ĐBSCL là một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, năng suất lúa ở những vùng thâm canh lúa 3 vụ hoặc có đê bao chống lũ có chiều hướng suy giảm. Những nghiên cứu gần đây nhất của các nhà khoa học cho thấy nguyên nhân chính là do đất bị bạc màu, suy thoái. Do đó, trong quá trình canh tác, cần phải thực hiện các biện pháp kỹ thuật để cải thiện độ phì nhiêu của đất, nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.
Mô hình canh tác lúa 3 vụ được đưa vào sản xuất ở ĐBSCL từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX và diện tích lúa 3 vụ ngày càng tăng nhanh, tập trung nhiều ở những vùng đất phù sa ven sông Tiền và sông Hậu. Một số vùng bị ngập lũ trước đây nay bị nông dân và địa phương làm bao đê để tăng vụ. Chính vì thế năng suất lúa ở một số vùng đất thâm canh có xu hướng giảm. Nguyên nhân là do sử dụng đất không hợp lý dẫn đến đất bị thoái hóa. Từ năm 1999, Bộ môn Khoa học Đất và Quản lý đất đai, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ đã hợp tác với các trường Đại học K.U. Leuven, Ghent của Bỉ, thực hiện đề tài nghiên cứu “Giảm thiểu những tính chất bất lợi của đất cho sản xuất lúa bền vững ở ĐBSCL”. Hiện nay, đề tài đang thực hiện giai đoạn 2 (từ năm 2002 đến 2008, nhằm khảo sát toàn diện và quản lý đất hợp lý cho ĐBSCL để bảo đảm sự phát triển bền vững.
Qua nghiên cứu, khảo sát những vùng thâm canh lúa ở huyện Vĩnh Ngươn, Vĩnh Mỹ, Châu Phú, Tịnh Biên (An Giang), huyện Cầu Kè (Trà Vinh), huyện Cai Lậy (Tiền Giang) và huyện Mộc Hóa (Long An), các nhà khoa học nhận định: đất ở những vùng này đang bị suy thoái, bạc màu dẫn đến năng suất lúa bị sụt giảm. Nguyên nhân là do canh tác lúa 3 vụ liên tục trong năm, đất bị ngập nước từ 8-10 tháng, dẫn đến giảm sự phân hủy chất hữu cơ, giảm khả năng cung cấp dưỡng chất từ đất, giảm hoạt động của vi sinh vật có lợi… Những diện tích canh tác lúa có đê bao ngăn lũ không còn phù sa bồi đắp nên độ phì nhiêu, màu mỡ của đất bị giảm đáng kể.
Các nhà khoa học đã tập trung điều tra nghiên cứu tính chất hóa, lý, sinh học của đất ở những vùng này để làm cơ sở khoa học khuyến cáo ngành nông nghiệp và nông dân quản lý và sử dụng đất một cách hợp lý, hiệu quả. Qua nghiên cứu về bạc màu vật lý của đất trên một số vùng thâm canh lúa, chị Nguyễn Minh Phượng, cán bộ Bộ môn Khoa học Đất và Quản lý đất đai, cho biết: “Có 2 loại hình bạc màu vật lý chính trên các vùng thâm canh lúa là sự nén dẽ và sự suy thoái cấu trúc của đất. Thâm canh lúa liên tục trong thời gian dài, gia tăng cơ giới hóa trong khâu chuẩn bị đất cùng với quá trình rửa trôi và tích tụ của các hạt sét xuống các tầng bên dưới tạo nên sự nén dẽ. Sự suy giảm chất hữu cơ và việc cày ướt sẽ khiến cấu trúc đất bị suy thoái”.
