ThienNhien.Net – Chiều ngày 19/04/2007, tại Hà Nội, Cục bảo vệ Môi Trường (VEPA) phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) đã tổ chức trình chiếu bộ phim “Đa dạng sinh học và công tác quản lý tại Vườn Quốc Gia Xuân Thuỷ”, đồng thời giới thiệu các sản phẩm truyền thông của dự án bảo tồn đa dạng sinh học nơi đây.
Với thời lượng 25 phút, bộ phim tư liệu được trình chiếu đã đem lại một cái nhìn toàn cảnh về đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước Xuân Thuỷ (Nam Định), đồng thời nêu bật tính cấp thiết của việc bảo vệ và quản lý Vườn quốc gia (VQG) này.
Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thuỷ là khu Ramsar đầu tiên được công nhận ở Việt Nam và Đông Nam Á vào năm 1989. Năm 2003, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thuỷ chuyển thành VQG Xuân Thủy.
VQG Xuân Thuỷ tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước cửa sông ven biển đồng bằng châu thổ sông Hồng với 8 sinh cảnh chính. Hệ động thực vật tại đây khá phong phú với 105 loài thực vật bậc cao có mạch; trên 200 loài chim trong đó có trên 100 loài chim di trú và 50 loài chim nước, đặc biệt có nhiều loài được ghi vào Sách Đỏ thế giới như cò thìa mặt đen (Platalea minor), mòng bể (Larusichthyatetus), rẽ mỏ thìa (Tringa orchropus), cò trắng bắc (Egrettaeulophotes)… Tại đây có gần 500 loài thuỷ sinh trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cua bể, tôm he, cá tráp…; có khoảng 10 loại thú trên cạn (dơi, chuột, cày, cáo …..) và 3 loài quý hiếm dưới nước là rái cá (Lutra lutra), cá heo (Lipotes veritiper), cá đầu ông sư (Neophocaera phocaenoides). Không những có giá trị cao về mặt đa dạng sinh học, toàn bộ sinh cảnh với rừng, nước, chim, cây xanh… này còn thu hút rất nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây thưởng lãm.
Tuy nhiên, trong nhiều năm trước đây, người dân vùng Giao Thuỷ chưa nhận rõ vai trò và ý nghĩa của việc bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá tại khu vực này. Vì thế hoạt động săn bắt các loài động vật quý hiếm vẫn diễn ra và đe doạ tới đa dạng sinh học của cả khu vực. Tháng 11/2006, MCD phối hợp với một số các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn đất ngập nước, trong đó có Trung tâm Nghiên cứu Hệ sinh thái rừng ngập mặn tiến hành dự án bảo tồn đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước, trong đó có chương trình tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển sinh kế mới cho người dân. Kết quả là người dân đã thay đổi nhận thức, tham gia vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học và ổn định kinh tế dựa vào việc nuôi trồng ngao, làm du lịch sinh thái…
Thành công bước đầu của dự án sẽ mở ra nhiều hướng đi mới trong công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước nói riêng, cũng như các VQG và khu bảo tồn thiên nhiên khác trong cả nước.