ThienNhien.Net – Lúa và hoa màu là những nguồn lương thực, thực phẩm chủ yếu trong đời sống hàng ngày của chúng ta và chúng khó có thể phát triển tốt nếu thiếu thuốc bảo vệ thực vật (TBVTV). Tuy nhiên, ít người nông dân Việt Nam biết rằng TBVTV là một trong những nhóm nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc và càng ít người có thói quen bảo vệ mình trước các loại hoá chất độc hại này.
Phun càng nhiều, sâu bệnh càng chết nhanh hơn
Ngay những ngày đầu tháng tư, anh Nguyễn Hoàng Việt (thôn Trường Sinh, xã Đăng Quang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) phải gác lại mọi việc để lên Hà Nội chăm sóc cho người vợ bị nhiễm độc thuốc trừ sâu. Ngày 02/04, vợ anh, chị Trần Thị Thơ phun thuốc tưới hoa hồng, sau đó, chị thấy mệt, khó thở và đến buổi chiều thì mê man. Sau hai ngày điều trị tại bệnh viện huyện, chị được chuyển lên Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai.
Chị Thơ không phải là trường hợp nặng duy nhất nhiễm độc TBVTV (thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột, thuốc diệt nấm, thuốc diệt cỏ….) tại đây. BS. Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc, cho biết trong những năm qua, tỷ lệ người nhập viện do nhiễm độc TBVTV không giảm. Phần lớn bệnh nhân nhập viện đều ở trong tình trạng nguy kịch như co giật, hôn mê, chảy máu, loét đường tiêu hóa… Đồng thời, tỷ lệ tử vong do nhiễm độc TBVTV cũng không có dấu hiệu giảm do ngày càng có nhiều loại thuốc mới rất độc hại như thuốc trừ cỏ Paraquad, thuốc trừ sâu Nereistoxin.
Bệnh nhân Trần Thị Thơ chưa biết ngày ra viện? (Ảnh: Thúy Bình) |
Theo ThS. Vương Trường Giang, Giám đốc Trung tâm kiểm định TBVTV phía Bắc, hiện có 400 hoạt chất với trên 1.000 tên thương mại được phép lưu hành trên thị trường TBVTV ở nước ta. Phần lớn TBVTV được kiểm tra chất lượng chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến thành phẩm. Tuy nhiên, vẫn có một lượng TBVTV nhập lậu nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Lượng thuốc nhập lậu này phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc và nhanh chóng được đưa đến tay người nông dân nhờ giá rẻ và có độc tính cao. Khi chúng tôi hỏi anh Việt về tên thuốc trừ sâu và xuất xứ của loại thuốc khiến vợ anh phải vào viện, anh Việt chỉ cười và nói: “Tôi không biết. Khi xuất hiện sâu bệnh, tôi ra hiệu thuốc và hỏi có loại thuốc diệt sâu bệnh đó. Cứ loại thuốc nào rẻ và tiêu diệt nhanh là tôi mua”.
Việc không quan tâm thuốc trừ sâu có nằm trong danh mục TBVTV được phép lưu hành hay không cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc khá phổ biến trong nông dân nước ta. Khi chúng tôi tìm đến xã Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội), nằm ngay cạnh Viện Bảo vệ Thực vật, những người nông dân ở đây đều sử dụng TBVTV theo cảm tính. Bà Đỗ Thị Huân, ở xóm 15, xã Cổ Nhuế cho biết: “Tôi mua thuốc về cứ phun thôi, không cần hướng dẫn vì đã bao năm làm ruộng rồi. Cứ thấy còn sâu bệnh thì tôi phun vì phun càng nhiều, sâu bệnh càng chết nhanh hơn”.
Theo TS. Nguyễn Thị Nhung, Phó chủ nhiệm bộ môn Thuốc, Cỏ dại và Môi trường, Viện Bảo vệ thực vật, trình độ sử dụng TBVTV của người dân còn rất hạn chế. Dù đã được tuyên truyền về “Bốn đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều và đúng cách), nhưng đa phần người nông dân không thực hiện bởi họ muốn giảm tối đa tổn thất và nhanh chóng bán ra thị trường để thu lãi. Khi dùng thuốc có độc tính cao và phun quá liều lượng thì sâu bệnh sẽ chết nhiều hơn và sản phẩm thu hoạch cũng sẽ nhiều hơn.
Việc thực hiện không theo “Bốn đúng” cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người nông dân. Theo nghiên cứu về y học nông nghiệp đăng trên Tạp chí Độc học trên thực nghiệm và người (Mỹ) năm 2007, những người vừa mới tiếp xúc hay đã tiếp xúc lâu dài với TBVTV đều bị nhiễm độc. Vào những ngày xuất hiện sâu bệnh, nông dân thường liên tục phun thuốc, có những ngày phun từ 16 đến 20 bình. Nhiều người trong số họ bị mẩn ngứa, chóng mặt, đau đầu và thậm chí phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm đến việc bảo vệ bản thân khỏi sự độc hại của TBVTV. Anh Màu Tiến Khoa, xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Tây, cho biết: “Khi phun tôi thường đeo khẩu trang chứ nhiều người quê tôi còn không đeo gì. Nếu sợ độc thì trước khi phun tôi uống một ấm chè thật đặc và rửa tay bằng nước vôi là yên tâm.”
