ThienNhien.Net – Nhiều người yêu thích cà phê trên thế giới không biết rằng loại cà phê mà họ uống được trồng bất hợp pháp tại một trong những vườn quốc gia quan trọng nhất trên thế giới, nơi bảo tồn các loài hổ, voi và tê giác. Nhiều nhà buôn địa phương đã pha trộn cà phê trồng trái phép với loại cà phê trồng hợp pháp rồi xuất khẩu từ Indonesia tới các tập đoàn như Kraft Foods, Nestle, Lavazza và Marubeni. Ngay cả các công ty xuất – nhập khẩu cà phê cũng chưa hề có cơ chế tại chỗ để ngăn chặn việc buôn bán cà phê trồng bất hợp pháp này.
Thông qua các hình ảnh vệ tinh, những cuộc phỏng vấn người trồng cà phê và việc giám sát các tuyến đường vận chuyển cà phê, Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã phát hiện việc trồng bất hợp pháp loại cà phê Robusta trong Vườn quốc gia (VQG) Bukit Barisan Selatan hẻo lánh của Indonesia. Từ đây, cà phê được xuất khẩu tới các công ty cà phê đa quốc gia và rồi được bày bán trên giá của các hiệu tạp hoá trên khắp nước Mỹ, châu Âu và châu Á.
VQG Bukit Barisan Selatan là một di sản thế giới nằm ở cực Nam của đảo Sumatra, một trong số ít khu bảo tồn có các loài hổ, voi và tê giác cùng sinh sống. Đây là một trong những môi trường sống quan trọng nhất còn lại của cả ba loài động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng này. Tuy nhiên, nơi đây đã bị mất gần 20% diện tích rừng che phủ do canh tác nông nghiệp bất hợp pháp.
Quỹ bảo tồn loài hổ và WWF đã công nhận Bukit Barisan Selatan là vùng cảnh quan ưu tiên bảo tồn hổ. Với thiết kế đặc thù, VQG này đã trở thành một trong những khu rừng quan trọng nhất để bảo tồn loài hổ ở Đông Nam Á.
Hơn nữa, nơi đây còn được coi là một khu trọng yếu bảo tồn loài tê giác Sumatra trong chiến lược hành động bảo vệ tê giác và voi châu Á (AREAS) của WWF. Đây là nơi cư ngụ của khoảng ¼ số lượng tê giác Sumatra và voi châu Á.
Trong Sách đỏ IUCN (2006), các loài tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis), và hổ Sumatra (Panthera tigris sumatrae) sinh sống ở đây được xếp hạng cực kỳ nguy cấp, loài voi Sumatra (Elephas maximus sumatranus) và loài sói hoang (Cuon alpinus) được xếp hạng có nguy cơ bị tuyệt chủng, còn loài heo vòi Mã Lai và gấu chó (Helarctos malayanus) thuộc loại động vật quý hiếm.
VQG Bukit Barisan Selatan ở Indonesia được xếp hạng là vùng sinh thái thứ 200 trên thế giới, theo bảng xếp hạng của WWF về các môi trường sống ở đất liền, nước ngọt và biển nổi tiếng nhất về đa dạng sinh học. Năm 2004, nơi đây cũng được UNESCO công nhận là quần thể di sản thế giới cùng với 2 VQG khác là Gunung Leuser và Kerinci Seblat. |
Ngoài ra, Bukit Barisan Selatan có hơn 470 loài cây, 127 loài lan, 26 loài cây mây, 24 loài đây leo, 98 loài thực vật bậc thấp và 23 loài tre (Respati 2004) đã được xác nhận. VQG này là khu bảo tồn quan trọng cho các loài thực vật đặc hữu và đang bị đe doạ như loài Rafflesia spp. và loài hoa to Amorphophallus spp., hay những loài cây đã được sử dụng truyền thống, như các loài cây lấy nhựa (Shorea javanica và Shorea ovalis). Cho đến nay, đã có 90 loài thú, 322 loài chim, 52 loài bò sát và 51 loài cá đã được xác nhận tại đây.
Tuy nhiên, các quần thể loài ở đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nạn phá rừng nhanh chóng để thay đổi mục đích sử dụng đất. Hơn nữa, những xung đột thường xuyên giữa loài hổ và cộng đồng dân cư sống ven rừng đã khiến người dân phải bắt hoặc giết chúng.
Các mối đe dọa đối với sự bền vững của VQG này là vấn đề xâm lấn đất đai, giết hại động vật hoang dã và chặt phá rừng bừa bãi để sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của WWF, sự xâm lấn đất đai để trồng loại cà phê Robusta là mối de dọa chủ yếu đối với VQG Bukit Barisan Selata. Tại đây, gần 1/3 diện tích rừng đã bị huỷ hoại. Các loài voi, hổ, tê giác đang bị de dọa chỉ có thể tồn tại nếu người ta di dời các đồn điền trồng cà phê ra khỏi khu vực này và phục hồi môi trường sống của chúng.