ThienNhien.Net – Các nhà khoa học đang tiến hành nghiên cứu một loại muỗi không mang kí sinh trùng sốt rét. Đây là một bước tiến nhằm ngăn chặn loại dịch bệnh này lan tràn và cướp đi hàng triệu sinh mạng trên toàn thế giới.
Theo báo cáo khoa học của Hội nghị Khoa học Quốc gia (Mỹ), khi được nuôi bằng chuột đã nhiễm bệnh sốt rét, loại muỗi không mang kí sinh trùng sốt rét có tỷ lệ sống sót cao hơn loại muỗi thông thường (không kháng bệnh sốt rét). Điều đó cho thấy loại muỗi không mang bệnh có thể chiếm chỗ của loại muỗi mang bệnh.
Ông Jason Rasgon thuộc Bộ môn Miễn dịch và Vi trùng học phân tử của trường Đại học Johns Hopkins cho rằng, các nghiên cứu vẫn chỉ đơn thuần là những cơ sở lý thuyết ban đầu để tiến tới các thử nghiệm thực tế vẫn cần rất nhiều thời gian.
Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn muốn theo đuổi mục tiêu này với hy vọng phát triển được một giải pháp thực tế nhằm ngăn chặn sự lan tràn của bệnh sốt rét.
Theo số liệu cung cấp của Trung tâm liên bang về Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh, hàng năm có khoảng từ 700.000 đến 2,7 triệu người chết vì sốt rét (trong số đó có đến 75% là trẻ em châu Phi).
Khi tiến hành nhiều thí nghiệm với các chủng gây sốt rét ở chuột (không phải các chủng gây sốt rét ở người), nhóm nghiên cứu của ông Rasgon đã tạo ra loại muỗi có khả năng chống ký sinh trùng sốt rét.
Nhiễm bệnh sốt rét gây bất lợi cho muỗi và trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những con muỗi kháng sốt rét hoàn toàn cạnh tranh được với các con muỗi không có khả năng kháng bệnh.
Khi tiến hành nghiên cứu, nếu bắt đầu với quần thể muỗi có số lượng muỗi kháng sốt rét và không kháng bệnh như nhau thì sau chín thế hệ, số lượng muỗi có khả năng kháng bệnh sẽ chiếm tới 70% của quần thể – tăng triển vọng thế chỗ các loại muỗi thông thường bằng loại muỗi kháng bệnh không có khả năng truyền bệnh sốt rét.
Tuy nhiên, Rasgon cũng nhấn mạnh rằng trong phòng thí nghiệm, các côn trùng bị nhiễm lượng ký sinh trùng nhiều hơn hẳn trong tự nhiên, và tỉ lệ muỗi mang bệnh cũng lớn hơn. Theo ông, đây là bằng chứng trên cơ sở lý thuyết, bước tiếp theo sẽ là tiến hành nghiên cứu trong một hệ thống dịch tễ học thích hợp hơn, song vẫn tiến hành trong phòng thí nghiệm. Ông cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa thể nói đến thử nghiệm thực tế trên diện rộng”. Hiện tại, các nhà khoa học cần quan tâm đến việc nghiên cứu chủng sốt rét ở người và cố gắng tạo ra loài muỗi kháng bệnh tương ứng.
William C. Black IV, Giáo sư côn trùng học của Đại học bang Colorado (Colorado State University), đã lưu ý rằng nghiên cứu này được tiến hành với chủng Plasmodium berghei, gây bệnh ở chuột, chứ chưa phải là với P. falciparum, loại virus gây sốt rét ở người. Theo ông, P. berghei thường được dùng trong phòng thí nghiệm nhờ dễ xử lý, nhưng rất nhiều đặc tính của loại khuẩn này lại mang đặc trưng riêng và không phải lúc nào cũng tương đương với dạng gây bệnh ở người. Điều cốt yếu là tìm được một loại gen có thể kháng bệnh và có tính ổn định trong một thời gian dài. Nếu các nhà khoa học có thể lặp lại nghiên cứu với ký sinh trùng gây bệnh ở người thì khi đó mới có cơ hội áp dụng trong thực tế.
Tiến sĩ Woodbridge A. Foster, nhà côn trùng học tại Đại học bang Ohio (Ohio State University), một người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho rằng: trong khi một vài phòng thí nghiệm đang cố gắng nghiên cứu tạo ra loài muỗi kháng bệnh thì ông ấy không quan tâm đến bất kỳ thứ gì được tạo ra có liên quan đến bệnh sốt rét cho dù thứ đó tốt hay không tốt cho sức khoẻ của con người.