BS. Nguyên khẳng định: Các hóa chất trong TBVTV có loại gây độc đến một bộ phận trong cơ thể người, có những loại gây độc đến nhiều bộ phận, trước mắt có thể gây bệnh trực tiếp lên người tiếp xúc, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến bào thai hay gây ung thư… Những biện pháp như uống nước chè hay rửa tay bằng nước vôi không tiêu diệt hết các chất độc có trong TBVTV.
53,88% mẫu có dư lượng TBVTV
Lượng TBVTV được phun quá mức cho phép sẽ thấm vào thực vật và làm tăng dư lượng các loại hoá chất này. Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong hai đợt kiểm tra lấy mẫu tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, có 53,88% mẫu có dư lượng TBVTV, tuy không mẫu nào có dư lượng vượt quá mức tối đa cho phép. TS. Nhung cho biết: “Trong một nghiên cứu về việc kiểm soát dư lượng TBVTV trong rau an toàn năm 2003, tôi thấy hiện trạng nông dân tăng nồng độ lên 1,5 – 3 lần khi sâu không chết là phổ biến. Đây là một nguyên nhân quan trọng làm tăng dư lượng thuốc trong sản phẩm rau”.
Dư lượng thuốc này không mất đi hoàn toàn khi người tiêu dùng ngâm, rửa sạch rau hay thậm chí sục khí ôzôn. Việc ngâm rửa sạch và sục khí ôzôn chỉ làm giảm dư lượng đối với một số thuốc tiếp xúc (chất có hại ở bề ngoài rau) mà không làm giảm dư lượng các thuốc lưu dẫn (chất có hại ở trong rau).
Việc phun nhiều lần liên tục cùng một loại thuốc còn làm tăng dư lượng thuốc tích lũy cao hơn nhiều so với thuốc mới, đồng thời sẽ tiêu diệt “thiên địch” (các sinh vật, vi sinh vật có ích, có khả năng tự nhiên chống lại sâu bệnh). Khi các “thiên địch” bị tiêu diệt, sâu bệnh xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học của địa phương và gây ra những dịch bệnh mới.
Ngoài ra, TBVTV còn ảnh hưởng xấu đến môi trường sống của con người. Hiện nay, sau khi dùng xong, người nông dân thường vứt vỏ chai thuốc bừa bãi ở bờ ruộng hay bờ rào. Bà Huân nói: “Tôi dùng thuốc trừ sâu đến đâu là hết đến đây. Hết thuốc thì tôi để ngay bờ ruộng chứ mang về nhà làm gì”. Anh Khoa cho biết thêm: “Tôi chỉ gom lại và để ở bờ rào chứ không biết để đâu”. Như vậy, lượng hóa chất còn lại trong chai, lọ sẽ thất thoát ra ngoài và phân tán trong môi trường. Một nghiên cứu cho thấy “85% – 90% số lượng thuốc trừ dịch hại trong nông nghiệp không bao giờ đạt mục tiêu và phân tán trong không khí, đất đai, nước và vào cơ thể động vật, con người ở gần”.
Như vậy, để có thể bảo vệ bản thân và người tiêu dùng, người nông dân cần thực hiện nghiêm chỉnh “Bốn đúng”, thường xuyên cập nhật thông tin về các loại TBVTV cũng như chỉ sử dụng các loại thuốc được Nhà nước cho phép lưu hành.
“Bốn đúng” là các tiêu chuẩn được đặt ra khi sử dụng TBVTV nhằm đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, đảm bảo an toàn vệ sinh nông sản, bảo vệ môi sinh và sức khỏe.
1. Đúng thuốc: tuỳ theo đối tượng gây hại mà chọn thuốc phù hợp. Không dùng thuốc nhóm này để trừ đối tượng hại của nhóm kia, không dùng thuốc trừ sâu để trừ bệnh hại… 2. Đúng lúc: Phun thuốc quá sớm, khi sâu bệnh mới xuất hiện sẽ gây lãng phí, song nếu phun thuốc quá muộn thì việc phun không còn tác dụng nữa. Để phun thuốc đúng lúc, cần điều tra theo dõi thời điểm xuất hiện, chiều hướng phát triển của sâu bệnh, đặc điểm thời tiết, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng… 3. Đúng liều: Thực hiện đúng yêu cầu về liều lượng sử dụng đối với từng loại thuốc. Trên bao bì các loại thuốc luôn ghi rõ liều lượng và nồng độ cụ thể. Nếu dùng loãng quá, hiệu lực thuốc sẽ kém, gây khả năng kháng thuốc và quen thuốc; ngược lại nếu dùng đặc quá sẽ lãng phí thuốc, gây độc hại cho người sử dụng và ô nhiễm môi trường. 4. Đúng cách: Các loại thuốc và dạng thuốc (dạng bột, sữa, hạt…) có cách sử dụng khác nhau (phun, xông hơi hay rắc trực tiếp vào đất…). Khi phun, chỉ phun đủ ướt cây, phun đúng vào nơi cư trú của sâu bệnh. Với các loại thuốc đặc dụng, chỉ sử dụng thuốc sau khi điều tra, dự báo và biết chắc mật độ sâu bệnh vượt ngưỡng cho phép. Cần luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc, đảm bảo thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng. |