù hợp đã đáp ứng nhu cầu về các bộ phận của hổ, đột ngột làm thay đổi tình trạng hiện tại và đảm bảo tương lai của loài hổ trong thế giới hoang dã. Bảo tồn hổ đem lại cơ hội tạo ra một phương diện hợp tác mới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Ấn Độ đã gặp phải nhiều khó khăn khi đưa những con hổ vào nuôi nhốt. Năm ngoái, khoảng nửa tá hổ đã chết trong vườn thú Delhi. Trong năm 2000, một tá chết không rõ nguyên nhân ở vườn thú Nandankanan trong vòng hơn một tuần. Ở Trung Quốc, những người chăn nuôi đã tìm cách nuôi dưỡng hàng trăm con vật trong phạm vi gần mà không để xảy ra một sự cố lớn nào.
Về mặt nhân sự, Ấn Độ đã có một đội ngũ thông thạo, với những người có kinh nghiệm quản lý rừng và nơi sinh sống của loài hổ. Những người này đã đóng góp vào một quỹ năng lực cố định để giúp Trung Quốc khôi phục và thành lập lại những nơi ở cho hổ. Sau cùng, bảo tồn động vật hoang dã, không hề là một gánh nặng với ngân sách nhà nước, mà còn trở thành một đóng góp quan trọng với nền kinh tế quốc dân.
Lựa chọn đối với các đoàn đại biểu ở Kathmandu không phải là quá khó khăn. Nên chăng dung hoà sức mạnh của thương mại vì lợi ích của bảo tồn? Hay là tiếp tục quy tội cho thương mại? Loài hổ đang đứng ở ngã ba đường, nhưng tương lại của chúng lại tuỳ thuộc vào lựa chọn của chúng ta giữa hai vấn đề.