Cách trung tâm TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) chưa đầy 3 km có một bãi rác khổng lồ, với lượng rác thải hàng chục tấn mỗi ngày. Mặc dù môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhưng đã có gần 60 hộ gia đình từ các nơi kéo về “định cư” và làm nghề thu gom phế liệu ngay trên bãi rác này. Cũng từ đó, nơi đây hình thành “xóm” bãi rác…
Sống trong biển rác
Những lần đến “xóm” bãi rác, chúng tôi không thể nào chịu nổi cái mùi tanh tưởi, hôi thối xộc thẳng vào mũi, cùng với đám ruồi nhặng bay quanh người. Thế nhưng, hàng chục cái lều tạm bợ kiểu “ổ chuột” được che chắn bằng cao su, bao nylon vẫn mọc lên trên cái nền toàn bằng rác đó. Ở đây có hơn 200 con người cả già lẫn trẻ, cả nam lẫn nữ, hàng ngày vẫn ăn, nghỉ và sinh hoạt trong những cái lều như vậy.
Anh Trần Đại Đồng, tuy mới 30 tuổi nhưng đã sống ở bãi rác này hơn 10 năm nay. Do không có đất sản xuất nên anh đã rời bỏ quê hương ở xã Vĩnh Phước, huyện Gò Quao lên đây thu gom phế liệu kiếm sống. “Khi chúng tôi mới tới đây bãi rác còn nhỏ lắm, người kiếm sống ở đây cũng ít nữa. Vậy mà bây giờ người ta kéo đến đông quá trời, có tới sáu, bảy chục hộ gia đình rồi…” – anh Đồng nói.
Những người đến trước như gia đình anh Đồng thì may mắn cất được cái lều ở ngay chân bãi rác nên thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt. Còn những người đến sau phải lên trên những đống rác cao hàng mét tìm chỗ nền cứng cất lều ở. Những cái lều như vậy chỉ rộng có vài mét vuông, đủ để kê một cái giường, một góc nấu ăn và một lối đi, thế nhưng có từ 4 đến 5 người cùng sinh hoạt. Cá biệt, có những gia đình mới đến sau này do không tìm được chỗ dựng lều, nên phải ở chung với gia đình đến trước. Khi mưa thì cả bãi rác rộng lớn biến thành một bãi sình lầy lội, khi nắng thì mùi hôi tanh bốc lên hết sức ngột ngạt. Có lẽ do sống lâu ngày trong môi trường này nên tất cả những thứ khí từ bãi rác đã thấm vào da thịt, vì vậy mà những người dân ở đây hầu như không còn cảm giác khó chịu nữa.
Nhưng, khổ nhất vẫn là chuyện thiếu nước sinh hoạt. Hàng ngày, các hộ gia đình phải đi xin từng thùng nước, nhưng cũng chỉ là nước giếng khoan của một hộ gia đình khác ở ngay dưới chân bãi rác. Chị Thị Xuân, quê ở thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, đến đây từ năm 1997, cho biết: “Sinh hoạt ở đây khổ lắm, nhiều lúc không có nước để rửa mặt. Còn cái mùi rất khó chịu, lúc mới đến tôi bị chóng mặt, nhức đầu và ói liên tục, nhưng sống riết rồi cũng phải quen…”.
Mưu sinh trên rác
Công việc của những người sống ở “xóm” bãi rác chủ yếu làm vào ban đêm, bắt đầu từ 8 giờ tối cho đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Đây là thời điểm những chiếc xe tới đổ rác. Trung bình mỗi ngày có 18 chiếc xe, mỗi chiếc chở hàng tấn rác thải đến đổ rồi lại đi. Mỗi khi có chiếc xe nào tới, cả mấy chục người ùa ra, trên tay ai cũng có cần xé, cây móc. Họ nhặt nhạnh tất cả những gì có thể bán được như bọc, đồ nhựa, đồ kim loại… rồi đem phân loại, chất đống chờ người đến thu mua.
Mặc dù thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại như vậy, song ý thức tự bảo vệ mình của họ còn rất hạn chế. Mỗi người chỉ “trang bị” cho mình một đôi giày ống, còn ai cẩn thận hơn thì tìm những đôi găng tay là rác thải y tế để mang khi bươi nhặt rác. Có nhiều người bị kim tiêm và các vật nhọn đâm nhưng giải pháp duy nhất là nặn hết máu và lấy vỏ chanh chà xát lên vết thương. Cũng có một vài trường hợp bị xe đổ rác và xe ủi va quẹt phải đưa đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên hàng ngày họ vẫn chấp nhận đối mặt với những rủi ro, nguy hiểm như vậy.
