Hải Dương có hơn 14.000 ha đất đồi rừng trong đó gần 6.000 ha rừng sản xuất. Đặc thù rừng sản xuất ở đây chỉ trồng cây ăn quả, đơn điệu với vải thiều và một phần nhỏ diện tích trồng na, nhãn, hồng, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hiện diện tích này đã chuyển thành đất nông nghiệp nên diện tích rừng thực tại của tỉnh chỉ còn hơn 8.000 ha, gồm cả rừng trồng và rừng tự nhiên.
Tuy năm nào cũng có hàng trăm héc-ta rừng được trồng mới, nhưng tỷ lệ cây sống cho hiệu quả ra sao chưa có số liệu chính xác, đó là chưa kể 5 năm nay, năm nào cũng xảy ra hàng chục vụ cháy rừng. Gần đây, có cơ quan chức năng đề nghị tỉnh phê duyệt dự án, trình Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, chuyển 2.500 ha rừng phòng hộ môi sinh thành rừng sản xuất, trồng cây ăn quả là chính. Điều này rất cần cân nhắc thận trọng.
Rừng bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng phòng hộ môi sinh, mất vẻ phong phú của sinh thái rừng. Thực tế gần 6.000 ha rừng sản xuất nay thành đất nông nghiệp vẫn chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giữ lại và tích cực đa dạng hóa hệ thực vật ở 8.000 ha rừng hiện có là cần thiết. Theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Môi trường lâm sinh nhiệt đới (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam) và Viện Quy hoạch rừng Tây Bắc Bộ (Bộ NN&PTNT), hệ thực vật rừng Hải Dương trước đây có hàng nghìn loài, trong đó có hàng trăm loài dược liệu.
Hơn 10 năm trước, lâm trường Chí Linh phát huy thế mạnh này đã huy động hơn 10 tỷ đồng từ vốn 327 để đầu tư xây dựng Vườn thực vật Côn Sơn, An Phụ. Đến nay những “nhà làm vườn” ở đây đã sưu tầm và trồng thành công 450 loài thực vật thân gỗ, có tới 270 loài gỗ quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, 60 loài cung cấp dược liệu, 20 loài họ cau, dừa, 15 loài họ tre, nứa… mở ra triển vọng nhân rộng cây quý hiếm, làm phong phú nguồn gien thực vật rừng bản địa.
Từ thành công này, tới đây ngành chức năng nên chọn giống tốt tiếp tục nhân rộng các loài cây quý hiếm phù hợp thổ nhưỡng, tạo đà khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gien thực vật rừng, tạo cảnh quan đẹp phục vụ du lịch sinh thái Hải Dương.
Không nên chuyển diện tích sang rừng sản xuất, cũng không nên nâng cấp rừng dàn trải như hiện nay bởi khó kiểm soát tỷ lệ cây sống và chăm sóc thích hợp. Bảo vệ tốt và nhân rộng hệ thực vật rừng đa dạng, rừng sẽ đảm đương vai trò phòng hộ môi sinh, giữ đất, giữ nước, cung cấp nguyên liệu để các ngành kinh tế khác phát triển bền vững, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Vườn thực vật Côn Sơn sẽ là điểm đến đầy hứa hẹn.