ThienNhien.Net -Việc gây nuôi các loài Động vật hoang dã (ĐVHD) nguy cấp hoặc được bảo vệ, làm giảm đáng kể hiệu quả việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ ĐVHD. Việc làm này đồng thời cũng khiến cho sự phân biệt các cá thể được gây nuôi hợp pháp với các cá thể có nguồn gốc bất hợp pháp cũng như các sản phẩm của chúng trong các vụ buôn bán, trở nên khó khăn hơn.
Một trong những ví dụ điển hình của vấn đề này là việc gây nuôi hổ ở Trung Quốc. Trung Quốc hiện có hàng ngàn cá thể hổ đang bị nuôi nhốt. Các chủ trang trại hổ đang thúc giục chính phủ hợp pháp hoá việc buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ trang trại gây nuôi. Tuy nhiên, mặc dù hiện nay số lượng hổ được nuôi nhốt lên tới hàng cá thể, nhưng các trang trại hổ không thể đáp ứng được nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ hổ của khách hàng. Đặc biệt nếu quản lý không chặt sẽ dẫn đến hiện tượng các đối tượng khai thác và buôn bán hổ có nguồn gốc tự nhiên. Việc phân biệt các sản phẩm từ hổ có nguồn gốc hợp pháp và bất hợp pháp được tiêu thụ trên thị trường sẽ gặp khó khăn. Nếu chính phủ Trung Quốc đồng ý hợp pháp hoá việc buôn bán hổ, tình trạng buôn bán hổ sẽ gia tăng, đẩy nhanh con đường tuyệt chủng của loài hổ trong tự nhiên.
Những vấn đề bất cập trong quản lý, kiểm tra và theo dõi các trang trại đăng kí gây nuôi
Hiện nay, pháp luật cho phép các trang trại đăng ký gây nuôi Động vật hoang dã (ĐVHD) và giao trách nhiệm quản lý, theo dõi các trang trại này cho các cơ quan chức năng cấp tỉnh. Chính vì vậy, một số người gây nuôi ĐVHD đã lợi dụng sơ hở này để vi phạm. Hai hành vi vi phạm điển hình các quy định về quản lý các trang trại gây nuôi là mua ĐVHD có nguồn gốc từ tự nhiên rồi khai báo rằng chúng được nuôi nhốt hợp pháp trong các trang trại và bổ sung số lượng động vật nuôi nhốt bằng ĐVHD khai thác từ tự nhiên.
Để bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp trong tự nhiên, cần phải có các biện pháp cứng rắn để ngăn chặn các hành vi săn bắt và buôn bán ĐVHD trái phép. Việc không xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật, sẽ tạo ra tiền lệ xấu, gây khó khăn cho các cơ quan chức trách trong việc thực thi pháp luật sau này.
Ví dụ điển hình là việc nuôi nhốt gấu ở Việt Nam. Mặc dù pháp luật đã quy định các chủ trang trại phải đăng ký gắn chíp cho các cá thể gấu và nghiêm cấm mọi hành vi khai thác mật nhưng rất nhiều trang trại lớn tiếp tục bán mật khai thác từ những cá thể gấu đã được gắn chíp.
Nếu được quản lý và kiểm soát tốt, chúng ta vẫn có thể tiến hành gây nuôi một số loài ĐVHD dựa trên các đặc điểm sinh học và các tiêu chí sinh thái của chúng. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa các loài được gây nuôi và không được gây nuôi, đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi khai thác ĐVHD được bảo vệ vì mục đích thương mại. Hơn nữa, các cơ quan chức năng phải giám sát chặt chẽ hoạt động gây nuôi của các trang trại, và xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm.