Dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu, sáng 24/4, đại diện lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên & Môi trường 6 tỉnh trong lưu vực, các bộ ngành TW, các nhà khoa học đã thảo luận, đóng góp ý kiến cho “Đề án Tổng thể bảo vệ lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy” do Hà Nội chủ trì soạn thảo.
Cả 6 tỉnh đã nhất trí đưa ra một chương trình phối hợp hành động triển khai xây dựng đề án như sau:
1. Thống nhất và tiếp thu các ý kiến đóng góp, sớm hoàn thành đề án trình Chính phủ nội dung cơ bản của dự thảo do UBND Hà Nôi chủ trì xây dựng bao gồm: đánh giá tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, đánh giá hiện trạng và dự báo tình hình ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy; các quan điểm và nguyên tắc chỉ đạo và định hướng cơ bản của Đề án; các mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Đề án để đạt được mục tiêu: Hạn chế, giảm thiểu việc gây ô nhiễm vào lưu vực; từng bước xử lý, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường, tạo hệ thống dòng chảy ổn định, các công trình thủy lợi an toàn, thiết lập mô hình quản lý môi trường lưu vực phù hợp; duy trì cân bằng nước phục vụ có hiệu quả các nhu cầu kinh tế – xã hội bảo vệ môi trường, sinh thái và cảnh quan trên toàn lưu vực với mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.
2. Thống nhất xây dựng hành lang pháp lý, hệ thống cơ chế, xây dựng các quy chế phối hợp, chính sách phù hợp đặc thù cho lưu vực sông, trong đó tập trung xây dựng các cơ chế thu hút đầu tư. Căn cứ các định hướng của Đề án tổng thể để xây dựng các quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm, xây dựng các dự án cụ thể để theo lộ trình nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.
3. Thống nhất về nguyên tắc huy động các nguồn lực đầu tư triển khai thực hiện đề án: Huy động mọi nguồn lực của địa phương trên toàn khu vực kết hợp với sự đầu tư hỗ trợ thỏa đáng của Trung ương trên cơ sở đầu tư của Trung ương và từng địa phuơng thực hiện vốn đối ứng, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường trên lưu vực; vận động, thu hút các nguồn đầu tư, tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Nguồn ngân sách TW hỗ trợ nguồn vốn để giải quyết một số vấn đề bức xúc và nhiệm vụ trọng tâm trước mắt hoặc hạng mục chưa phân định rõ giữa các ngành, các địa phương.
Yêu cầu các doanh nghiệp có nghĩa vụ, trách nhiệm góp phần hình thành nguồn vốn để xử lý môi trường và đổi mới công nghệ theo hướng các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ môi trường lưu vực.
4. Thống nhất đề xuất bộ máy điều hành triển khai thực hiện Đề án: Trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy (gọi tắt là ủy ban sông Nhuệ – sông Đáy) làm nhiệm vụ chỉ đạo và điều phối tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ- sông Đáy sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. ủy ban sông Nhuệ, sông Đáy do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng ban kiêm Chủ tịch ủy ban, các Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố làm phó Ban và các Bộ, ngành TW tham gia.
5.Thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy do UBND thành phố Hà Nội đề xuất.
Để thực hiện kế hoạch trên, UBND 6 tỉnh thống nhất thành lập tổ công tác liên tỉnh để xây dựng, hoàn thành Để án bao gồm đại diện Sở TN&MT của các tỉnh do Giám đốc Sở TN – MT&NĐ Hà Nội làm tổ trưởng.
6. Một số kiến nghiệp với Thủ tướng và các cơ quan TƯ: Cho phép hình thành một Chương trình hỗ trợ ưu tiên hoặc đưa vào Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – sông Đáy. Chương trình sẽ gồm một số dự án trong Đề án tổng thể nhằm giải quyết các vấn đề vượt quá khả năng của tỉnh hoặc nhiệm vụ liên ngành, liên tỉnh.
Việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải theo NĐ 67/CP của Chính phủ cũng như các loại phí bảo vệ môi trường khác khi Chính phủ quy định, đề nghị cho các tỉnh trong lưu vực được phép giữ lại toàn bộ 100% phí thu được để thực hiện các nội dung liên quan trong Đề án và các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực.
Dành ưu tiên việc sử dụng Quỹ bảo vệ môi trường quốc gia cũng như các hình thức tín dụng ngân hàng ưu tiên khác và các dự án hợp tác quốc tế từ nguồn vốn ODA cho việc triển khai thực hiện Đề án.
Đề nghị Bộ TN&MT và các Bộ, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh trên lưu vực để hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý Nhà nước của các Bộ, ngành, hướng dẫn xây dựng các quy hoạch, kế họach, dự án cụ thể triển khai thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.