Hóa chất bảo vệ thực vật và sức khoẻ con người (Kỳ I)

ThienNhien.Net – Tại các nước đang phát triển, việc lạm dụng hoá chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) trong sản xuất nông nghiệp hiện là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, phần lớn người nông dân tại các nước này chưa nhận biết đầy đủ về các loại hoá chất này cũng như nguy cơ do chúng gây ra.

Ngay từ khi mới được sản xuất, HCBVTV đã mang tính độc hại. Trong số những loại HCBVTV hiệu nghiệm nhất, thuốc diệt côn trùng tác động vào hệ thần kinh của côn trùng. Điều đáng nói là hệ thần kinh của côn trùng và động vật có vú về cơ bản là giống nhau, khiến cho con người rất dễ bị tác động bởi các chất hoá học có nguy cơ gây chết người này.

Trong cả hai nhóm sinh vật, các thông điệp được truyền qua các tế bào thần kinh thông qua các xung điện. Khi các xung điện chạm vào đầu tế bào thần kinh, một tác nhân truyền tin hoá học kích hoạt tế bào tiếp theo trong chuỗi. Mỗi tác nhân truyền tin được giải phóng ra có thể bị phát hiện bởi tế bào nhận khi các enzyme tồn tại, điều này phá huỷ và loại bỏ các tác nhân truyền tin còn lại từ các dấu hiệu trước. Một tác nhân truyền tin quan trọng là acetylcholine bị phá huỷ bởi enzyme acetylcholinesterase. Hai nhóm HCBVTV chính là lân hữu cơ (organophosphates) và carbamates ngăn chặn acetycholinesterase (gọi là chất kháng cholinesterase). Acetylcholine tích luỹ trong khớp thần kinh và gây ra sự “tắc nghẽn” thông tin, cản trở các thông điệp có thể di chuyển tự do giữa các tế bào thần kinh. Tuỳ thuộc vào liều dùng, các tác động có thể nhỏ hoặc ở mức cao nhất gây tử vong.

 
Quá trình acetylcholine truyền tin giữa các tế bào thần kinh
bị phá vỡ bởi các loại thuốc trừ sâu ức chế với cholinesterase.
 

Các chất kháng cholinestera ngăn cản hệ thần kinh hoạt động đúng nhịp. Điều này có thể ảnh hưởng đến thần kinh trên não, nơi thực hiện chức năng giải phóng và kiểm soát hoạt động của các hoóc môn. Do hoóc môn đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển của con người và trong sinh sản, nên sự “rối loạn nội tiết” như vậy có thể đặc biệt nguy hiểm đến phôi thai hoặc đến trẻ em.

Hai nhóm HCBVTV chủ yếu khác là clo hữu cơ (organochlorines) và pyrethroid cũng tấn công vào hệ thần kinh, nhưng các chất hoá học này không phải là những chất kháng cholinesterase. Chúng tác động chủ yếu vào các tế bào thần kinh riêng lẻ và can thiệp vào quá trình truyền tin theo suốt chiều dài. 

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 3 triệu ca nhiễm độc nghiêm trọng liên quan đến HCBVTV, gây ra 220.000 ca tử vong. Trong đó, 99% trường hợp xảy ra ở các nước đang phát triển, cho dù những nước này chỉ chiếm 20% lượng tiêu dùng HCBVTV. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Năm 1990, một thống kê quý của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy có khoảng 25 triệu lao động trong ngành nông nghiệp bị nhiễm độc HCBVTV mỗi năm. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có những con số ước tính trên phạm vi toàn cầu, nhưng hiện có đến 1,3 tỷ lao động trong ngành nông nghiệp và có thể hàng triệu ca nhiễm độc HCBVTV vẫn đang xảy ra hàng năm.

• Năm 2000, Bộ y tế Braxin ước tính trong một năm nước này có 300.000 ca nhiễm độc và 5.000 ca tử vong do HCBVTV.
 
• Trong một nghiên cứu ở Inđônêxia, 21% trong số các ca liên quan đến HCBVTV có những dấu hiệu hay triệu chứng về tâm thần, hô hấp và tiêu hoá.

• Trong một cuộc khảo sát của Liên hợp quốc, 88% nông dân Campuchia sử dụng HCBVTV đã từng có triệu chứng nhiễm độc.

HCBVTV clo hữu cơ thường có khả năng chống lại sự thoái hoá, do đó chúng có thể tồn tại lâu dài trong môi trường. Chúng có thể tích tụ trong mô mỡ của động vật và tích tụ dần qua chuỗi thức ăn. Vì thế, có thể thấy những tác động nguy hại của chúng ở những mắt xích cao nhất của chuỗi thức ăn, như các loài chim săn mồi hay con người. Đây là lý do chủ yếu tại sao việc sử dụng loại HCBVTV này càng ngày càng bị ngăn cấm, đặc biệt là ở các nước công nghiệp hoá.

Quá trình nhiễm độc rất khó tránh vì điều kiện ở một số nước khiến cho việc mặc quần áo bảo hộ hay đeo mặt nạ là không thể thực hiện được. Trong những tình huống như vậy, việc thay quần áo sau khi phun HCBVTV có thể giảm thiểu các rủi ro. Một nghiên cứu của Inđônêxia cho thấy, việc giặt quần áo ngay sau khi phun HCBVTV loại bỏ một lượng đáng kể (96-97%) những tồn dư của thuốc.

Nguy cơ từ việc phát tán ra môi trường

Hầu hết các nghiên cứu về những ảnh hưởng của HCBVTV đến sức khoẻ mới chỉ xem xét ảnh hưởng trên khía cạnh nghề nghiệp và tương đối ít đề cập tới những hiểm hoạ về sức khoẻ đối với cộng đồng. Ở vùng nông thôn El Salvador, một lượng chất chuyển hoá HCBVTV lân hữu cơ đã được tìm thấy trong nước tiểu của 30% những chủ thể không tham gia vào hoạt động nông nghiệp. Do đó, việc phát tán qua môi trường cũng như theo con đường nghề nghiệp là một nguyên nhân gây ra các mối lo ngại cho sức khoẻ cộng đồng, mặc dù rất khó để chỉ ra mối liên hệ giữa các căn bệnh và sự phát tán ấy.

Những tác động phi nghề nghiệp của HCBVTV có thể ảnh hưởng tới sức khoẻ con người theo rất nhiều cách, ví dụ như các hoá chất lơ lửng trong không khí khi phun thuốc hay tồn tại trong các loại thực phẩm, nước, đất, quần áo hay sữa mẹ… Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nhóm HCBVTV clo hữu cơ  đã được phát hiện 25 năm sau khi bị ngừng sử dụng ở những trẻ sơ sinh. Do đó, chúng có thể ra những vấn đề lâu dài về sức khoẻ cộng đồng.

Những nguy cơ liên quan đến chế độ ăn uống

Khi HCBVTV được sử dụng với nồng độ lớn và với mức độ thường xuyên hay vào thời điểm gần thu hoạch, lượng thuốc tồn dư rất cao trong các sản phẩm thu được. Người tiêu dùng do đó cũng có nguy cơ bị nhiễm độc cao.

 

 Rau quả tại Campuchia thường được phun các loại HCBVTV đã bị cấm sử dụng để tăng lượng thu hoạch

Nước uống cũng có thể bị ô nhiễm, dù đó là ô nhiễm trực tiếp từ hệ thống đường cấp nước hay do sử dụng chung thùng chứa và vận chuyển nước uống với HCBVTV. Một nguy cơ lớn, đặc biệt ở các nước đang phát triển, là các bữa ăn kiêng với lượng protein thấp có thể làm tăng độ mẫn cảm của con người với những tác động của một loại HCBVTC nào đó.


Các chất phá vỡ tuyến nội tiết

Các hoóc môn xteoit, như hoóc môn nữ (oestrogens), hoóc môn nam (androgens, chẳng hạn như testosterone) và hoóc môn giới tính duy trì thai (progesterone) đặc biệt quan trọng đối với việc quy định giới tính ban đầu, sự phát triển của bào thai cũng như sự thu nhận và duy trì những đặc tính về giới thứ hai ở người trưởng thành. Do đó, việc đảm bảo cho các hoóc môn này thực hiện đúng chức năng là hết sức quan trọng để quá trình sinh sản diễn ra thành công.

Các chất hoá học, bao gồm nhiều loại HCBVTV, có cấu trúc tương tự như các loại hoóc môn này có thể can thiệp vào chức năng của các chất nói trên và dẫn tới những bất thường trong phát triển và sinh sản. Ảnh hưởng của các chất gây rối loạn nội tiết bao gồm: giảm khả năng sinh sản, rối loạn chức năng tuyến giáp, giảm tính nam ở đàn ông, giảm tính nữ và nam tính hoá ở phụ nữ.

