Hàng trăm cây thông bị đốn hạ trơ gốc, hàng chục hố đào đãi thiếc nham nhở xé nát rừng phòng hộ ở Khu du lịch Thung lũng Tình Yêu (KDLTLTY). UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần chỉ đạo nghiêm cấm khai thác thiếc trái phép tại đây, nhưng tình trạng này vẫn liên tục diễn ra. Thậm chí nhiều hố đào thiếc chỉ cách chòi canh gác bãi thiếc của Cơ quan quân sự TP Đà Lạt (CQQSĐL) khoảng 20m!
Có bảo vệ, rừng vẫn tan hoang
Sáng 10/4, phóng viên có mặt tại khoảnh 117, tiểu khu (TK) 144B thuộc Ban quản lý rừng Lâm Viên – được giao cho KDLTLTY sử dụng. Bà Trần Thị Nhựa, Tiểu khu trưởng TK 144B bức xúc: “Tình trạng phá rừng ngày càng nghiêm trọng. Ngày 16.3.2007, KDLTLTY đã ký hợp đồng thuê CQQSĐL bảo vệ. Mặc dù có bộ đội canh giữ 24/24 nhưng không hiểu sao thiếc vẫn bị khai thác, rừng vẫn bị chặt hạ?”.
Bà Nhựa dẫn chúng tôi đến khu đào thiếc. Hơn 20 hầm khai thác thiếc được ngụy trang bằng lớp đất mỏng. Gạt lớp đất và bạt che, lộ ra những hầm thiếc sâu hut hút được cừ bằng cây thông tươi, có hầm còn nguyên trục quay, gàu, sô, ống nước, máy bơm… Theo bà Nhựa, đây là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng không thương tiếc. Thống kê sơ bộ có trên 400 cây thông bị chặt hạ. “Tôi nghĩ phải có tay trong tay ngoài thì bọn khai thác thiếc mới dám đào đãi thiếc sát cạnh chòi bảo vệ” – bà Nhựa khẳng định. Ông Hoàng Tiến Mạnh, người được CQQSĐL cử canh gác khu rừng phân trần: “Bọn khai thác thiếc hoạt động chủ yếu vào ban đêm, anh em ngủ trong chòi nên… không phát hiện và ngăn chặn được”.
Thung lũng Tình Yêu cách trung tâm TP Đà Lạt khoảng 6 km về hướng đông bắc, là một trong những thắng cảnh thơ mộng nhất của thành phố hoa. Nơi đây hội tụ cảnh trí bao la của sông nước và nét hùng vĩ của núi rừng, hồ nước trong vắt uốn lượn trải dài ôm lấy những quả đồi nối tiếp nhau. Vào những năm 30 thế kỷ trước, các cặp tình nhân người Pháp thường chọn khung cảnh lãng mạn ở đây cho những buổi hẹn hò và từ đó cái tên Valley d’Amour ra đời. Đến năm 1953, Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ đã đề xuất lấy tên Thung lũng Tình Yêu đặt cho thắng cảnh này. Hằng năm, Thung lũng Tình Yêu thu hút trên 400.000 lượt khách đến tham quan. |
Ngày 5/4, ông Trần Tưởng – Phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt cùng một số ban ngành vào kiểm tra việc san lấp hầm thiếc, phát hiện trước chòi canh gác của CQQSĐL có hàng chục bao “xái” thiếc. Thế nhưng lãnh đạo thành phố lại cho phép xử lý nội bộ (!). Sáng 10.4, tại lòng hồ Đa Thiện (đang xả nước để sửa chữa) hàng chục người đào và đãi thiếc công khai trước sự bất lực của bảo vệ khu du lịch. Khi phóng viên đến ghi hình, một số người bỏ chạy, một số khác hăm dọa, thách thức.
Lực lượng bảo vệ “bán” bãi?
Khó khăn lắm phóng viên mới tiếp cận được với D., một đàn em của “đầu nậu” khai thác thiếc lậu nổi tiếng tên Đức (thường trú tại phường 6, Đà Lạt). D. kể, trước đây muốn vào khai thác thiếc tại tiểu khu 144B phải chịu “ăn chia” 50/50, thời gian gần đây những người canh bãi ra giá 20 triệu đồng/hầm, nhưng chỉ được khai thác vào ban đêm. Bắt đầu khui hầm phải đưa trước 50% số tiền, đào tới quặng thiếc chung tiếp phần còn lại. D. kể tiếp, thời gian gần đây, khi thành phố chỉ đạo chở đất nạo vét hồ Đa Thiện vào lấp hố thiếc, để không bị lấp hầm thiếc mỗi ngày những người đào thiếc phải chi ra 5 triệu đồng cho đội xe. Khoảng 3-4 giờ chiều đoàn người khai thác thiếc đi bằng xe taxi từ Đà Lạt vào “cứ điểm” ở Đất Mới (phường 7), sau đó vác đồ nghề băng rừng vào bãi thiếc. Nhóm đào thiếc luôn cử người túc trực tại 2 cửa ngõ vào rừng, để kịp thời cảnh báo khi có đoàn kiểm tra đột xuất nhằm tẩu thoát. Quặng thiếc được vận chuyển bằng xe máy xuyên qua rừng, tập kết tại Đất Mới, sau đó thuê xe tải chở đi tiêu thụ. Sáng ngày 9.4, chiếc xe Suzuki biển số 49H – 809… (màu trắng) 2 lần vào Đất Mới chở khoảng 2 tấn quặng thiếc đi tiêu thụ theo ngã nghĩa trang Thánh Mẫu (phường 7).
Giá thiếc hiện nay từ 80-85 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm trước nên số người đào thiếc lậu ngày càng tăng. Ban giám đốc KDLTLTY thừa nhận: “6 tháng trước, khi đơn vị hợp đồng với lực lượng Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp canh giữ (7 triệu đồng/tháng) tình hình đào thiếc phá rừng chỉ diễn ra lén lút. Từ ngày CQQSĐL nhận bảo vệ (3 triệu đồng/tháng) thì tình trạng đào thiếc, phá rừng gia tăng đột biến. Chúng tôi đã có báo cáo gửi Thành ủy để xin ý kiến vì khi hợp đồng với CQQSĐL được sự đồng ý của UBND thành phố”. Thế nhưng khi PV đề nghị cung cấp bản báo cáo thì bị cơ quan này từ chối.
Những gì chúng tôi chứng kiến hoàn toàn khác với lời ông Phó chủ tịch thành phố khẳng định: các hầm thiếc đã được san bằng, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa!