ThienNhien.Net – Trong một lần ăn tối với một thương nhân tại Myanmar, gần biên giới Trung Quốc, nhà bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) Chris Shepherd nhìn thấy một vài thùng các-tông có ghi chữ “đồ sứ vệ sinh”, ông bèn hỏi mua. Thương nhân cười lớn, mở thùng ra. Trong đó chứa vô số bộ phận cơ thể báo và hổ. Chúng được tuồn từ Ấn Độ vào Yangon, theo đường bộ đến Bắc Myanmar và đã sẵn sàng vượt biên vào Trung Quốc.
Shepherd hiện đang làm việc cho TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán ĐVHD do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) và Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) kết hợp, đặt tại Malaysia. Ông đã kể lại câu chuyện trên tại buổi hội thảo nhóm về buôn bán ĐVHD ở Singapore trong khuôn khổ hội nghị được tổ chức cùng Tuần lễ phim Châu Á về ĐVHD tháng 03/2007.
Các nhà bảo vệ ĐVHD đang lo ngại rằng, nếu Trung Quốc thành công trong việc xoá bỏ lệnh cấm buôn bán bộ phận cơ thể hổ thì bọn buôn lậu sẽ càng trở nên liều lĩnh hơn và có thể đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của hổ trong môi trường hoang dã.
Đối tượng trong lệnh cấm năm 1993 của Trung Quốc bao gồm hổ trong tự nhiên cũng như trong môi trường nuôi nhốt tại các trang trại của Trung Quốc và nước ngoài. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng bộ phận cơ thể hổ vẫn rất lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc – nơi mà xương hổ được dùng chữa bệnh thấp khớp còn các bộ phận khác được dùng để tăng cường khả năng tình dục. Lệnh cấm giúp đảm bảo rằng loài hổ vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Ước tính còn khoảng 2.500 con hổ trong các khu rừng ở Châu Á.
Hiện nay Trung Quốc – 1 nước đã kí vào Công ước về buôn bán quốc tế các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng (CITES) – đang vận động để đạt được sự nhất trí của các quốc gia chủ chốt trong việc xoá bỏ lệnh cấm buôn bán bộ phận cơ thể hổ vì cho rằng như thế sẽ giúp đỡ các bệnh nhân đang phải vật lộn với bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, các nhà bảo tồn cho rằng, khi lệnh cấm được xoá bỏ dù chỉ trong nội bộ Trung Quốc thôi cũng sẽ ảnh hưởng đến loài hổ ở những nơi khác, đặc biệt là ở Ấn Độ – nơi có 2000 con hổ, chiếm đến 80% số hổ hoang dã cuối cùng còn sót lại.
Nhà nghiên cứu về hổ Ấn Độ – Valmik Thapar – ước tính rằng trong 30 khu bảo tồn ở Ấn Độ thì có đến 5 khu không có bóng dáng một con hổ nào. Toàn bộ hổ ở khu thứ 6 đã bị bọn săn trộm quét sạch hồi năm 2004.
Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc nhận được sự ủng hộ của nhà kinh tế học New-Delhi, ông Barun Mitra, người đã đến thăm Trung Quốc và viết rất nhiều bài báo kêu gọi cho phép buôn bán bộ phận cơ thể hổ. Ông là người sáng lập và quản lí Viện Tự do có trụ sở tại New Delhi, được mệnh danh là “nhóm cánh tả chuyên chống lại các quy định”. Lí luận của Mitra khá đơn giản: cho phép buôn bán bộ phận cơ thể hổ sẽ giúp thoả mãn nhu cầu thị trường, làm giảm giá và dẫn đến làm giảm tỉ lệ các tay săn trộm muốn sát hại hổ hoang dã.
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc gần đây nhất của Mitra vào tháng 02/2007, đã có 3 nhà bảo tồn công khai lên tiếng phản đối. Các nhà khoa học hàng đầu của WWF, ông AJT Johnsingh và nhà đồng sáng lập của quỹ Corbett có trụ sở tại Bắc Ấn Độ – Indian Dilip Khatau cùng người vợ Singapore của ông, Rina – cho rằng việc cho phép buôn bán ĐVHD rõ ràng không nhằm mục đích bảo vệ những loài này mà chỉ nhằm “thoả mãn nhu cầu, nhượng bộ người tiêu dùng và trao quyền, chủ yếu là quyền của các trại nuôi hổ”.