Cơ chế hoạt động:

1. Liên kết và hoạt hoá các chất tiếp nhận hoóc môn. Ví dụ, các chất hoá học oestrogen như DDT có thể tạo ra những phản ứng tương tự trong một tế bào như những oestrogen tự nhiên. Mặc dù thường yếu hơn oestrogen tự nhiên nhưng ảnh hưởng của các chất hoá học khác có thể được tích luỹ.
2. Liên kết và khử hoạt tính của các chất tiếp nhận hoóc môn, từ đó ngăn không cho các hoóc môn tự nhiên liên kết với nhau.

3. Làm giảm tỉ lệ chuyển hóa các hoóc môn, do đó ảnh hưởng đến sự phong phú của các hoóc môn này. Người ta thấy rằng các HCBVTV clo hữu cơ, ví dụ như DDT và endosulfan, có ảnh hưởng đến những vị trí mà do đó làm phá hủy các hoóc môn buồng trứng giới tính nữ, tạo ra các chất chuyển hoá liên quan đến bệnh ung thư vú ở mức độ cao hơn.

4. Làm giảm tỉ lệ sản sinh ra hoóc môn.

5. Ảnh hưởng đến số lượng tế bào của các chất tiếp nhận hoóc môn.

Nhiễm các chất gây rối loạn nội tiết là điều đặc biệt nguy hiểm đối với bào thai và trẻ nhỏ, do các hệ cơ quan đang phát triển rất nhạy cảm với các hoóc môn. Những ảnh hưởng gây ra ở động vật bao gồm: rối loạn hành vi giới tính, dị tật trong cấu trúc đường sinh sản (gồm chứng giới tính chéo, thiếu tinh trùng và tỉ lệ lệch lạc giới tính). Người ta đã quan sát những ảnh hưởng này ở động vật thí nghiệm. 

Cũng như các hoóc môn sinh sản, các hệ thống nội tiết khác cũng chịu ảnh hưởng của HCBVTV. Ví dụ, các hoóc môn sinh ra từ tuyến giáp chịu trách nhiệm đối với sự trao đổi chất và sự phát triển bình thường của não bộ cũng bị ảnh hưởng bởi một vài loại HCBVTV.

POPs và Công ước Stockholm

POPs (Các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) là một nhóm hoá chất có cấu trúc và hoá tính cho phép chúng tồn tại lâu dài trong môi trường, do đó gây ra những nguy cơ đối với môi trường và sức khoẻ con người. POPs có thể phân huỷ trong mỡ (bao gồm cả mỡ người và mỡ động vật), do đó có thể tích luỹ và mở rộng sinh học (tập trung cao hơn ở những tầng trên của chuỗi thức ăn). POPs là các chất cực độc và có liên quan đến việc nhiễm độc hệ thống thần kinh, hệ thống miễn dịch, tạo ra các chất gây ung thư và gây ra các rối loạn về hoóc môn và sinh sản.

Phản ánh các mối đe doạ này, cộng đồng quốc tế dưới sự hướng dẫn của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) đã đề xuất Công ước Stockholm nhằm hướng dẫn cách sử dụng, sản xuất và thải các POPs. Mười hai chất hoá học có tên trong danh sách của UNEP gồm 9 loại HCBVTV trong danh sách ban đầu (aldrin, chlordane, endrin, dieldrin, heptachlor, DDT, toxaphene, mirex và hexachlorobenzene) cùng với PCBs (Polychlorinated Biphenyl) và các phụ phẩm công nghiệp là dioxin và furan. Phần lớn trong số 12 loại hoá chất này đều bị cấm ngay lập tức. Ngay khi ra đời, Công ước này được ký bởi 151 quốc gia, trong đó có 25 nước đã phê chuẩn. Công ước Stockholm sẽ đi vào hiệu lực sau khi đã được phê chuẩn lần thứ 50. (Xem tại http:// www.pops.int)

(Còn nữa)


Nguồn: Trích báo cáo “What’s Your Poison? Health Threats Posed by Pesticides in Developing Countries”, 2003 của Quỹ công lý môi trường (EJF) tóm tắt các nguy cơ về sức khỏe do tiếp xúc với thuốc trừ sâu, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Thông tin trong bản báo cáo được tổng hợp từ trên 50 quốc gia và các phát hiện chủ yếu ở các nước châu Á, châu Mỹ La Tinh và châu Phi, Trung Đông, nơi thuốc trừ sâu đang gây ra những mối đe doạ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng.