ThienNhien.Net – Hội nghị thượng đỉnh về các khu bảo tồn biển do IUCN tổ chức đã đưa ra chiến lược ngăn chặn những mối đe doạ đang gia tăng ở các đại dương trên thế giới.
Hội nghị thượng đỉnh về các khu bảo tồn biển diễn ra từ ngày 10-12/04/2007 tại Washington DC, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban quốc tế về các khu bảo tồn của IUCN (Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới). Mục tiêu của Hội nghị là tập trung các chuyên gia hàng đầu về biển nhằm phát triển các kế hoạch mang tính chiến lược và bảo vệ đại dương khỏi các áp lực ngày càng tăng nhanh như biến đổi khí hậu, axít hoá đại dương và đánh bắt quá mức.
Trong buổi kết thúc của Hội nghị, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về biển đã tuyên bố: Các đại dương của trái đất đang bị tàn phá với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với hoạt động bảo tồn. Vùng biển khơi – khu vực nằm ngoài tầm kiểm soát của mỗi quốc gia – đang bị đe doạ nghiêm trọng, toàn bộ hệ sinh thái trong vùng biển khơi đang bị tàn phá và biến mất trước khi được quan tâm bảo vệ. Để cứu đại dương, cần có sự can thiệp sâu hơn nữa của các cấp chính phủ, các doanh nghiệp và toàn cộng đồng nhằm gấp rút tăng các khu bảo tồn biển và nhanh chóng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá hoạt động bảo tồn chống lại sự biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng đề ra phương án giải quyết “có sự liên kết chặt chẽ giữa các khu bảo tồn, xuyên suốt qua các hành lang biển” để bảo vệ tốt hơn nữa các nguồn tài nguyên biển. Nhờ đó, các sinh vật biển có thể di trú và phục hồi qua các hành lang này nếu nhiệt độ và môi trường biển thay đổi. Tính đến nay, chỉ có khoảng 1% toàn bộ diện tích đại dương được bảo vệ so với hơn 12% diện tích bề mặt đất liền.
Hội nghị mong muốn có sự nỗ lực tham gia của các cấp chính quyền nhằm thiết lập mạng lưới bảo tồn biển vào năm 2012, và ít nhất 10% diện tích các vùng biển khơi được bảo vệ khi các thoả thuận bắt buộc mang tính pháp lý này được chấp thuận. Ông Dan Laffoley, Phó giám đốc Ủy ban quốc tế về các khu bảo tồn của IUCN cũng nhấn mạnh: “Với tốc độ tiến triển như hiện nay thì những mục tiêu đề ra sẽ khó có thể thực hiện được”.
Để bảo vệ đại dương chống lại các tác động tiêu cực từ sự biến đổi khí hậu, cần ngăn cản các yếu tố như ô nhiễm môi trường và đánh bắt quá mức ở ngoài khu vực của các hệ sinh thái biển như rạn san hô ngầm – một nguồn thu nhập và nguồn thực phẩm chủ yếu của hàng triệu người trên toàn thế giới.
Theo ông Carl Gustaf Lundin, Trưởng ban Chương trình bảo vệ biển và đại dương toàn cầu của IUCN, khí hậu biến đổi làm nhiệt độ nước và hàm lượng axit trong nước biển tăng lên. Đây là nguyên nhân chính khiến cho san hô bị tẩy trắng, bị ăn mòn và mất khả năng hình thành khung xương. Tuy nhiên nếu không bị nhiễm trầm tích, không bị huỷ hoại bởi các hoạt động đánh bắt, san hô vẫn có thể thích nghi và sống sót.
Quản lý môi trường biển một cách hiệu quả hơn nữa mới có thể cứu loài người thoát khỏi sự biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng. Hiện nay, đại dương là những chiếc bể chứa cacbon lớn nhất thế giới, mỗi năm hấp thụ khoảng 50% hàm lượng CO2 trong khí quyển. Tuy nhiên, sự giải phóng ngược CO2 liên tục vào khí quyển cùng với việc quản lý môi trường biển yếu kém có thể biến đại dương từ bể chứa thành một nguồn cung cấp cacbon, giải phóng một lượng rất lớn cacbon vào tầng khí quyển, làm gia tăng sự biến đổi khí hậu.