Một nghiên cứu khác về chất hữu cơ trong đất cho thấy, việc canh tác bất hợp lý dẫn đến chất lượng chất hữu cơ trong đất ngày càng suy giảm, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của cây trồng. Dù có bón phân hóa học, cây trồng vẫn lấy đi khoảng 50% đến 80% đạm từ đất. Do đó, cần phải tăng cường khả năng cung cấp đạm từ đất bằng các biện pháp: luân canh lúa với cây trồng cạn, bón phân hữu cơ cho đất, cần có thời gian để khô đất giữa 2 vụ lúa bằng cách phơi ải đất từ 2 đến 4 tuần… Tiến sĩ Nguyễn Mỹ Hoa, Phó Trưởng Bộ môn Khoa học đất và Quản lý đất đai, cho biết: “Việc luân canh lúa với cây trồng cạn, phơi đất giữa 2 vụ canh tác sẽ làm chất hữu cơ trong đất chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác theo hướng có lợi cho cây trồng sử dụng, làm tăng lượng đạm trong đất”.
Kết quả của một thí nghiệm trên ruộng của nông dân ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trong vụ thu đông 2005, cho thấy: mô hình trồng lúa 3 vụ cho năng suất khoảng 3,3 tấn/ha, trong khi năng suất lúa ở mô hình luân canh lúa – bắp – lúa đạt gần 4,1 tấn/ha, mô hình lúa – đậu xanh – lúa đạt trên 4,5 tấn/ha. Thí nghiệm trong vụ đông xuân 2006 ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng cho kết quả tương tự: mô hình thâm canh lúa chỉ đạt năng suất 2,9 tấn/ha, trong khi năng suất lúa ở mô hình luân canh lúa – bắp – lúa đạt 4,3 tấn/ha, mô hình lúa – đậu nành – lúa đạt 3,2 tấn/ha.
Tùy theo vùng sinh thái, năng suất lúa trong các mô hình luân canh tăng so với độc canh lúa từ 7-20% là một trong những điểm nổi trội của mô hình luân canh lúa màu so với độc canh lúa cả ở trong và ngoài vùng đê bao lũ. Mặt khác, luân canh lúa màu còn giúp cải thiện độ bền của cấu trúc đất cũng như tính chất hóa lý và sinh học của đất. Thạc sĩ Trịnh Thị Thu Trang, cán bộ Bộ môn Khoa học Đất và Quản lý đất đai, cho biết: “Các thí nghiệm trên được thực hiện ở những vùng đất thâm canh lúa quá độ, có khi lên đến 7 vụ/2 năm, dẫn đến nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt. Luân canh lúa màu cho thấy cải thiện rõ rệt được năng suất lúa. Do đó, nông dân cần phải thay đổi tập quán độc canh cây lúa trước khi đất bị cạn kiệt nguồn dinh dưỡng”.
Ngoài luân canh cây trồng, các nhà khoa học đề xuất một số biện pháp kỹ thuật khác để cải thiện và phục hồi độ phì nhiêu của đất. Đó là cải thiện chất hữu cơ trong đất bằng cách bón phân hữu cơ hoặc phân rơm đã được ủ cho hoai. Sử dụng các loài nấm và vi khuẩn phân hủy rơm trả lại dinh dưỡng cho đất. Tiến hành các biện pháp làm đất thích hợp: đối với canh tác rau màu nên làm ở ẩm độ thích hợp; đối với canh tác lúa nên sử dụng các loại máy cày nhỏ trong khâu chuẩn bị đất để hạn chế tác động nén dẽ trong điều kiện làm đất ướt. Những biện pháp này cũng đã được thực hiện mô hình thí nghiệm và cho kết quả khả quan.
Hiện nay, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu hiệu quả về mặt kinh tế của các mô hình luân canh nhằm đề xuất những giải pháp thích hợp để chuyển đổi độc canh lúa sang luân canh lúa màu ở những vùng thâm canh lúa nói trên. Những biện pháp kỹ thuật khác cũng đang được nghiên cứu để đưa ra kết luận hoàn chỉnh và chính xác. Từ đó, chuyển giao và phổ biến cho ngành nông nghiệp và nông dân ứng dụng rộng rãi.