Trong khi chiếc sừng tê giác trên thị trường đỏ đen được rao bán với giá cao hơn vàng để phục vụ cho “bản lĩnh đàn ông”, thì ở một cánh rừng phương Nam, những con tê giác VN cuối cùng đang kêu cứu. Một lần nữa, các nhà khoa học “sốt” lên vì loài thú đang được sách đỏ xếp bậc cực kỳ nguy cấp. Gần mười năm qua, không có con tê giác nào chào đời ở Việt Nam.
Đi tìm “thần dược”
Mỗi lần “lâm trận”, tê giác đực và cái “ân ái” 2-4 giờ. Nhờ ăn dược thảo quí trong rừng, chúng có sự dũng mãnh đáng bái phục ấy. Thứ thuốc kỳ diệu được chưng cất từ cơ thể tụ lại trên sừng. Vì vậy, sừng tê giác giúp các quí ông “khỏe” như tê giác húc…
Xung quanh loài thú hoang đã có mặt trên trái đất từ 60 triệu năm nay, dân gian thêu dệt bao câu chuyện đầy huyền bí như thế.
“160 lượng vàng. Không thêm không bớt”
Qua vài người trung gian, chúng tôi biết một tay chuyên săn đồ cổ. Sau khi trao đổi qua điện thoại, anh ta hứa sẽ cho chúng tôi sờ tận tay một chiếc sừng tê giác. Khá bất ngờ, điểm hẹn xem báu vật là một căn nhà lụp xụp tại xóm lao động nghèo ở Q. Bình Thạnh (TP.HCM). Sau gần cả giờ chờ đợi, một thanh niên tay xách giỏ len nữ xuất hiện. Anh ta tên Ác. Sau vài câu chào hỏi, Ác lôi một chiếc sừng từ túi ra. Sừng được bọc sơ sài trong chiếc áo sơmi cũ. Chiếc sừng màu vàng đậm, phía trên sừng có khối u lồi rất kỳ quặc, gốc sừng có những cụm lông tua tủa.
Như đọc được thắc mắc của chúng tôi, Ác giải thích: “Đây là sừng tê giác VN. Không giống sừng nhập lậu từ nước ngoài hiện có trên thị trường. Một người quen gửi tôi bán giùm. Nặng 450g. Giá 160 lượng vàng, tương đương 1,8 tỉ đồng, không thêm không bớt!”. Thấy khách vẫn còn há hốc mồm trước cái giá rất sốc như vậy, Ác tiếp: “Sừng này đã được giám định ở Viện Pasteur. Thật 100%. Sừng VN đắt hơn sừng châu Phi tí xíu. Cứ yên tâm. Ba tháng trước đã có người trả 120 lượng, tôi không bán”.
Tuy nhiên, khi được hỏi cách phân biệt sừng thật và sừng giả thì anh này ú ớ: “Cái này thì chịu! Nếu nó là giả thì em tội gì “hét” với anh chị giá 160 lượng cho khó bán. Nói vài chục hay vài trăm triệu là được rồi”. Ác đồng ý cho chụp ảnh chiếc sừng để tham khảo ý kiến gia đình. Tất nhiên là không được để thấy mặt người bán! Trong khi chúng tôi loay hoay với chiếc camera, anh ta “bật mí” thêm: “Thật tình sừng này do một già làng ở Đắc Lắc săn được. Trong chuyến công tác ở Tây nguyên, nghe kể về “báu vật”, bạn tôi tìm mua ngay”.
Chúng tôi tiếp tục vòng sang khu phố đông y ở Q.5 để cầu may, ghé một cửa hàng đông y. Không ngờ nghe hỏi sừng tê giác, bà chủ gật đầu cái rụp, chỉ vào dãy sừng khoảng 30 cái trong tủ kính. Các sừng đều không giống sừng mà Ác đã cho chúng tôi xem. Khi chúng tôi cho biết mua sừng tê giác để trị bệnh ung thư, bà xởi lởi hẳn: “Chưng trên đó là hàng giả, làm kiểng chơi cho vui. Trị ung thư là cái này nè”. Nói rồi bà mở hộc tủ, kéo ra một bịch nilông. Trong bịch có mấy mẩu sừng chẻ nhỏ màu trắng ngà. Một vài mẩu còn có lông cứng tua tủa trông như rễ gốc măng tre già. Được dịp, bà huyên thuyên kể về công dụng trị bá bệnh kỳ diệu của sừng tê. Cuối cùng, bà chốt giá: “30 triệu đồng/lạng”!
Tại một cửa hàng đông y khác trên đường Hải Thượng Lãn Ông, ông chủ lắc đầu khi biết chúng tôi tìm mua sừng tê giác trị ung thư dạ dày: “Hổng hết đâu. Sừng tê chỉ có tác dụng cường dương, thanh nhiệt thôi”. Ông còn nhiệt tình mời: “Nếu yếu cái khoản kia, tui bán cho một ít bột sừng. Chỉ cần một lạng là “lên mây” luôn. Tính theo giá vàng là 1,1 triệu đồng/chỉ. Không kiếm ra nguyên chiếc loại hàng quốc cấm này đâu. Nếu có thì người ta bịp đó!”.
Thấy mặt chúng tôi có vẻ chưa hiểu, ông giải thích: “Họ lấy sừng trâu tiện ra, ép lại bằng khuôn nhiệt. Vì vậy, nhìn sớ sừng giả dễ lầm với sừng thật. Thậm chí họ còn có kỹ thuật pha màu, nhìn như trong sừng còn những tia máu. Khác với sừng trâu bò, dưới gốc sừng tê có lớp lông. Do đặc điểm này, nhiều tay đại bịp còn dán lông giả bằng keo dán sắt! Khách mua về sử dụng thấy có tác dụng hạ nhiệt, tưởng là sừng tê giác thiệt. Nhưng không phải, sừng trâu bò cũng là vị thuốc có tác dụng tương tự”.
Bộ phận nào cũng quí?
Khi tiếp khách, nhiều “đại gia” ở Sài Gòn luôn có khúc sừng tê cùng bàn mài để bên cạnh chai rượu. Vừa mài sừng vừa uống rượu cũng là thú tiêu tiền cho cái khoản “bản lĩnh đàn ông” của nhiều vị giàu có theo kiểu “tiền nhiều quá tiêu không hết”.
Còn ở rừng, đem bạc tỉ ra uống là chuyện xa xỉ. Tuy nhiên, có một loại rượu mà mới nhìn thấy, tóc tai nhiều bợm nhậu ở thành phố phải dựng đứng. Chúng tôi từng phì cười khi nghe một người bạn quê Tây nguyên kể rằng dân quê anh rất “mê” món phân tê giác! Bất kể tươi hay khô, cứ gặp đống nào giống phân tê giác là hốt về. Lúc ướt còn thum thủm, nhưng đem về phơi khô, sao lên, ngâm rượu là thơm phức hết! Anh giải thích: khác với chất thải của trâu bò, “của hậu trường” tê giác “hoành tráng” hơn. Phân tê giác như xác trà, trong đó lẫn những mảnh lá cây chưa kịp tiêu hóa. Sự kỳ diệu nằm chính ở những cái lá này.
Tê giác rất khôn, có lẽ chúng ăn toàn lá thuốc nên phân chúng trị được chứng đau dạ dày, đau khớp, kể cả suy thận… Ngoài ra, lớp da dày như tấm khiên của loài thú hoang này còn hút được nọc rắn độc, chó cắn. Nhiều người kể: khi áp miếng da tê giác vào chỗ bị cắn, miếng da sẽ hít chặt như nam châm. Do đó, dân làng khi săn được tê giác thường mở tiệc ăn mừng. Dũng sĩ săn tê giác thường cắt chia cho mỗi bếp một miếng da để “lận lưng” khi đi rừng. Có người còn cho rằng máu tê giác hòa với rượu uống chữa được bệnh tiểu đường!…
Tất cả cũng chỉ là lời đồn. Cho đến nay, chưa có tài liệu khoa học nào công bố về giá trị thần dược chữa bá bệnh và cường dương của sừng cũng như các bộ phận khác của tê giác. Một số tài liệu ghi lại rằng đây là một thành phần trong phương thuốc trường thọ của y học Trung Hoa. Theo tài liệu của ông Gert Polet và thạc sĩ Trần Văn Mùi (1999): “Chỉ tê giác đực mới có sừng. Sừng tê giác mọc ngay trên mũi, được hình thành do các lông cứng kết lại với nhau.
Sừng là sản phẩm của da, không gắn liền với xương sọ”. Có người cho rằng chất tạo nên sừng tê giác cũng chỉ giống như chất tạo nên móng tay. Vì vậy, ngoài những công dụng giống như sừng của các loài khác, “thần dược” sừng tê giác chỉ là đồn thổi. Chính sự đồn thổi đã tạo nên một thị trường buôn bán các bộ phận tê giác siêu lợi nhuận. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy loài thú quí hiếm bậc nhất trên thế giới đến gần hơn bờ vực tuyệt chủng.
Còn hình ảnh chiếc sừng được cho là tê giác VN giá 1,8 tỉ đồng trên đã được chúng tôi gửi đến ông Phạm Hữu Khánh – phó giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên. Sau khi xem xét và tham khảo nhiều chuyên gia, ông Khánh khẳng định: “Lần đầu tiên tôi thấy một cái sừng tê giác kỳ quặc như vậy. Nhiều khả năng đây là sừng giả”!