Mỹ đã đề xuất lên WTO việc cắt giảm trợ cấp khai thác thuỷ sản trên phạm vi toàn cầu, vì lo ngại rằng trợ cấp khai thác sẽ dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, gây nguy hiểm cho hệ sinh thái và tạo ra quan hệ thương mại không bình đẳng.
Đề xuất này cũng đề cập đến trợ cấp trong đóng, sửa tàu khai thác và các chi phí liên quan đến những tàu thuyền hoạt động không hiệu quả phải nằm bờ.
Các hoạt động đánh bắt cá con để làm thức ăn cho nuôi thuỷ sản và thu hoạch cá tự nhiên để chế biến thức ăn chăn nuôi cũng cần bị cấm.
Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã kêu gọi WTO cắt giảm trợ cấp khai thác toàn cầu nhằm giảm tình trạng khai thác trái phép, không khai báo và không kiểm soát (IUU).
Đề xuất của Mỹ cũng yêu cầu các nước thành viên WTO xây dựng các tiêu chí quản lý nghề cá liên quan đến các vấn đề mà các nước đang phát triển sẽ đối mặt. Các quy trình đảm bảo việc cung cấp thông tin quản lý nghề cá nhanh nhạy thay cho những thủ tục báo cáo rườm rà trước đây sẽ được khuyến khích phát triển.
Hiện nay, mức trợ cấp trong nghề khai thác toàn cầu ước tính khoảng 10-15 tỷ USD mỗi năm hoặc tương đương với 20-25% trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản 50-60 tỷ USD mỗi năm.
Mỹ đang đàm phán với Achentina, Ôtxtrâylia, Chilê, Êcuađo, Nui Dilân, Pêru và nhiều nước khác để thúc đẩy các hiệp định nghề cá quốc tế mạnh hơn. Các nguyên tắc trợ cấp nghề cá chặt chẽ là một yếu tố cần thiết đối với các chương trình quản lý nghề cá vững mạnh nhằm đảm bảo nguồn lợi tự nhiên phát triển bền vững trong tương lai.
Đề xuất của USTR vẫn cho phép chính phủ các nước trao trợ cấp để nâng cao an toàn cho tàu thuyền, hỗ trợ chương trình mua lại tàu để phá bỏ và phát triển nguồn lợi biển một cách bền vững.
Việc cắt giảm này sẽ không liên quan đến việc chuyển đổi nghề khai thác hoặc không áp dụng cho các nước chỉ có các chương trình trợ cấp khai thác nhỏ.
Hiện nay, EU và Nhật Bản là các nước có trợ cấp khai thác lớn nhất thế giới.