Việc cho phép buôn bán chỉ mang lại lợi nhuận cho các cá nhân như Zhou Weiseng, chủ trại nuôi gấu và hổ Guilin Xiongsen ở khu tự trị người Choang ở Quảng Tây. Trang trại này có hơn 1000 con hổ, chủ yếu là do trại này vẫn tiếp tục nuôi hổ sau khi lệnh cấm năm 1993 ra đời. Theo bà Khatau thì ông Zhou và những chủ trại đang mắc kẹt với cả ngàn con hổ đã đưa ra quyết định sai lầm trong kinh doanh khi tiếp tục cho hổ sinh sản. Trên thị trường tự do, chính phủ không nên can thiệp để giúp đỡ họ.
Mitra và những người ủng hộ việc xoá bỏ lệnh cấm cho rằng có thể mở cửa thị trường nhưng vẫn phải có những quy định chặt chẽ để đảm bảo rằng các bộ phận cơ thể hổ hoang dã không được đem ra buôn bán.
Thế nhưng, thực tế là ngay cả khi lệnh cấm được thực thi trong những năm qua, các bộ phận cơ thể hổ và các sản phẩm từ hổ vẫn được buôn bán bên ngoài các trang trại nuôi hổ hay được buôn lậu từ Malaysia, Thái Lan và Ấn Độ sang Trung Quốc.
Không những thế, trang trại Guilin còn mở một cơ sở sản xuất rượu xương hổ có xin phép và mới đây, một nhóm phóng viên của kênh truyền hình Anh ITV đã bí mật đặt một bữa nhậu thịt hổ tại trang trại này.
Những báo cáo về sản phẩm từ hổ nuôi trong các trang trại là một trong những vấn đề hàng đầu tại Trung Quốc năm ngoái khiến cho một quan chức đứng đầu Bộ Lâm nghiệp ra thông báo vào tháng 01/2007 rằng Trung Quốc không có ý định xoá bỏ lệnh cấm. Song ông cũng nói thêm rằng, một nghiên cứu về chính sách toàn cầu về “phương thức bảo vệ và nhân giống hiệu quả loài hổ” đang được thực hiện.
Ông Mitra thì khăng khăng rằng lập trại nuôi những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng là chìa khoá giúp chúng tồn tại và lấy cá sấu ra làm ví dụ minh hoạ. Nhưng theo Xu Hongfa, Chủ tịch người Trung Quốc của TRAFFIC thì ở đây không có sự tương đồng do chi phí cho cá sấu sinh sản thấp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, theo các nhà bảo tồn thì cho sinh sản không có mấy tác dụng đối với việc bảo vệ động vật trong môi trường hoang dã.
Thái Lan đã cho cá sấu sinh sản nhưng cá sấu xiêm vẫn đang có nguy cơ tuyệt chủng. Các trại nuôi không thể ngăn chặn nạn săn trộm các loài ĐVHD ở Đông Nam Á như bò rừng và bò xám, và các trang trại nuôi lợn cũng không thể dừng bước tiến công của thợ săn khi thấy bóng lợn rừng.
Trước thực tế này, những chuyên gia hàng đầu thế giới về hổ cho rằng: “chúng ta sẽ không còn hổ trừ phi luật lệ được thi hành”.
Hiện nay, việc thi hành luật lệ của các nước vẫn chưa được bảo đảm. Chính phủ Ấn Độ và các nước Đông Nam Á chưa thực hiện các cam kết chính trị để thi hành luật lệ và sẽ là phi thực tế khi trông chờ Trung Quốc đưa ra những quy định chặt chẽ đối với vấn đề mở cửa thị trường cho các sản phẩm từ hổ. Việc thực thi luật pháp về ĐVHD tại Trung Quốc đang được nới lỏng, và sự thả lỏng này sẽ mở rộng đối với cả các trang trại hổ nuôi.
Một bản báo cáo dài 75 trang về thị trường hổ ở Trung Quốc của các nhà nghiên cứu Xu Ling và K. Nowell công bố vào tháng 3/2007 cho thấy: “các nhà kinh doanh Trung Quốc kiếm lời từ buôn bán hổ đang khuyến khích nhu cầu về sản phẩm từ hổ. Và chính phủ Trung Quốc đang đề nghị nới lỏng lệnh cấm bằng cách cho phép người dân trong nước buôn bán dược phẩm có nguồn gốc từ hổ sinh sản trong các trại nuôi”.
Theo tạp chí Straits Times, việc bãi bỏ lệnh cấm hay nới lỏng chính sách của Trung Quốc thông qua việc miễn thuế với các sản phẩm có nguồn gốc từ hổ nuôi nhốt sẽ rất nguy hiểm và làm tăng khả năng tuyệt chủng của loài hổ trong môi trường tự nhiên.