Bom, thủy lôi trôi nổi trên biển từ Thế chiến 2, hóa chất độc hại ngấm vào hải sản, những vụ nổ bất ngờ của các loại vũ khí hoen gỉ đang đặt một nỗi đe dọa lớn trên biển Baltic trong vài năm tới. Đó là lời cảnh báo của một số chuyên viên về vấn đề môi trường, cần có sự ra tay giải quyết của các chính quyền trong khu vực.
Tại một cuộc hội thảo quốc tế về vũ khí còn sót trên biển Baltic tổ chức tại Berlin (Đức) mới đây, kỹ sư Marc Koch cho biết, các thiết bị đo lường động đất thường xuyên phát hiện những vụ nổ trên biển này. Ông còn nói các loại rác độc sẽ tràn vào khu vực bờ biển Đức với số lượng ngày càng tăng.
Nhà nghiên cứu môi trường Tengis Borisov người Nga còn cảnh báo: Biển Baltic đối diện một thảm họa “ngang tầm vụ tai nạn nổ nhà máy hạt nhân Chernobyl”. Ông nói các ngư dân, người cào biển và các thủy thủ của những chiếc tàu thủy đã và đang bị nguy hiểm và có thể sẽ phải dẫn đến việc chấm dứt hoạt động đánh cá trên biển này.
Rác độc lan tràn
Đa số các chuyên viên cho rằng mức độ đe dọa chỉ ở cấp thấp, nhưng cũng thừa nhận khó đánh giá hết mức độ nguy hiểm, do chưa có những cuộc nghiên cứu nghiêm túc. Họ còn nói nguy cơ do vũ khí hóa học cũng bị đánh giá thấp. Nhiều ngư dân và thủy thủ đã bị phỏng axít, bị tổn thương mắt nghiêm trọng và bị ung thư, do tiếp xúc với các loại “rác độc” hậu thế chiến này. Các chuyên viên cảnh báo: nếu các chất độc không bị phát hiện trong lưới cá, chúng có thể xâm nhập vào các loại hải sản.
Cựu chuyên viên phá bom Robert Zellerman của bang Hạ Saxoxy (Đức) nói đa số bom đã hoen gỉ vẫn trôi theo dòng nước nên khoảng 1/3 thềm lục địa biển Baltic nay “ngập” đạn dược cũ mòn. Ông khẳng định Mỹ từng thải rất nhiều tế bào gây tổn hại thần kinh Tabun vào biển Baltic, cụ thể là khoảng nửa triệu quả bom Tabun ở khu vực Skagerrak ở phía Bắc Baltic: “Tài liệu này chỉ cho thấy một số lượng tối thiểu, số lượng thật có thể phải lớn hơn rất nhiều. Chúng ta phải ngăn chặn chất này khỏi các bờ biển”.
Các quả bom được phát hiện ở những vùng biển cho thấy nỗi đe dọa đã bị đánh giá thấp. Gần đây một đoàn quay phim truyền hình ở khu vực Kiel Fjord (Đức) đã phát hiện 70 đầu đạn thủy lôi và mìn làm rò rỉ chất độc TNT xuống nước. Vào năm 2001, khoảng 20 quả thủy lôi và hơn 3.000 quả lựu đạn cũng được phát hiện ở Vịnh Flensburg.
Mối nguy hiểm tiềm ẩn
Hiện không rõ có bao nhiêu tai nạn từ nguồn rác đạn dược này. Chỉ mỗi Đan Mạch công bố các số liệu, cho biết trung bình mỗi năm có 20 người bị thương do “rác đạn” trên biển. Năm 2005, một quả mìn nổ giết chết 3 ngư dân Hà Lan trên chiếc tàu đánh cá của họ. Trong lãnh hải Đức và biển Baltic và biển Bắc, tai nạn do rác đạn xảy ra hàng năm. Nhiều bang Đức đều có số liệu về các tai nạn này, nhưng chúng không được công bố, theo “nguồn” của tờ báo Đức Spiegel.
Từ đó, bà Angelika Beer thuộc đảng Xanh (Đức) ở Nghị viện châu Âu, nói sự thiếu thông tin là “vô trách nhiệm” và các chính quyền không chú ý tới những mối nguy hiểm. Trong khi đó, ông Tapani Stipa của Viện Nghiên cứu biển Phần Lan nói ông không thấy nhiều đe dọa cho các khu vực ven biển Baltic, do nhiều chất độc mau hòa tan vào nước biển. Nhưng ông nhấn mạnh vấn đề không có nhiều nghiên cứu nghiêm túc để xử lý vấn nạn “rác độc” lan tràn này.
Sau Thế chiến 2, biển Baltic trở thành một “bãi rác” của vũ khí đạn dược dư thừa. Sau nhiều chục năm “ẩn mình” dưới nước, mìn cũ, bom và thủy lôi trở thành một nỗi đe dọa cho biển và người dân, các loài cá trong khu vực. Các ngư dân mỗi năm “lượm” được khoảng 3 tấn “rác độc” này mỗi năm, theo chuyên viên môi trường Stefan Nehring. Ông nói không có nhiều thông tin về vị trí của các nguồn rác đạn này, đa số bị thải xuống biển trong bối cảnh rối loạn hồi 62 năm trước. Cũng vì thế, các tổ phá mìn được trả tiền để thải nguồn “rác đạn” này không có ghi chép cụ thể, do họ chỉ muốn trở về cảng càng sớm càng tốt, để có thể “tranh thủ kiếm tiền” bằng cách vận chuyển thêm số lượng vũ khí đạn dược ra biển để thải bỏ! Sau đó, nhiều quả bom “ẩn mình” trong nước biển, rồi thủy triều và lưới cá kéo chúng đi xa hơn