Một nhà nghiên cứu thuộc trường đại học Stony Brook (Niu Oóc) đã phát hiện ra rằng, việc thả trở lại biển những con cá nhỏ, chưa trưởng thành có thể tác động tiêu cực tới kích thước của thế hệ cá tương lai.
Ông David Conover – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học biển thuộc Trường đại học Stony Brook cho biết, việc chỉ tập trung đánh bắt nhóm kích thước lớn nhất của một loài gây ra sự thay đổi về quá trình tiến hoá theo chiều hướng kích thước cá ngày càng nhỏ hơn.
Ông Conover cho rằng, những con cá có kích thước đủ nhỏ để thoát qua mắt lưới có thể chính là những cá thể có tốc độ lớn chậm hơn so với các anh chị em của nó do cùng một bố mẹ sinh ra. Sau khi những con cá lớn nhất của loài đó bị đánh bắt, các con cá thoát ra ngoài sẽ cho ra đời thế hệ tiếp theo có kích thước ngày càng nhỏ hơn.
Kể từ năm 1998, ông Conover đã thí nghiệm đối với loài cá Menidia menidia (Atlantic silverside), một loài cá bản địa sống ở vùng ven biển từ Nova Scotia đến Frorida. Những con cá khai thác có chiều dài tối đa khoảng 4 inch (10cm), có vòng đời kéo dài 1 năm. Ông nuôi cá trong phòng thí nghiệm trong 10 năm, trải qua 10 thế hệ. Ở nhóm thí nghiệm thứ nhất, mỗi năm, ông loại ra những con cá lớn nhất và chỉ để lại những con nhỏ hơn để nuôi. Ở nhóm thứ hai, ông tách bớt cá một cách ngẫu nhiên. Còn ở nhóm thứ 3, ông loại đi những con cá nhỏ nhất.
Sau 10 năm, cá trong nhóm thứ nhất chỉ còn chiều dài trung bình đến 2 inch (5cm), tức là bằng khoảng một nửa kích thước của thế hệ cá đầu tiên.
Ông phát biểu: “Chúng ta đã từng nghĩ rằng, quá trình tiến hoá diễn ra trong phạm vi 1000-2000 năm. Nhưng hiện nay, do chúng ta đánh bắt cá quá triệt để, không để lại đất sống cho chúng thì quá trình này cũng có thể diễn ra nhanh hơn nhiều”.
Nghiên cứu của ông Conover không phải là tín hiệu tốt đẹp cho triển vọng phục hồi nguồn lợi thủy sản toàn cầu đã và đang ngày một cạn kiệt. Ông nhấn mạnh, các loài cá đang bị khai thác quá mức và đã thay đổi về đặc tính di truyền, ít có khả năng để phục hồi tới kích thước trước đây, ngay cả khi lệnh cấm khai thác tạm thời được đưa ra.
Nghiên cứu của ông đã thu hút được sự quan tâm của nhiều người từ năm 2002, khi kết quả nghiên cứu sơ bộ đã lần đầu tiên được đăng trên một tạp chí khoa học.
Ông Andrew Rosenberg, một giáo sư của Viện Nghiên cứu Trái đất, Đại dương và Vũ trụ thuộc Trường đại học New Hampshire cho biết, những gì mà ông Conover phát hiện có thể có tác động về lâu dài tới ngành thủy sản toàn cầu. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy những thay đổi về di truyền liên quan đến hoạt động khai thác.
Ông Conover đề xuất một giải pháp là không nên hạn chế khai thác cỡ cá nhỏ nhất mà hạn chế khai thác cả cá lớn nhất và nhỏ nhất, nhờ vậy một số cá cỡ lớn nhất cũng có thể tham gia quá trình nhân giống.
Ông Jim Bohnsack, một nhà nghiên cứu về sinh vật học thuộc Cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa kỳ (NOAA) nói rằng, nghiên cứu của Conover cũng giống với những nghiên cứu về kích thước cá ngày một giảm tương ứng với sự mở rộng các đội tàu khai thác. Ông nhấn mạnh rằng, cá hồi đỏ, loài có thể nặng tới 60 pao vào những năm 1940 hiện nay chỉ đạt kích cỡ bằng một nửa. Tương tự, cá tuyết Đại Tây Dương, loài trước đây từng dài khoảng 3 foot (0,9m) giờ đây chỉ còn khoảng 2 foot (0,6m).