UBND thành phố Hải Phòng đang có kế hoạch xử phạt rất nặng, thậm chí đóng cửa các cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện xử lý chất thải nguy hại. Không có con số thống kê chính thức, nhưng với hơn 100.000 cơ sở công nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động, chắc chắn lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh ở thành phố Hải Phòng hàng ngày cũng lên tới hàng nghìn tấn….
Hàng ngày, xí nghiệp giầy Hải Thất, công ty giầy Hải Phòng phát sinh gần 1 tấn chất thải da giày và một số lượng lớn các hộp đựng hoá chất độc hại. Tất cả được bán cho những người thu gom đồng nát hoặc đơn vị chưa có giấy phép.
Ông Nguyễn Văn Hợp, Phó giám đốc xí nghiệp giầy Hải Thất, công ty Giầy Hải Phòng cũng phát biểu tỏ ý bất lực: Ở Hải Phòng không có đơn vị nào có chức năng giải quyết việc này thì chúng tôi cũng không biết làm thế nào?
Tại cuộc hội thảo – tập huấn về quản lý chất thải công nghiệp do UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với Cục Bảo vệ môi trường và Cty Môi trường đô thị Hà Nội tổ chức, lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp mới biết đến những khái niệm hết sức sơ đẳng về xử lý chất thải công nghiệp như: đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại…
Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, chất thải nguy hại phải được quản lý từ lúc phát sinh đến khâu xử lý cuối cùng, và do đơn vị có đủ điều kiện xử lý. Nhưng, nhiều cơ sở sẵn sàng thuê người mang chất thải của mình ra khỏi hàng rào nhà máy và đổ bừa bãi ra nơi công cộng.
Về việc này, ông Nguyễn Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Hải Phòng nhấn mạnh: các cơ sở không chấp hành sẽ bị xử phạt và cho ngừng hoạt động.
Hiện tại, UBND thành phố Hải Phòng đang rà soát việc xử lý chất thải nguy hại ở tất cả các doanh nghiệp. Vào cuối năm nay, thành phố này sẽ phối hợp với công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị duy nhất ở miền Bắc có chức năng xử lý chất thải công nghiệp để xử lý chất thải nguy hại.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Tổng công ty Môi trường đô thị Hà Nội cũng cho biết sẽ nâng công xuất xử lý hoặc đầu tư nhà máy ngay tại Hải Phòng để giải quyết tình trạng này.
Thành phố Hải Phòng cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, Trung tâm xử lý chất thải nguy hại ngay tại địa bàn. Điều này sẽ khắc phục tình trạng chất thải công nghiệp được xả bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường trong nhiều năm qua.
Thành phố Hải Phòng đang có tốc độ tăng trưởng GDP cao gấp 1,5 lần bình quân cả nước. Nhưng đằng sau sự tăng trưởng này là vấn đề ô nhiễm môi trường công nghiệp với hàng loạt các khu dân cư trở thành điểm nóng môi trường. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường, việc huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế vào việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường có ý nghĩa quyết định.