Thế nhưng, những gì mà người thu gom phế liệu ở xóm bãi rác này thu được chỉ là số tiền nhỏ nhoi. Trung bình một ngày mỗi người làm được từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng, còn trẻ em thì thấp hơn. Với số tiền này, nhiều gia đình chỉ đủ chi cho những khoản sinh hoạt cơ bản trong ngày, chứ chưa nói đến tiền thuốc men mỗi khi ốm đau, bệnh tật. Rất nhiều người bị bệnh do làm việc và sinh hoạt lâu trong môi trường bị ô nhiễm nặng, nhưng không có tiền điều trị nên đành để bệnh kéo dài. Anh Trần Đại Đồng nói: “Vì không có tiền nên khi bị bệnh thì chúng tôi tự đoán bệnh, rồi ra ngoài hiệu thuốc mua thuốc uống. Khi bệnh nặng lắm mới đi bệnh viện”!
Sinh ra từ “xóm bãi rác”
Hiện nay, “xóm” bãi rác có gần 60 hộ gia đình từ các địa phương trong tỉnh Kiên Giang và các tỉnh lân cận đến thu gom phế liệu kiếm sống. Phần lớn những gia đình này thuộc diện nghèo, không có việc làm ổn định ở địa phương. Trong số hơn 80 trẻ em đang sinh sống ở đây, có rất nhiều em được cha mẹ sinh ra từ “xóm” bãi rác này. Cá biệt có những gia đình sinh tới 4, 5 đứa con, đứa trước cách đứa sau chỉ hơn một năm. Gần như tất cả những đứa trẻ được sinh ra từ “xóm” bãi rác đều không có giấy khai sinh, không được đến trường và không được hưởng các quyền cơ bản của trẻ em.
Anh Trần Đại Đồng là một trong những người đến bãi rác này sớm nhất. Gặp chị Nguyễn Thị Sen cùng cảnh ngộ, hai anh chị thương yêu nhau rồi xây dựng gia đình. Từ đó đến nay, chưa tới 9 năm, anh chị đã sinh 4 đứa con, đứa lớn nhất 8 tuổi, còn đứa nhỏ nhất 3 tuổi. Nhìn những đứa trẻ nheo nhóc, ốm yếu, đen nhèm vì thiếu ăn, thiếu mặc mà chúng tôi không khỏi ái ngại cho hoàn cảnh của anh chị và tương lai của chúng. Chị Sen cho biết: “Mấy đứa con tôi không đứa nào có giấy khai sinh, không đứa nào được đi học. Mới đây, có người cùng làm ở bãi rác kêu tụi tôi đưa tiền để họ làm giấy khai sinh giùm mấy đứa nhỏ, nhưng lừa vợ chồng tôi lấy 400 ngàn rồi bỏ đi mất. Tôi cũng mong mấy đứa con mình được học hành tử tế lắm chứ!”. Còn chị Thị Xuân, từ khi cùng chồng đến kiếm sống ở “xóm” bãi rác cũng đã sinh 2 đứa con. Hiện nay, cả hai đứa con của chị Xuân đều đang bị bệnh. Mới đây, chị đưa đứa con nhỏ 5 tháng tuổi đi khám bệnh, bác sĩ yêu cầu nhập viện gấp nhưng chị ẵm con trốn về, vì sợ không kiếm được tiền để lo cho các con. “Chồng tôi đi làm ngư phủ lâu lâu mới về. Nếu tôi nghỉ một ngày không làm thì lấy tiền đâu mua gạo cho mấy đứa nhỏ ăn…” – chị Xuân nghẹn ngào nói.
Khi trò chuyện với chúng tôi, những người dân “xóm” bãi rác này không phải ai cũng biết họ đang sống và mưu sinh trong môi trường hết sức độc hại, nguy hiểm. Mặc dù họ cũng biết công việc này cực nhọc, vất vả, nhưng do cuộc sống nên đành phải chấp nhận. Rất nhiều gia đình mong muốn được trở về quê ổn định cuộc sống, để con cái họ được chăm sóc sức khỏe, được học hành đến nơi đến chốn… Trong khi đó, một số người lại tìm đến để mưu sinh và những cái lều “ổ chuột” mới ở “xóm” bãi rác vẫn đang mọc lên…